Vườn tạp thay 'áo mới'

Chủ trương cải tạo vườn tạp (CTVT) của tỉnh đã biến những mảnh vườn cằn cỗi khi xưa được phủ màu no ấm. Tuy nhiên, để “Ý Đảng – lòng dân” quyện hòa, để chủ trương “bén rễ” sâu trong đời sống người dân vẫn cần nhiều giải pháp chiến lược, đột phá.

Chắc làm, chắc thắng

Ngày 1.12.2020, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 05 về thực hiện CTVT, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025 (Nghị quyết 05). Tiếp đó, để khơi thông nguồn lực, ngày 9.12.2020 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025 (Nghị quyết 58). Với quan điểm xuyên suốt: “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau” và “chắc làm, chắc thắng”, sau gần 4 năm đi vào cuộc sống, vườn tạp thay đổi diện mạo, không chỉ tạo thu nhập cho người dân mà còn sản xuất theo tín hiệu thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Từ vườn tạp chuyển sang chăn nuôi gà hàng hóa quy mô hơn 1.000 con giúp gia đình anh Nguyễn Văn Băng, xã Quang Minh (Bắc Quang) nâng cao thu nhập.

Từ vườn tạp chuyển sang chăn nuôi gà hàng hóa quy mô hơn 1.000 con giúp gia đình anh Nguyễn Văn Băng, xã Quang Minh (Bắc Quang) nâng cao thu nhập.

Thực hiện Nghị quyết 05, toàn tỉnh có 3.653 hộ nghèo, cận nghèo được vay ưu đãi (lãi suất 0%) số tiền gần 108,8 tỷ đồng theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh. Không những vậy, thông qua việc huy động nguồn lực xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, cận nghèo về cây, con giống, vật tư và công lao động để CTVT, quy ra tiền gần 9 tỷ đồng. Ngoài các hộ trên, toàn tỉnh còn có 4.106 hộ trung bình, khá, giàu không thuộc đối tượng vay vốn theo chính sách của Nghị quyết 58 nhưng chủ động CTVT đạt kết quả tích cực. Qua đó, góp phần quan trọng đưa Nghị quyết 05 vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, nâng tổng số hộ CTVT toàn tỉnh lên 7.759 hộ với hơn 280 ha vườn tạp được cải tạo. Như vậy, kết quả CTVT theo Nghị quyết 05 đến nay đã về đích trước 1 năm, vượt 119,36% so với mục tiêu ban đầu.

Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn, trong tổng số 3.653 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện CTVT có 2.799 (vườn) hộ cho hiệu quả kinh tế, đạt 76,62% so với tổng số hộ được vay vốn CTVT; bình quân thu nhập đạt 18,81 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 1,5 – 2 lần so với thời điểm chưa CTVT. Có 225/2.799 (vườn) hộ tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì cho lợi nhuận bình quân trên 30 triệu đồng/hộ/năm; riêng huyện Vị Xuyên, Nghị quyết 58 tạo “đòn bẩy” hỗ trợ 220 hộ có vốn vay CTVT vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi tiêu biểu, cho thu nhập cao, trở thành điểm sáng CTVT ở cơ sở. Điển hình như: Hộ anh Vừ Sính Khề, xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn), Tráng Văn Kinh, Ma Xuân Thương, xã Sán Sả Hồ (Hoàng Su Phì); Trương Văn Tuấn, xã Hùng An (Bắc Quang)… sau khi CTVT cho lợi nhuận từ 30 đến hơn 70 triệu đồng/hộ/năm.

Đặc biệt, toàn tỉnh có 47 liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm sau CTVT. Điển hình trong đó, tại huyện Xín Mần, Công ty TNHH VietNam Misaki liên kết với các hộ dân trồng 8,5 ha bắp cải, súp lơ, cà rốt trái vụ và mở rộng diện tích trồng kiệu, củ cải, gừng trâu tạo vùng nguyên liệu ổn định để xuất khẩu sang Nhật Bản. HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành liên kết chăn nuôi dê lai Bore thương phẩm quy mô 1.190 con/474 hộ/16 xã. Nhiều trường học đã liên kết, thu mua sản phẩm cho các hộ CTVT với tổng giá trị lên đến gần 680 triệu đồng…

Cần giải pháp chiến lược, đột phá

Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn: Trong tổng số các vườn (hộ) được đánh giá theo 4 tiêu chí chất lượng vườn hộ thì tỷ lệ vườn đạt 4/4 tiêu chí mới chiếm 63,41%; tỷ lệ vườn đạt 3/4 tiêu chí chiếm 21,92%; đạt 1 – 2/4 tiêu chí chiếm 14,66%. Cá biệt, có 24 vườn (hộ) tập trung tại huyện Vị Xuyên (22 vườn), Hoàng Su Phì (2 vườn) không duy trì thực hiện CTVT (chiếm 0,69%) do các hộ không có lao động thực hiện hoặc diện tích đất vườn và nhà ở bị giải tỏa do nằm trong các dự án đường giao thông. Mặt khác, vị trí vườn của một số hộ ở địa hình đồi núi, độ dốc cao, chi phí cải tạo lớn dẫn đến việc lựa chọn, sắp xếp lại vườn hộ và tổ chức sản xuất các loại cây trồng phù hợp còn nhiều khó khăn.

Từ cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh bắt đầu triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Đây đều là những chương trình có nguồn lực lớn; đối tượng hỗ trợ vẫn là hộ nghèo, cận nghèo; mức hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của người dân. Ví dụ, 1 hộ khi thực hiện dự án phát triển sản xuất chăn nuôi bò, lợn từ chương trình MTQG được hỗ trợ 10 – 20 triệu đồng theo nhu cầu và điều kiện của hộ; mức thu hồi khi kết thúc dự án từ 30 – 35%, tương ứng với số tiền từ 3,3 – 6,6 triệu đồng, các hộ được hỗ trợ thực tế từ 6,7 – 13,4 triệu đồng. Trong khi đó, đối với chính sách cho vay theo Nghị quyết 58, các hộ được vay vốn tối đa 30 triệu đồng, chỉ được hỗ trợ lãi suất tương ứng 4,8 triệu đồng/3 năm. Không những vậy, một số chính sách theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh trùng với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, sinh kế thuộc chương trình MTQG. Do vậy, nhiều hộ nghèo, cận nghèo không “mặn mà” với Nghị quyết 58 mà chuyển sang đăng ký thực hiện chính sách thuộc chương trình MTQG. Thực tế này dẫn đến tiến độ thực hiện Nghị quyết 58 chậm lại và khó hoàn thành chỉ tiêu giao. Đến nay, kết quả vay vốn theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh để CTVT mới đạt 56,2% so với mục tiêu đề ra.

Mới đây, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Đảng đoàn HĐND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 58. Thông qua hội nghị, đại biểu hiến kế, đưa chủ trương CTVT “bén rễ” sâu trong đời sống nhân dân. Theo đó, các đại biểu đồng thuận cao trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 58 nhưng cần bổ sung, xây dựng chính sách mới theo hướng hỗ trợ phát triển kinh tế nông hộ, mở rộng đối tượng vay (bao gồm cả hộ trung bình trở lên); nâng định mức vay vốn tối đa từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng/hộ, nâng thời gian cho vay tối đa từ 30 tháng lên 60 tháng. Đồng thời, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của 3 chương trình MTQG lồng ghép các nguồn lực nhằm hỗ trợ tối đa vốn vay cho người dân. Như vậy, việc gia tăng nguồn lực, thời gian vay vốn sẽ là chất xúc tác quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ CTVT hiệu quả. Cùng với đó, các cấp, ngành tập trung đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, khép kín từ đầu vào đến khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm sau CTVT; đảm bảo đầu ra của sản phẩm, hướng tới mục tiêu tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/vuon-len-tu-nhung-manh-vuon/202410/vuon-tap-thay-ao-moi-8a73513/