Vườn ươm cà phê Moka

Để bảo tồn và phát triển nguồn giống cà phê thuần chuẩn Moka từ thời Pháp, qua tuyển lựa cà phê thuần chuẩn đầu dòng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ông Lương Trọng Nghĩa, thôn Trạm Hành 1, xã Trạm Hành (Đà Lạt) đã xây dựng vườn ươm giống, hằng năm cung ứng ra thị trường hàng chục nghìn cây giống cà phê Moka thuần chuẩn. Từ đây cà phê đặc sản của vùng Cầu Đất, Đà Lạt được trồng phổ biến và rộng rãi, giá trị gấp 4 lần cà phê Catimor.

Hằng năm, ông Lương Trọng Nghĩa ươm hàng ngàn cây cà phê Moka cung cấp cho người dân

Hằng năm, ông Lương Trọng Nghĩa ươm hàng ngàn cây cà phê Moka cung cấp cho người dân

Ông Lương Trọng Nghĩa, người đang khôi phục lại nguồn giống cà phê Moka (hay còn gọi là Typica) ở Trạm Hành cho biết, trước năm 1988, khu vực Cầu Đất gần như chỉ có Moka là loại cà phê với chất lượng cao. Nhưng do đặc tính cho trái vụ được, vụ thất thu, lại khá nhạy cảm với bệnh gỉ sắt nên người dân dần chặt bỏ cây Moka mà thay vào đó là giống cà phê Catimor - cùng thuộc dòng Arabica nhưng cho sản lượng cao hơn gấp 2-3 lần.

Thời gian thay đổi, những năm gần đây, nhiều chuyên gia cũng như người sành cà phê lại tìm về với giống cà phê xưa cũ, họ săn lùng tìm kiếm giống cà phê thuần chuẩn, với hương thơm và vị dịu nhẹ. Thế là, một công cuộc tìm kiếm giống diễn ra dưới sự đồng hành của người dân, các ngành chức năng lẫn chuyên gia Lâm Đồng. Họ thu thập hạt, chế biến rồi nhờ các chuyên gia thử nếm. Kết quả cho thấy, chất lượng hạt cà phê Moka thật sự vẫn giữ được sắc, hương, vị như thuở ban đầu, chỉ yếu tố năng suất giảm sút do chăm sóc không đầy đủ. Qua khảo sát, ngành nông nghiệp xác nhận 8 cây Moka đầu dòng, với chất lượng hoàn hảo đều thuộc về các gia đình ở Trạm Hành.

Dưới sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, ông Lương Trọng Nghĩa tiến hành nhân giống và trồng 1,2 ha cà phê Moka trên diện tích của gia đình mình bằng cách cưa gốc cà phê Catimor và ghép chồi Moka, sau 12 tháng khi chồi lên đã cho ra trái bói. Để phân biệt Moka với các dòng cà phê Arabica khác thì cây cà phê Moka có dạng hình nón với một thân chính mọc thẳng và nhiều thân phụ mọc xiên. Hạt Moka hình bầu dục, kích thước hạt nhỏ. Chúng khó chăm sóc, năng suất thấp nhưng lại cho hạt cà phê chất lượng cao. Thơm nồng nàn, ngọt dịu, đắng nhẹ, chua thanh, hương thơm Moka đang quyến rũ những người yêu cà phê tìm về với giá trị trăm năm.

Ông Nghĩa kể, sau khi các cây giống cà phê được công nhận nguồn giống đầu dòng, ông tuyển lựa và mua hạt giống từ những vườn cà phê trên để tiến hành ươm hàng ngàn cây giống. Hiện tại ông đã xây dựng được vườn ươm giống cà phê Moka từ nguồn giống cà phê thuần chuẩn được hơn 20.000 cây giống cung ứng ra thị trường cho người dân trồng. Ngoài ra, những gia đình có nhu cầu ghép chồi ông cũng tiến hành ghép hoặc hướng dẫn họ ghép chồi Moka.

Ông cho biết, dù giá trị cao nhưng việc kháng bệnh gỉ sắt kém khiến nông dân vẫn dè dặt để trồng, họ chỉ dám trồng 1 - 2 sào để thử nghiệm. Từ kinh nghiệm vườn cà phê Moka của mình, ông cũng chia sẻ kinh nghiệm kháng bệnh cho nông dân là mỗi khi thu hoạch xong nông dân phải tiến hành phun xịt hỗn hợp các loại thuốc kháng bệnh như sâu đục thân bù xè, gỉ sắt,… sau đó đến khoảng tháng 8 sắp thu hoạch tiến hành phun thuốc phòng bệnh gỉ sắt một lần nữa thì cây sẽ không bị bệnh. Đồng thời, để đạt năng suất nông dân không giữ kỹ thuật chăm sóc kiểu “tum”, ngắt đọt chặt rễ, mà phải tạo hình đa thân thì năm nào quả cũng cho đều và vẫn giữ được hương vị thuần, cây khỏe mạnh, không yếu ớt.

Giá giống cà phê Moka 1 năm tuổi khoảng 2.500 đồng/cây, còn cà phê 2-2,5 tuổi giá 5.000 đồng/cây. Thuận lợi của nông dân là các doanh nghiệp đã bắt đầu phát triển nguồn nguyên liệu cà phê Moka, họ hỗ trợ nông dân 100% giống cà phê Moka, đồng thời thu mua theo giá thị trường và hỗ trợ cộng thêm 2.000-3.000 đồng/ kg công hái cà phê chín.

Ngoài giống cà phê Moka chất lượng cao, vườn ươm của ông Nghĩa còn ươm giống cà phê mới do Viện Eakmat lai tạo từ giống cà phê ở Ethiopia và Catimor là THA1, THA2 có khả năng chống các loại bệnh rất tốt và giống TH1 có đặc tính, chất lượng không khác Moka. Hiện nay, tổng diện tích vườn ươm 600 m2, với khoảng 85.000 cây giống đang đáp ứng nhu cầu cải tạo lại những vườn cà phê già cỗi trên 20 năm.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, cùng với nhu cầu sử dụng cà phê ngày càng tăng lên, nhu cầu của thị trường về các giống cà phê chất lượng cao ngày càng mở rộng. Vì vậy, những hạt Moka của những cây cà phê cổ còn sót lại được thị trường thu mua với giá cao gấp 3-4 lần cà phê Catimor. Với mục tiêu đa dạng hóa nguồn gen cà phê địa phương, khôi phục lại các giống cà phê truyền thống, Chi cục tiến hành khảo sát, chọn lọc lại các cây Moka còn lại để tìm ra nguồn gen tốt. Sau thời gian lặn lội, cùng nông dân địa phương tìm tới những gia đình còn lưu giữ những cây Moka còn lại, những kết quả ban đầu đã cho thấy tương lai của hai giống cà phê quý.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của nông dân và đồng hành với bà con, giúp bà con có được nguồn giống chuẩn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã cho xây dựng lại vườn ươm Moka ở Trạm Hành, Đà Lạt. Hy vọng rằng, việc khôi phục và mở rộng giống cà phê Moka sẽ góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu cà phê của Lâm Đồng trên thị trường.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202105/vuon-uom-ca-phe-moka-3055220/