Vững tin 'top 20'
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, định hướng trở thành tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững vào năm 2030 nên Bình Phước những năm qua đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu là một trong những ưu tiên, bởi Bình Phước được biết đến là vùng nguyên liệu hàng đầu cả nước về cao su, điều, tiêu...
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ký Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển các cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Việt Nam (Đề án 431), gồm 6 loại cây trồng (cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa). Với 4 loại cây góp mặt trong đề án, Bình Phước được kỳ vọng sẽ có những bứt phá, giữ vững vị thế nhóm 20 tỉnh, thành phố có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước.
Top 20 gọi tên Bình Phước
Bình Phước khi mới tái lập (năm 1997) là tỉnh thuần nông với tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 70% cơ cấu kinh tế. Đến nay, tỷ trọng này giảm còn gần 23%, nhưng giá trị đóng góp của nông nghiệp vào GRDP của tỉnh lại tăng đáng kể. Riêng năm 2023, nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng đứng đầu cả nước, đạt 10,25% và đóng góp 3,21 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Theo Cục Thống kê tỉnh, hiện nay các loại cây công nghiệp chủ lực của Bình Phước gồm điều, cao su, tiêu và cà phê có diện tích gần 420.000 ha. Trong đó, cây điều 149.695 ha, sản lượng hơn 199.000 tấn; cây tiêu 12.953 ha, sản lượng hơn 23.500 tấn; cây cao su 242.961 ha, sản lượng gần 418.000 tấn và cây cà phê hơn 14.000 ha, sản lượng hơn 28.800 tấn. Diện tích, sản lượng các loại cây trồng chủ lực có sự tăng, giảm từng năm nhưng nhìn chung không có biến động quá lớn.
Chính vùng nguyên liệu bền vững đã góp phần giúp Bình Phước duy trì được tính ổn định trong xuất khẩu, duy trì vị thế địa phương xuất khẩu trong nhóm dẫn đầu cả nước. Bình quân kim ngạch xuất khẩu hằng năm của tỉnh đạt hơn 4 tỷ USD. Năm 2023, với kim ngạch đạt 4,180 tỷ USD, Bình Phước tiếp tục trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước, trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ trọng xuất siêu cao nhất.
“Đây là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước, rất quyết liệt và đồng bộ, cùng với đó là các doanh nghiệp (DN) tiếp cận với khu vực sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Điều đó cho thấy các DN đã bắt đầu tuân thủ những quy định của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cho nên kết quả xuất khẩu trở thành chỉ tiêu ấn tượng của Bình Phước trong năm 2023. Kết quả này cũng tạo động lực và kích thích tinh thần cho các cấp chính quyền, đặc biệt là DN liên quan trực tiếp đến xuất khẩu sản phẩm từ cây, con chủ lực của Bình Phước” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng đánh giá.
Đề án 431 khẳng định vị trí cây “tỷ đô”
Trong sự phát triển của tỉnh Bình Phước hôm nay, có đóng góp rất lớn của ngành nông nghiệp. Với Đề án 431, ngành nông nghiệp hứa hẹn sẽ tiếp tục có sức ảnh hưởng đến tăng trưởng GRDP của tỉnh, khi mục tiêu của đề án là phát triển bền vững các cây công nghiệp chủ lực, góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành nông - lâm - thủy sản, hiệu quả sản xuất, đời sống dân cư nông thôn và bảo vệ môi trường.
Đối với kim ngạch xuất khẩu, đề án đề ra mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm 6 cây công nghiệp chủ lực đạt khoảng 14-16 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vị trí nhóm cây “tỷ đô”, có đóng góp quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế đất nước.
Có thời gian nghiên cứu và hiểu rất rõ tiềm năng, thế mạnh, vị trí địa lý cũng như những chính sách phát triển của Bình Phước thời gian qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng tin tưởng, ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của Bình Phước đang đứng trước cơ hội mới. “Đề án 431 sẽ tạo ra bước đột phá, vừa giúp giảm thiểu những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, vừa giúp tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp mới phát triển đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, thịnh vượng, đặc biệt là bền vững” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh.
Nói đến chủ lực nghĩa là sẽ được Nhà nước đồng hành, hợp tác phát triển toàn diện từ ban đầu, từ khâu chọn giống, đào tạo đội ngũ, đầu tư nhà máy chế biến, đóng gói bao bì đến xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Cùng với đó là quảng bá sản phẩm vào những thị trường mới cũng như sẵn sàng hỗ trợ khi DN gặp khó khăn trong xuất khẩu... Đề án 431 và Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Bình Phước, sẽ tạo ra hành lang mới cho nông sản xuất khẩu của Bình Phước sau đại dịch Covid-19, mở đường đến những thị trường mới.
Chuyên gia kinh tế NGUYỄN HOÀNG DŨNG phân tích
Đáng chú ý, đề án đã xác định thị trường trọng điểm của các loại cây nêu trên, trong đó, ngoài các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, một số quốc gia châu Á và Trung Đông được xem là thị trường tiềm năng của điều nhân, hay hạt tiêu… Trong đó, khu vực Trung Đông, thị trường Halal với quy mô 1,9 tỷ dân đang được xem là rất triển vọng cho nông sản của Bình Phước, còn nhiều dư địa phát triển.
“Với lợi thế là trung tâm chế biến hạt điều số 1 thế giới, Bình Phước có rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu sản phẩm hạt điều và các loại nông sản hàng hóa khác sang thị trường Halal toàn cầu. Hiện nay, Bình Phước là một trong những địa phương tích cực trong công tác hỗ trợ DN tìm hiểu, xúc tiến thương mại với thị trường Halal toàn cầu” - ông Trần Quốc Duy, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch nhấn mạnh.
Ngoài thị trường Halal, các chuyên gia khuyến nghị tiếp tục nâng cấp cả quy mô và chất lượng xuất khẩu ở những thị trường đã chinh phục được và những thị trường khác có yêu cầu cao trên thế giới, nhằm giúp xuất khẩu giảm thiểu tính chu kỳ, phụ thuộc và tăng trưởng ổn định hơn, đem lại nhiều giá trị hơn.
Kỳ vọng xuất khẩu đạt mục tiêu
Tiếp nối những kết quả tích cực trong lĩnh vực xuất khẩu cùng với việc xúc tiến mở rộng thị trường, năm 2024, Bình Phước đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ 560 triệu USD, tăng 380 triệu USD so với năm 2023. Với kim ngạch đạt 1 tỷ 180 triệu USD trong năm qua, đã xuất khẩu đến 59 nước, khu vực và vùng lãnh thổ, ngành điều tiếp tục được kỳ vọng sẽ là đầu tàu cho tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh trong năm nay.
Trước tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu xấp xỉ 10% so với năm qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, nếu chỉ nhìn con số thì khá cao, tuy nhiên, ông tin tưởng Bình Phước hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra. “Tôi cho rằng tính khả thi là có, ở mức từ 80% trở lên. Đó là vì chúng ta đã đầu tư từ rất lâu cho các loại cây trồng chủ lực xuất khẩu. Người dân và các DN đã có nhiều kinh nghiệm trong các khâu từ trồng, chăm sóc, chế biến, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng phân tích.
Tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024 còn thể hiện ở việc nhiều DN đã được “chắp cánh”, đặc biệt là trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, thời gian qua đã đẩy mạnh hỗ trợ DN tiếp cận và phát triển các thị trường chiến lược đối với sản phẩm chủ yếu; phổ biến, cung cấp các thông tin liên quan đến yêu cầu về kỹ thuật, chính sách, các tiêu chuẩn, quy định, điều kiện của nước nhập khẩu… nhằm giúp DN chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, DN còn được hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên để thúc đẩy xuất khẩu.
Bức tranh xuất khẩu của tỉnh Bình Phước hiện nay khá tươi sáng. Bình Phước có hơn 1.000 DN xuất khẩu, doanh thu xuất khẩu chiếm 2/3 tổng doanh thu. Thị trường xuất khẩu chính của Bình Phước là các nước có FTA với Việt Nam như Hàn Quốc 18%, Mỹ 16%, Singapore 15%, Trung Quốc 13%, Campuchia 12%. Sản phẩm xuất khẩu chính là điều, cao su, gỗ, nông sản (chiếm 48%).
Bước chạy đà thuận lợi cho mục tiêu năm 2024 càng được củng cố khi 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Bình Phước ước đạt gần 722 triệu USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/154995/vung-tin-top-20