Vườn quốc gia Cát Tiên tiếp nhận 3 cá thể cu li nhỏ quý hiếm và 1 cá thể khỉ mặt đỏ

Ngày 16-11, Vườn quốc gia Cát Tiên đã tiếp nhận 2 cá thể cu li nhỏ từ gia đình anh Nguyễn H. D. (ngụ TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) với sự chứng kiến, xác nhận của đơn vị kiểm lâm TP. Bảo Lộc.

Cặp cu li nhỏ được gia đình anh Nguyễn H. D.bàn giao cho Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn

Cặp cu li nhỏ được gia đình anh Nguyễn H. D.bàn giao cho Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn

Anh D. cho biết, khi phát hiện cặp cu li nhỏ kiếm ăn trong rẫy cà phê của gia đình, anh D. đã liên hệ kiểm lâm tại địa phương để tiến hành bàn giao, đưa thả về rừng.

Tại thời điểm tiếp nhận, 2 cá thể cu li trên khỏe mạnh. Sau khi tiếp nhận, 2 cá thể cu li trên được chuyển ngay về Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Đảo Tiên để kiểm tra sức khỏe, dịch tễ và đánh giá khả năng thích nghi với môi trường tự nhiên. Sau thời gian quy định, nếu đạt điều kiện thích nghi với môi trường, Trung tâm sẽ tiến hành tái thả về rừng.

Cùng ngày, Vườn quốc gia Cát Tiên cũng cứu hộ 1 cá thể cu li nhỏ do người dân vùng đệm thuộc xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) tự nguyện giao nộp khi bắt gặp trong khu vực rẫy canh tác, và 1 cá thể khỉ mặt đỏ tại huyện Tân Phú.

 Cán bộ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Cát Tiên tiếp nhận cu li nhỏ từ anh D. tự nguyện giao nộp. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn

Cán bộ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Cát Tiên tiếp nhận cu li nhỏ từ anh D. tự nguyện giao nộp. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn

Cu li nhỏ (có tên khoa học Nycticebus pygmaeus) là một trong 2 loài cu li phân bố ở Việt Nam. Trong dân gian, chúng còn có tên gọi là cù lần, mắc cỡ, khỉ gió. Cu li thường sinh sống và kiếm ăn ở các khu rừng lá rộng khô cận nhiệt đới và nhiệt đới, rừng thứ sinh, rừng hỗn giao tre nứa. Chúng là loài ăn tạp, nguồn thức ăn chủ yếu là sâu bọ, côn trùng, trứng chim, chim non, một số loại lá đọt non và quả cây... Đặc biệt loài cu li nhỏ thích ăn nhựa cây đóng cục.

Do tình trạng bị săn bắt để lấy thịt và làm thuốc, nuôi nhốt làm thú cưng, số lượng cu li đã suy giảm mạnh trong tự nhiên. Cả 2 loài cu li lớn và cu li nhỏ đều có tên trong Sách Đỏ thế giới, và được xếp vào Danh mục các loài thực vật, động vật nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại tại Việt Nam.

Vy Trần

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202311/vuon-quoc-gia-cat-tien-tiep-nhan-3-ca-the-cu-li-nho-quy-hiem-va-1-ca-the-khi-mat-do-0043bce/