Vườn hẹp nhưng thu nhập cao

Bằng việc khai thác hiệu quả diện tích đất, ông Huỳnh Văn Hạnh, ở thôn Nam Nghĩa, xã Nam Đà, huyện Krông Nô (Đắk Nông), đã biến khu vườn chật hẹp của mình trở thành một mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Huỳnh Văn Hạnh có khu vườn rộng 2.000m2 được quy hoạch khá bài bản. Ông Hạnh cho biết, từ năm 2017, ông chuyển đổi, cải tạo khu vườn cà phê già cỗi sang trồng 100 cây ăn trái như: Chôm chôm, bơ, xoài, mít...

 Mặc dù vườn của ông Hạnh chỉ rộng khoảng 2.000m2 nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao

Mặc dù vườn của ông Hạnh chỉ rộng khoảng 2.000m2 nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao

Khi cây ăn trái bắt đầu cho thu hoạch, ông tiếp tục trồng 1.000 gốc đinh lăng và 1.500 dứa để tận dụng không gian dưới tán cây ăn quả. Hai loại cây này được ông trồng thành hàng tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch.

Quá trình sản xuất, ông Hạnh nhận thấy, cây đinh lăng và cây dứa khi trồng dưới tán cây ăn quả đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, ông tập trung chăm sóc, mở rộng quy mô sản xuất hai loại cây trồng này.

Để thuận lợi chăm sóc cây trồng, toàn bộ vườn cây được ông Hạnh lắp đặt hệ thống tưới theo từng khu vực. Ông không làm sạch cỏ mà chỉ cắt cỏ định kỳ, đồng thời sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học, phân chuồng để bón cho vườn cây.

 Đinh lăng và dứa phát triển tốt dưới tán cây ăn trái

Đinh lăng và dứa phát triển tốt dưới tán cây ăn trái

Ông Hạnh chia sẻ, khu vườn liền kề với nhà ở, gắn liền cuộc sống hàng ngày của cả gia đình, nên phải tạo được không khí trong lành, xanh, sạch, đẹp. Do đó, mọi hoạt động canh tác phải đặt dưới tiêu chuẩn an toàn sức khỏe, không gây nguy hại, ảnh hưởng đến môi trường sống.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, khu vườn của ông Hạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng cây ăn trái đã cho ông khoản thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Các loại cây ngắn ngày, cây dược liệu cũng phát triển tốt, cho thu nhập đáng kể.

Hiện nay, ông Hạnh đang tiếp tục quy hoạch để xây dựng khu chăn nuôi dưới tán cây, tạo thêm nguồn thu, nguồn phân để bón cho cây trồng.

 Cây mít mang lại nguồn thu nhập tương đối cao cho gia đình ông Hạnh

Cây mít mang lại nguồn thu nhập tương đối cao cho gia đình ông Hạnh

Theo ông Phạm Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Nam Đà, cách cải tạo vườn của ông Hạnh đã trở thành mô hình điểm điển hình trên địa bàn. Hiện nay, xã đang tổ chức đánh giá các tiêu chí trong việc xây dựng, cải tạo khu vườn của gia đình ông Hạnh.

Khu vườn tuy không lớn, nhưng khi được áp dụng cách làm mới, được đầu tư bài bản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Hạnh không chỉ khai thác hiệu quả diện tích đất, mà còn tạo không gian sống trong lành, an toàn cho mọi người xung quanh.

Đây là mô hình được xã rất quan tâm, muốn triển khai rộng rãi để người dân trên địa bàn học tập, áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu nhập. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ để gia đình ông Hạnh hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng vườn kiểu mẫu.

Ông Ánh nhấn mạnh: "Xây dựng vườn kiểu mẫu là xu hướng mới, góp phần phát huy hiệu quả sử dụng đất vườn và tạo cảnh quan môi trường trong xây dựng NTM".

Bài, ảnh: Đức Hùng

602

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/vuon-hep-nhung-thu-nhap-cao-86970.html