Vươn lên từ mô hình đa canh
Là nông dân điển hình tiên tiến, không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Trần Văn Thắng (Trưởng thôn 9, xã Tân Lâm, huyện Di Linh) còn là trưởng thôn gương mẫu, tận tụy, người tiên phong của xã trong việc thực hiện hiệu quả mô hình đa canh. Nhờ đó, đến nay cuộc sống kinh tế của gia đình ông Thắng đã phát triển ổn định và không ngừng nâng cao thu nhập.
Được cấp ủy, chính quyền địa phương giới thiệu, chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất đa canh của gia đình ông Trần Văn Thắng. Ông Thắng tâm sự, trước đây hầu hết bà con ở khu vực này (gồm Thôn 6, 7, 8, 9, 10...) chỉ biết chuyên canh cây cà phê, nên khi giá cả cà phê xuống thấp, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do khó khăn về đường sá cho việc thông thương hàng hóa nên người dân vẫn thường xuyên bị thương lái ép giá...
Sau các đợt được chính quyền địa phương xã Tân Lâm tổ chức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, học tập các mô hình sản xuất hiệu quả ở các địa phương trong và ngoài huyện, cùng với việc tập trung tái canh, ghép cải tạo vườn cà phê, năm 2018, ông Trần Văn Thắng đã vận động gia đình mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh sang trồng một số loại cây mang lại hiệu quả kinh tế ổn định hơn nhằm đa dạng và nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình. Ông Trần Văn Thắng chia sẻ: “Gia đình tôi có 7 ha đất canh tác cà phê và mỗi năm thu từ 23 - 25 tấn cà phê nhân nhưng nhiều năm nay, giá cả thị trường cà phê không ổn định, tốn nhiều công lao động, chi phí đầu tư cao nên hằng năm thu nhập của gia đình cũng không đáng kể. Nếu không chịu chuyển đổi sang cây trồng khác, gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhất là chi phí trong việc trang trải cho cuộc sống cũng như đầu tư phát triển sản xuất”.
Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó, trong số diện tích 7 ha cà phê, đến nay gia đình ông Thắng chỉ giữ lại 3 ha, số diện tích còn lại gia đình ông đã chuyển sang trồng trên 1 ha cây dâu tằm, 3.000 gốc chuối Laba tương đương với 1 ha, mít Thái 3.000 cây và hàng trăm cây bơ nay đã có khoảng 200 cây cho thu bói...
Ông Trần Văn Thắng cho biết: “Trong số các loại cây đã trồng, gia đình tôi ưu tiên chọn cây dâu tằm làm trước để lấy ngắn nuôi dài. Với trên 1 ha dâu, một tháng gia đình tôi nuôi ít nhất 3 đợt, mỗi đợt nuôi 3 hộp tằm con. Giá kén tằm dao động từ 130 - 140 ngàn đồng/kg thì bình quân gia đình tôi có nguồn thu 70 triệu đồng/tháng từ nuôi tằm. Thấy hiệu quả từ việc trồng dâu, nuôi tằm, đến nay nhiều bà con trong vùng đã học theo, họ chịu khó tận dụng các khoảnh đất trống trong vườn cho việc trồng dâu nuôi tằm”.
Cũng theo ông Trần Văn Thắng, tuy công việc trồng dâu nuôi tằm khá vất vả nhưng nhờ chịu khó học hỏi tiếp cận kỹ thuật, phương pháp nuôi mới nên không chỉ giảm công lao động mà còn giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng kén tằm cao hơn. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tận dụng nguồn phân tằm để bón cho cây trồng.
Mặc dù một số loại cây trồng chưa cho thu hoạch ổn định, nhưng từ khi thực hiện mô hình sản xuất đa canh, đến nay gia đình ông Trần Văn Thắng đã có thu nhập khá ổn định trên 1 tỷ đồng/năm. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn Thôn 9 có khoảng 526 ha đất sản xuất, trong đó đã có 2/3 diện tích được người dân chuyển đổi sang trồng mắc ca, mít, sầu riêng, bơ, chuối Laba… nhưng chủ yếu vẫn là trồng dâu nuôi tằm. Nhờ tích cực chuyển đổi nên đến nay trong số 151 hộ dân Thôn 9, xã Tân Lâm đã có trên 20% số hộ có cuộc sống khá giả, số hộ nghèo giảm còn 12 hộ và 8 hộ cận nghèo.
Ông Vũ Hồng Phúc - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Lâm, nhận xét: “Ông Trần Văn Thắng là điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, tích cực và chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Với mong muốn thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, thời gian qua ông Thắng đã mạnh dạn thực hiện hiệu quả mô hình sản xuất đa canh, nâng cao thu nhập; hăng hái vận động bà con trong thôn tích cực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần đưa bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc”.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202101/vuon-len-tu-mo-hinh-da-canh-3039401/