Vườn lan quý trên thượng nguồn sông Cu Đê

Bên thượng nguồn sông Cu Đê, dưới thung lũng Bàu Bàng (thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) 3 năm nay xuất hiện một vườn hoa lan khoe sắc, tỏa hương thơm ngát bốn mùa. Chủ vườn lan là vợ chồng anh Nguyễn Văn Thạnh và chị Lê Ngọc Hà - những nông dân chính hiệu ở vùng đất bán sơn địa này. Qua bao gian khó, vợ chồng anh Thạnh không những đã biến mảnh đất cằn cỗi thành điểm tìm đến của khách du lịch gần xa mà còn có thu nhập cao từ việc bán hoa.

Chị Hà chăm sóc vườn lan Mokara.

Chị Hà chăm sóc vườn lan Mokara.

Hôm tôi lên thăm vườn lan, chị Hà ở thôn Lộc Mỹ, anh Thạnh lại phải chạy xuống trung tâm xã để họp phụ huynh học sinh cho con trai lớn, nhưng anh vẫn nhắn lại tôi: "Cứ gặp bả (vợ anh), bả bây giờ còn rành việc trồng hoa, chăm sóc hoa hơn tôi, chứ tôi chỉ là người hình thành "ý tưởng" thôi...". Đúng như lời anh Thạnh, chị Hà là người xởi lởi, nhẹ nhàng, đúng phong cách của người trồng hoa mà tôi đã gặp ở nhiều nơi. Chị Hà cho biết, gia đình chị vốn ở nội thành Đà Nẵng, mãi những năm 80 mới lên Hòa Bắc, rồi lập nghiệp ở thôn Lộc Mỹ.

Còn anh Thạnh, vốn dân Đại Hòa (H. Đại Lộc, Quảng Nam), lên Lộc Mỹ làm rẫy, làm vườn ven thượng nguồn sông Cu Đê, gặp chị Hà rồi nên duyên vợ chồng. Năm 2015, trong một chuyến vào TP Hồ Chí Minh, lên Củ Chi thăm người bà con, vợ chồng anh Thạnh chứng kiến nhiều người dân nơi đây đang canh tác một loài phong lan cắt cành có tên Mokara, nhập giống từ Thái Lan mang lại hiệu quả thu nhập rất cao. Anh Thạnh nhận thấy, vùng đất Bàu Bàng vợ chồng anh đang sinh sống cũng có đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu na ná như vùng đất Củ Chi. Thế là, anh nảy ra ý định trở về Lộc Mỹ trồng thử loài hoa này.

Từ tiền vợ chồng dành dụm bấy lâu, rồi đi vay, huy động anh em hỗ trợ, vợ chồng anh Thạnh mua hơn 4000m2 đất vườn bỏ hoang ngay sát vườn nhà. Vợ chồng tiếp tục đầu tư xây dựng một giàn nhà lưới phủ kín lô đất, lặn lội vào TP Hồ Chí Minh mua 10.000 cây giống phong lan Mokara, với giá 50 nghìn đồng/cây, đủ trồng trên 2.000m2 đất. Chị Hà bảo, hồi mới đưa giống hoa về trồng, vợ chồng tôi lo lắm, không cẩn thận lại thành ra nợ nần chồng chất như chơi. Vậy là hai vợ chồng cặm cụi suốt ngày đêm trong vườn hoa, từ tưới nước, vun xới, bắt sâu, nhổ cỏ không một lúc nào rời. Có người đi ngang vườn hoa của vợ chồng chị Hà cười: "Ở đây bao đời nay, người ta chỉ trồng khoai, sắn, bắp..., vợ chồng bay lại chơi ngược đi trồng hoa, thứ hoa đó có ăn được không...?!". Nghe vậy vợ chồng chị lại càng lo.

Tuy nhiên, trời không phụ người có công, sau hơn một năm kiên trì chăm bón, vườn hoa lan trổ những bông hoa đầu tiên. Vợ chồng chị vừa mừng, vừa xúc động, ôm nhau bật khóc. Hơn 10.000 cây hoa lan giống, cây nào cũng phát triển xanh tốt, trổ đủ 3 loại màu: đỏ, tím, vàng... Từ năm 2017 đến nay, tuần nào vợ chồng chị Hà cũng cắt từ 300 đến 1.000 bông, bán với giá 5 - 7 nghìn đồng/bông, không đủ cung cấp cho các cửa hàng hoa ở Đà Nẵng. Chị Hà cho biết, hiện nay vợ chồng chị đang tiếp tục mua thêm giống hoa và tách nhánh từ những cây hoa đã phát triển tốt, trồng tiếp trên 2000m2 đất vườn. Chị Hà nhẩm tính, nếu trồng hết diện tích vườn, mỗi tháng cắt khoảng gần 10.000 hoa sẽ thu về trên 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.

Chị Hà cho biết thêm, hiện nay vợ chồng chị đã tập trung đầu tư vào xây dựng giàn nhà lưới, tường rào, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho vườn lan với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Giống lan Mokara yêu cầu hàm lượng dinh dưỡng và độ ẩm của đất phải đảm bảo, vợ chồng chị Hà đã nghiên cứu ra phương pháp bón lót bằng lớp vỏ đậu phụng và đóng ống nhựa cao 1,2 mét theo từng luống.

Các luống cách nhau 0,5 mét, mỗi luống đóng 4 hàng ống nhựa với khoảng cách 35cm. Mỗi ống nhựa được bó vào 2 nhánh cây lan giống, đặt cách mặt đất 15cm. Hằng ngày tưới nước 2 lần, mỗi lần 10 phút. Sau ba tháng trồng, rễ lan phát triển, hút dinh dưỡng trong lớp vỏ đậu cùng với dinh dưỡng từ phân hữu cơ được bón vào gốc và bón qua lá. Lan Mokara trồng khoảng 6 tháng là bắt đầu có hoa bán. Hoa lan Mokara có nhiều màu sắc rất đẹp, nhưng chủ yếu là màu vàng, đỏ, tím; hoa tươi rất lâu, từ hai đến ba tháng mới tàn nên rất được khách hàng ưa chuộng.

Lãnh đạo UBND xã Hòa Bắc cho hay, mô hình trồng lan Mokara của vợ chồng anh Thạnh, chị Hà được chính quyền địa phương xã Hòa Bắc rất quan tâm, hỗ trợ, tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất. Năm 2019, UBND xã Hòa Bắc đã có kế hoạch hỗ trợ kinh phí, xây dựng phát triển thành vườn hoa lan mẫu, tổ chức cho bà con nông dân địa phương đến tham quan và trao đổi kinh nghiệm. Đây là mô hình trồng lan Mokara đầu tiên ở các xã miền núi H. Hòa Vang Chính từ sự đột phá, dám nghĩ, dám làm, vợ chồng anh Thạnh, chị Hà hai năm liền đạt danh hiệu "Nông dân giỏi, điển hình tiên tiến".

Hồng Thanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_209002_vuon-lan-quy-tren-thuong-nguon-song-cu-de.aspx