Vững vàng vượt qua đại dịch

Bài 3: Bản lĩnh trong gian khó

Xử lý thành công các ổ dịch phức tạp

Ít ngày sau khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội (ca bệnh số 17), những tin không vui liên tiếp đến với người dân Thủ đô. Hà Nội trở thành điểm nóng nhất cả nước. Dù đã được cảnh báo, nhưng điều mà tất cả mọi người lo ngại nhất đã đến, khi hai nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai bị mắc Covid-19. Tiếp đó, xuất hiện các ca khác là nhân viên của một công ty dịch vụ trong bệnh viện, bệnh nhân, người nhà đến chăm sóc bệnh nhân. Bệnh viện Bạch Mai nằm ngay giữa khu dân cư đông đúc của quận Ðống Ða, mỗi ngày có hàng nghìn người từ khắp các tỉnh, thành phố ra, vào bệnh viện khám, chữa bệnh, thăm nom người thân.

Ngày 19-3, ngay sau khi nhận thông tin về trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại quận Ðống Ða. Ðồng chí đề nghị ngành y tế, quận Ðống Ða phải phòng, chống dịch với tinh thần cảnh giác cao nhất, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" để khoanh vùng dịch bệnh, xác định rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu. Cùng với việc thực hiện phong tỏa bệnh viện, thành phố dồn mọi nguồn lực tốt nhất về thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp sức cho bệnh viện chống dịch. Chủ tịch UBND phường Phương Mai Hoàng Thị Bảo Phương cho biết: "Bệnh viện nằm trên địa bàn phường Phương Mai, cho nên những ngày bệnh viện thực hiện cách ly là những ngày không ngủ với cả hệ thống chính trị. Sự vào cuộc đồng bộ từ Ðảng ủy, UBND phường, công an, cán bộ các đoàn thể, tổ dân phố đã giữ cho tình hình địa phương ổn định ngay bên cạnh tâm dịch, nhất là khi phường có nhiều nhà trọ, rồi không ít gia đình cán bộ, bác sĩ sinh sống trên địa bàn. Nhờ sự đồng thuận, mọi người cùng vững tâm, cho nên trong lúc khó khăn nhất, chúng tôi vẫn tin tưởng vào chiến thắng".

Có "hậu phương" vững chắc, cho nên trong những ngày thực hiện cách ly, Bệnh viện Bạch Mai vẫn chăm sóc 800 bệnh nhân nặng vượt khả năng chữa trị của tuyến dưới; cấp cứu kịp thời hơn 20 bệnh nhân rất nặng, có ca đã ngừng tim lại hồi phục; duy trì việc chạy thận cho hơn 500 bệnh nhân. Trong đó, hơn 100 bệnh nhân nặng phải thuê trọ tại "xóm chạy thận" tại phường Ðồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) được chính quyền các cấp hỗ trợ cao nhất về mọi mặt. Ông Nguyễn Bá Việt, một bệnh nhân chạy thận có "thâm niên" tại đây rưng rưng chia sẻ: "Nếu không có các cơ quan, đoàn thể, không có những nhà hảo tâm giúp đỡ, chúng tôi chẳng biết sống thế nào trong giai đoạn khó khăn này".

Công tác phòng, chống dịch liên quan Bệnh viện Bạch Mai cũng được triển khai quyết liệt, tranh thủ từng giây từng phút. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã yêu cầu điều tra, rà soát hàng chục nghìn trường hợp đã từng đến bệnh viện trong đầu tháng 3. Trong khoảng 10 ngày đầu tháng 4, hơn 10 nghìn người đã được làm các xét nghiệm nhanh để có hướng xử lý, khoanh vùng, cách ly kịp thời. Nhờ các biện pháp kịp thời này, nguồn lây từ Bệnh viện Bạch Mai nhanh chóng nằm trong tầm kiểm soát. Ngày 12-4, Bệnh viện Bạch Mai được dỡ bỏ cách ly. Cùng với đội ngũ cán bộ ngành y, nhân dân trong khu vực cũng vỡ òa trong niềm vui.

Kết quả trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai không phải là điều gây bất ngờ. Bởi trước đó, việc xử lý các ca nhiễm Covid-19 ở phường Trúc Bạch (quận Ba Ðình) chính là cuộc tập dượt ở quy mô nhỏ, để cả hệ thống chính trị, các cơ quan chuyên môn và người dân phối hợp thực hiện công tác phòng dịch. Mọi kịch bản ứng phó dịch đã được quán triệt, chuẩn bị kỹ càng ở tất cả các cấp, các địa phương, đến khi có dịch bệnh xảy ra, các ban, ngành đều "vào vai" một cách nhịp nhàng. Ðiều này thể hiện rõ hơn khi ổ dịch thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) bùng phát. Thời điểm có thông tin Hạ Lôi có bệnh nhân 243 nhiễm Covid-19, bao nỗi lo toan ập đến khi có người cách đấy mấy hôm vừa ăn cơm cùng bệnh nhân, người thì trò chuyện, người uống nước cùng... Thế nhưng, người dân ở Hạ Lôi cũng như các địa bàn khác của Hà Nội đều đã sẵn sàng ứng phó những tình huống phức tạp nhất. Tối 7-4, tinh thần chuẩn bị cách ly được phổ biến đến người dân. Sáng 8-4, chín chốt cách ly đã triển khai đồng bộ ở các cửa ngõ ra, vào thôn. Những người tiếp xúc nhanh chóng được lấy mẫu để xét nghiệm. Hạ Lôi những ngày ấy vắng vẻ vì người dân không ra ngoài đường, nhưng đến đây, ai cũng cảm nhận rõ sự ấm áp, bình yên khi người dân tin tưởng tuyệt đối vào các biện pháp mà chính quyền triển khai.

Ðể bảo đảm nhu yếu phẩm cho 3.356 hộ và 10.429 nhân khẩu của thôn Hạ Lôi trong thời gian cách ly, huyện Mê Linh đã chỉ định 34 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tổ chức cung ứng nguồn hàng cho người dân. Nhiều quận, huyện, thị xã của thành phố cùng nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ nhu yếu phẩm, tiền mặt, khẩu trang, nước rửa tay đến người dân thôn Hạ Lôi và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Mê Linh. Ba ngày sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại Hạ Lôi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trực tiếp đến thăm hỏi, động viên nhân dân, chỉ đạo công tác chống dịch. Ðúng như lời đồng chí Phó Bí thư dặn dò cấp ủy, chính quyền, nhân dân, Hạ Lôi đã phát huy truyền thống quê hương Mê Linh anh hùng để vượt qua đại dịch trong an toàn tuyệt đối.

Hình mẫu về phương pháp phòng, chống dịch

Tại hội nghị trực tuyến cấp cao các thành phố trên thế giới về phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức đầu tháng 6, Hà Nội tự hào khi được ghi nhận là một trong những thành phố tiến hành chống dịch tốt nhất trên thế giới. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã chia sẻ kinh nghiệm chống dịch của Hà Nội với các thành phố của các nước. Ðồng chí nhấn mạnh, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn, sự chỉ đạo đúng đắn và kịp thời của Trung ương và thành phố đã tạo niềm tin, sự đoàn kết, nhất trí của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng, chống dịch.

Việc xử lý thành công các ổ dịch phức tạp nhất giúp Hà Nội trở thành một hình mẫu trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, việc tuyên truyền để thống nhất về tư tưởng, đoàn kết nhân dân luôn phải làm từ gốc, phải đi trước một bước. Ở phường Trúc Bạch, thôn Hạ Lôi hay thôn Ðông Cứu, sự phối hợp đồng bộ đã tạo nền tảng cho thành công: Cấp ủy, chính quyền đưa ra những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời; hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc nhịp nhàng, trách nhiệm, từ khâu rà soát đối tượng tiếp xúc đến việc hỗ trợ nhân dân; các cơ quan chuyên môn làm việc nghiêm túc, khẩn trương. Dịch bệnh diễn ra phức tạp, nhưng cũng là dịp để nhân dân thể hiện sự tin tưởng vào cấp ủy đảng, chính quyền, và cũng là cơ hội để cả hệ thống chính trị khẳng định uy tín với nhân dân.

Viện trưởng Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, Phó Giáo sư Bùi Thị An đã nhận định: "Hà Nội là một đô thị lớn, để kiểm soát tình hình dịch bệnh là việc không hề dễ, nếu không có sự sáng tạo, nắm chắc thực tiễn. Nhưng lãnh đạo và các cơ quan chức năng của thành phố rất sâu sát thực tế và có những giải pháp cụ thể, kịp thời, sát với tình hình địa phương và tạo ra những hiệu quả. Chính sự đồng lòng từ hệ thống chính trị đến toàn thể người dân Thủ đô đã nhân lên thành sức mạnh to lớn, giúp thành phố kiểm soát được tình hình, từng bước chiến thắng dịch bệnh".

(Còn nữa)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44867002-vung-vang-vuot-qua-dai-dich.html