Vườn hoa hồng đa sắc

Sở hữu diện tích 7.000 m2 với đầy đủ các loại hoa hồng nhập ngoại và hồng cổ nội địa, khu vườn của anh Phạm Văn Trọng (xã Hiệp An, huyện Ðức Trọng) luôn được giới yêu hoa 'săn đón' mỗi khi có giống hồng mới xuất hiện.

Anh Trọng chăm sóc và nuôi dưỡng những gốc hồng từ khi còn rất nhỏ

Theo đuổi đam mê

Là người gốc Nam Định, cũng vì yêu cái đẹp, thích sự mỏng manh, quyến rũ của hoa hồng, anh Phạm Văn Trọng (35 tuổi) hiện đang là chủ một khu vườn hoa hồng với diện tích 7.000 m2 gồm 30.000 chậu với hàng chục giống hoa hồng từ bình dân tới quý hiếm.

Nhắc tới cơ duyên với hoa hồng, anh Trọng kể: “Hồi còn ở Bắc, tôi có anh bạn chung sở thích là đi “săn” các loại hoa hồng nhập ngoại để trưng bày tại nhà. Ngay từ lúc đầu thấy loại hoa hồng đó, tôi phải “ồ” lên vì thực sự chúng làm tôi phải nghĩ tại sao hoa đẹp như vậy mà ở Việt Nam hiếm hoi lắm tôi mới có thể ngắm nhìn được. Rồi cứ thế, về lâu dần tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp kiêu sa và khác lạ với những loại hoa tôi thường gặp. Tôi bắt đầu có mong muốn sưu tập và sở hữu được một khu vườn chuyên hoa hồng nhập ngoại, hồng cổ thụ”.

Từ tình yêu ấp ủ dành cho hoa hồng như vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2015 anh vay mượn từ bạn bè một số vốn để tự mở cho mình một khu vườn trồng bông tại Nam Định. Không bao lâu, anh vào Sài Gòn và tự tạo cho mình một khu vườn nhỏ để nghiên cứu và học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh, đặc biệt là kỹ năng đối với các giống hoa hồng nhập ngoại cũng như giống hồng cổ lâu năm.

Đầu năm 2018, với vốn liếng ban đầu, anh chọn Lâm Đồng là nơi khởi nghiệp cho những dự định mình đã vạch ra trước đó. “Đà Lạt là vùng đất tốt, khí hậu cũng rất thích hợp để có một vườn hoa hồng ưng ý”, chàng trai người Nam Định cho biết khi chúng tôi hỏi lí do tại sao anh không chọn quê hương là nơi thực hiện ý định bấy lâu ấp ủ.

Để phong phú hơn cho bộ sưu tập hoa hồng, anh bắt đầu tham khảo và tìm mua các giống hồng có nguồn gốc, xuất xứ từ châu Âu và Thái Lan thông qua những người bạn có cùng sở thích “săn” các loại hồng nổi tiếng, mang lại cả giá trị tinh thần lẫn giá trị kinh tế cao.

Hiện tại, khu vườn hoa hồng của anh Trọng có hơn 100 giống hồng được chọn lọc với 3 vạn chậu, nhưng chủ yếu vẫn là hoa hồng nhập ngoại và 100 cây hồng cổ thụ có tuổi đời từ 20 tới 55 năm.

Anh Trọng chia sẻ: “Chắc do có duyên nên từ lúc bắt đầu trồng hồng ở vùng đất Đà Lạt, tôi không gặp nhiều khó khăn lắm. Đã định hướng kỹ lưỡng ngay từ đầu, khi làm tôi đã chuẩn bị mọi thứ từ cách chăm sóc, tỉa cành hay phòng trừ các loại dịch bệnh…”.

Khởi nghiệp ở xứ lạnh

Với đặc điểm nổi bật của giống hồng ngoại là có vẻ ngoài bắt mắt, hương thơm nồng nàn và sở hữu màu sắc đa dạng như tím, vàng, hồng phấn…; vườn của anh Trọng dần thu hút được đông đảo du khách và được nhiều đại gia “săn” hoa hồng cổ thụ tìm đến. Nhiều đại gia đã bỏ ra cả trăm triệu để mua cây hồng Bạch Điều trong vườn với mức giá thấp nhất cũng phải 150 triệu đồng nhưng nhiều thời điểm anh Trọng không còn hồng quý để bán.

Theo anh Trọng, khi bắt đầu lập nghiệp ở vùng đất dưới chân đèo Prenn, anh chỉ mua khoảng vài chục gốc cây hoa hồng ngoại để thử nghiệm, thăm dò thị hiếu người tiêu dùng. Dần dần có nhiều kinh nghiệm, anh tập trung thời gian vào việc tìm hiểu và nhân giống từ những cây hồng mua về trước đó. “Tùy theo các loại giống, có giống tầm nửa năm xuất đi một lần kể từ lúc ươm cành, nghĩa là tháng nào tôi cũng làm giống và gối đầu liên tục. Cứ mỗi chu kỳ, tùy theo giống cây, có giống là tầm 2 tháng, có giống tầm 6 tháng thì vườn của tôi xuất đi hơn 5 ngàn chậu cho mỗi chu kỳ như thế với giá trung bình là 100 ngàn đồng, chưa kể có nhiều người mua các chậu lớn và hồng cổ” - anh kể.

Trong khu vườn của anh, chúng tôi được chiêm ngưỡng rất nhiều hồng cổ nội địa đẹp và quý, từ các cây nhỏ đến cả cây hồng cao tới vài chục mét với tuổi đời vài chục năm như hồng cổ Bạch Xếp trắng tinh khôi, hồng cổ Sapa hay hồng đào cổ - có dáng cánh cổ và hương thơm nồng nàn,… đang được nhiều người yêu hoa hồng tìm mua. Anh chủ vườn trẻ tuổi cho biết thêm, giống hồng ngoại đa dạng và thu hút nhưng nói về tính độc đáo, quý hiếm thì chỉ có hồng cổ nội địa vượt trội hơn hẳn, vì thế giá trị của chúng chênh lệch nhau khá nhiều. Trong khi hồng ngoại giá tầm trung bình từ 100-150 nghìn đồng/chậu thì hồng cổ nội địa có cây bán giá cả trăm triệu như hồng Bạch Xếp, cổ Sapa, cổ Đà Lạt.

Từ xuất phát điểm ban đầu là tình yêu, đam mê với giống hoa hồng, nhờ nhạy bén tìm hiểu thị trường và kiên trì vượt khó, anh Trọng đã tự mình ươm giống và nhân rộng ra nhiều chậu hoa hồng theo hướng hàng hóa, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Và có lẽ, cuộc sống của anh hiện khá trọn vẹn, gói ghém đủ đầy trong tình yêu với hoa hồng trên mảnh đất xứ lạnh.

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201907/vuon-hoa-hong-da-sac-2956316/