Vùng trọng điểm thu hút đầu tư tư nhân

Có quy mô kinh tế lớn nhất nước với các địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Đông Nam Bộ (ĐNB) thu hút đông đảo cộng đồng doanh nghiệp (DN) tư nhân đến đầu tư, khởi nghiệp.

Sản xuất tại một doanh nghiệp tư nhân ở Đồng Nai. Ảnh: V.Thế

Sản xuất tại một doanh nghiệp tư nhân ở Đồng Nai. Ảnh: V.Thế

Để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DN và cũng chính là thúc đẩy kinh tế địa phương, các tỉnh, thành trong vùng đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Sự thành công của DN là thành công của địa phương và khi DN lớn mạnh, xây dựng thương hiệu vững mạnh cũng chính là góp phần xây dựng thương hiệu cho các địa phương trong khu vực.

Vùng trọng điểm hình thành và phát triển doanh nghiệp

ĐNB có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng DN đứng đầu cả nước. Các DN trong khu vực ngày càng lớn mạnh, xây dựng thương hiệu, vươn tầm ra thế giới, đại diện cho thương hiệu Việt khi làm ăn với đối tác nước ngoài.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất nước, là nơi tập trung số lượng DN tư nhân đông đảo với khoảng 500 ngàn DN. Trong năm 2023, thành phố thành lập mới hơn 53,1 ngàn DN, tăng 16,7% so với năm trước đó, đóng góp khoảng 33,4% DN thành lập của cả nước. Riêng 8 tháng của năm 2024, tổng số DN thành lập mới hơn 34,6 ngàn.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố đang tính toán xây dựng nhóm các DN lớn, DN dẫn đầu để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Tương tự, 8 tháng của năm 2024, tỉnh Bình Dương thu hút được hơn 5,1 ngàn DN thành lập mới và lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 70,9 ngàn DN đăng ký kinh doanh với tổng số vốn hơn 777,4 ngàn tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Dương Phạm Trọng Nhân, với vốn đầu tư trong nước đang gia tăng, Bình Dương có môi trường đầu tư hấp dẫn vốn trong nước không kém phần hấp dẫn so với vốn đầu tư nước ngoài.

Vốn đầu tư trong nước không chỉ gia tăng về số lượng, mà còn tạo nên môi trường kinh doanh năng động và đa dạng. Các DN trong nước đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, dây chuyền sản xuất và công nghệ mới, tạo ra những cơ hội việc làm và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của các địa phương. Nhiều DN trong số đó không chỉ có địa chỉ chính ở khu vực ĐNB, mà còn mở rộng nhà máy đi các địa phương khác để nâng cao năng lực sản xuất.

Công ty CP Tập đoàn Hùng Nhơn là một ví dụ. Xuất phát từ trang trại gà quy mô nhỏ lẻ, chăn nuôi theo hộ gia đình từ những năm 2000 tại tỉnh Bình Phước, đến nay Hùng Nhơn là một trong những “ông lớn” của Việt Nam ở ngành chăn nuôi. Tập đoàn này hiện đã trải rộng nhiều địa phương khác ở ĐNB cũng như Tây Nguyên.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT công ty, DN đã hợp tác với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đầu tư hàng ngàn tỷ đồng trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, nâng tầm năng lực DN.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Cùng với tạo môi trường cho DN phát triển, các địa phương trong khu vực đang chuyển đổi mạnh mẽ, tái cấu trúc lại kinh tế của mình, nhất là việc hướng tới những ngành công nghiệp công nghệ cao, trọng điểm.

Đồng Nai xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nên tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã nhiều lần khẳng định, đối với Đồng Nai, sự thành công của DN cũng chính là thành công của địa phương. Muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải xây dựng được đội ngũ cán bộ quan tâm, sâu sát với người dân, DN. Do đó, Đồng Nai đặt quyết tâm và cần sự bứt phá ngoạn mục ở các địa phương, đơn vị từ chính sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả trong công tác điều hành, quản lý với những việc làm, giải pháp hợp lý, vì lợi ích chung.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức ngày 25-9, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ, địa phương sẽ áp dụng công nghệ mới cho ngành công nghiệp trọng điểm, hỗ trợ DN nâng cao năng lực để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thành phố thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi kép, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, dựa trên cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ DN.

Với Bà Rịa - Vũng Tàu, trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với DN, nhà đầu tư năm 2024 vào sáng 25-9, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, những năm qua, tỉnh đã tăng cường công tác quản lý nhà nước và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh tích cực, thuận lợi. Bà Rịa - Vũng Tàu luôn mong kiến tạo môi trường đầu tư năng động và hiệu quả đối với tất cả DN trong và ngoài nước. Tỉnh sẽ tiếp tục quyết liệt, làm tới cùng với từng khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cho DN. Để tăng hiệu quả công tác, địa phương sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra công vụ với mục tiêu không để xảy ra tình trạng chậm, nghẽn về hồ sơ, thủ tục gây khó khăn, ách tắc cho DN.

Vương Thế

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202410/vung-trong-diem-thu-hut-dau-tu-tu-nhan-9a90b70/