Vướng giải phóng mặt bằng, dự án May Tinh Lợi 3 bất động
Mặc dù đã giải phóng được hơn 80% mặt bằng nhưng chủ đầu tư dự án May Tinh Lợi 3 trong cụm công nghiệp (CCN) Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) vẫn không thể triển khai dự án.
Mặt bằng bị “xôi đỗ” làm dự án chậm tiến độ, nguy cơ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất của nhà đầu tư.
Mặt bằng "xôi đỗ"
Dự án May Tinh Lợi 3 của Công ty TNHH May Tinh Lợi (Công ty Tinh Lợi) có tổng số vốn 916,5 tỷ đồng, được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư vào cuối tháng 3.2019. Tổng diện tích đất cho dự án là 10,35ha, trong đó có 9,7 ha đất trồng lúa, còn lại là đất mương máng. Hiện nay, Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Tứ Kỳ đã giải phóng được 8,6ha. Sở Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao mốc giới diện tích này cho Công ty Tinh Lợi.
Hiện còn vướng mắc hơn 2 ha của 35 hộ dân nằm rải rác trên đất đã GPMB. Ngoài ra, trong diện tích đất phải GPMB còn khoảng 60 ngôi mộ cũng nằm rải rác chưa được di dời. Vì vậy, dù đã được bàn giao hơn 80% diện tích đất dự án và chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để thực hiện nhưng đến nay Công ty Tinh Lợi vẫn chưa thể xây dựng nhà máy.
Bà Trần Thị Vượng, Giám đốc Hành chính Công ty Tinh Lợi cho biết: "Theo quy hoạch dự án, công ty phải xây dựng 2 nhà xưởng, 1 nhà kho và các công trình phụ trợ khác như nhà ăn, nhà xe, văn phòng… Do mặt bằng xôi đỗ nên công ty không thể xây dựng được nhà máy theo thiết kế". Theo kế hoạch, trong năm 2020, doanh nghiệp sẽ hoàn thành, đưa dự án thứ 3 tại CCN Nguyên Giáp vào hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai được.
“Số người lao động trên địa bàn huyện Tứ Kỳ làm việc trong nhà máy của Công ty Tinh Lợi tại khu công nghiệp Nam Sách và Lai Vu rất lớn. Số công nhân này có nguyện vọng được chuyển về làm tại CCN Nguyên Giáp cho thuận tiện. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương đẩy nhanh việc GPMB để công ty triển khai dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và thực hiện theo đúng kế hoạch công ty đã xây dựng”, bà Vượng nói.
Trước đó, từ năm 2011, Công ty Tinh Lợi đã đề xuất đầu tư tại CCN Nguyên Giáp để thực hiện dự án Tinh Lợi 2. Công ty đã ứng vốn để GPMB tại CCN này nhưng do vướng mắc trong quá trình đền bù, GPMB nên công ty đã có văn bản xin ngừng thực hiện dự án và xin chuyển địa điểm đầu tư về khu công nghiệp Lai Vu. Năm 2018, do nhu cầu mở rộng dự án, Công ty Tinh Lợi tiếp tục đề nghị tỉnh cho thuê đất trong CCN Nguyên Giáp để thực hiện dự án thứ 3.
Tháo gỡ khó khăn
Qua tìm hiểu, việc GPMB CCN Nguyên Giáp nói chung và dự án Tinh Lợi 3 nói riêng gặp khó khăn một phần do nguyên nhân khách quan. Diện tích quy hoạch CCN Nguyên Giáp nhiều lần thay đổi nên ảnh hưởng tới việc tuyên truyền, xác định ranh giới, GPMB tại CCN này. Cụ thể, năm 2007, UBND tỉnh quyết định phê duyệt CCN Nguyên Giáp với tổng diện tích hơn 102 ha. Năm 2016, UBND tỉnh có quyết định thành lập CCN Nguyên Giáp với diện tích 47,5 ha và đến tháng 10.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2163/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quy mô, diện tích CCN Nguyên Giáp thành 75 ha. Trong quá trình thay đổi diện tích CCN, huyện Tứ Kỳ đã tổ chức GPMB từng phần khi có doanh nghiệp đầu tư vào CCN.
Đại diện Ban GPMB huyện Tứ Kỳ cho biết hiện nay việc GPMB dự án May Tinh Lợi 3 gặp một số khó khăn. Một số hộ có đất nằm xen kẹp giữa dự án Nhà máy keo và May Tinh Lợi 3 nằm trong phạm vi quy hoạch đất hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh của CCN nên đề nghị Nhà nước thu hồi, bồi thường toàn bộ. Nếu không, khi dự án Tinh Lợi 3 triển khai thì phần diện tích này rất khó canh tác. Một số hộ đề nghị được làm trả đường giao thông, mương nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu đi lại của người dân. Một số hộ đề nghị được giữ lại ruộng để canh tác, còn một số trường hợp có ý kiến về giá bồi thường, hỗ trợ thấp.
UBND huyện Tứ kỳ đã báo cáo khó khăn, vướng mắc với UBND tỉnh và xin ý kiến chỉ đạo tháo gỡ. Ngày 12.9.2019, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức xây dựng hạ tầng CCN Nguyên Giáp theo đúng Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phát triển CCN.
Tỉnh đã đồng ý cho Công ty Tinh Lợi ứng trước kinh phí để bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với diện tích nằm kẹp giữa dự án Nhà máy keo và May Tinh Lợi 3, UBND huyện Tứ Kỳ có trách nhiệm hoàn trả lại doanh nghiệp. UBND tỉnh cho phép UBND huyện Tứ Kỳ áp dụng hỗ trợ khác theo quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để hỗ trợ cho các hộ, cá nhân đã đầu tư chi phí san lấp đất màu đối với đất nông nghiệp bằng mức hỗ trợ 80.000 đồng/m3.
Đề nghị UBND huyện Tứ Kỳ sớm triển khai thực hiện. Hội đồng bồi thường GPMB của huyện cần tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng.