Vướng mắc trong triển khai dự án GMS

Dự án Phát triển đô thị dọc Hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông (dự án GMS) được triển khai tại thành phố Đông Hà và thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo, huyện Hướng Hóa do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư thực hiện từ nguồn vốn vay, tài trợ không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng trong nước. Sau mấy năm triển khai thực hiện và được cấp có thẩm quyền đồng ý gia hạn nhưng đến nay, một số tiểu dự án thuộc dự án GMS tại thành phố Đông Hà vẫn đang chậm tiến độ do gặp khó khăn, vướng mắc.

 Đường Thanh Niên, một trong những hạng mục của dự án GMS ở thành phố Đông Hà đã được đưa vào sử dụng

Đường Thanh Niên, một trong những hạng mục của dự án GMS ở thành phố Đông Hà đã được đưa vào sử dụng

Các tiểu dự án thuộc dự án GMS triển khai tại thành phố Đông Hà gồm xây dựng các tuyến đường Thanh Niên, đường Phường 2 đi Đông Lương, Đông Lễ, đường Hoàng Diệu, Bà Triệu, Trường Chinh, Lê Thánh Tông; xây dựng cơ sở thu hồi tái chế vật liệu; xây dựng kè sông Hiếu; tiểu dự án cầu Sông Hiếu (sử dụng vốn kết dư) và gói thầu dịch vụ tư vấn quốc tế lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài các dự án cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng là đường Thanh Niên, cơ sở thu hồi tái chế vật liệu hoặc đang thực hiện một số công việc cuối cùng để hoàn thành là Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì các dự án còn lại đang triển khai dang dở do một số nguyên nhân khác nhau.

Dự án các tuyến đường Thanh Niên, đường Phường 2 đi Đông Lương, Đông Lễ có giá trị hợp đồng trên 220,4 tỉ đồng, tổng chiều dài 8,54 km, khởi công vào tháng 12/2016, đến hết quý III/2019 các nhà thầu mới thi công được 7,2 km, tổng giá trị giải ngân là 152,8 tỉ đồng (đã bao gồm tạm ứng), trong đó đã vào sử dụng đường Thanh Niên. Dự án các tuyến đường Hoàng Diệu, Bà Triệu, Trường Chinh và Lê Thánh Tôngcó giá trị hợp đồng trên 155,3 tỉ đồng, tổng chiều dài 10,4 km được khởi công vào tháng 9/2017 nhưng mới thi công được khoảng 6,9 km, tổng giá trị giải ngân đến hết quý III/2019 là 86,85 tỉ đồng. Dự án kè sông Hiếu có chiều dài 6 km gồm 4 đoạn, tổng mức đầu tư 102,7 tỉ đồng, đến hết quý III/2019 thi công cơ bản hoàn thiện đoạn 1 và đoạn 3 với tổng giá trị giải ngân 42,9 tỉ đồng. Đối với tiểu dự án cầu sông Hiếu có kinh phí đầu tư khoảng 12,6 triệu USD, do mới thực hiện xong các thủ tục từ phía ADB và UBND tỉnh nên hiện nay chủ đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện các công việc liên quan để sớm khởi công.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân chính khiến tiến độ thi công các gói thầu trên chưa đảm bảo tiến độ là do trong quá trình triển khai mặc dù tỉnh Quảng Trị đã quyết liệt trong triển khai, đưa ra nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư nhưng chi phí cho công tác này tính đến nay là 17,86 triệu USD, tăng thêm 8,62 triệu USD, tương đương với 190 tỉ đồng so với phương án tính toán ban đầu. Theo quy định của Luật Ngân sách năm 2015 thì chi phí giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư này được cân đối từ ngân sách địa phương. Với điều kiện khó khăn của tỉnh và vốn đầu tư công bị cắt giảm như hiện nay thì việc bố trí số kinh phí này là không hề đơn giản. Do các dự án được triển khai trong khu vực đô thị, đông dân cư, quá trình sử dung đất phức tạp nên khi thực hiện giải phóng mặt bằng thì công tác đo đạc, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, quy chủ sử dụng đất, quản lí đất đai cũng như giải quyết tranh chấp đất đai của một số cơ quan chức năng, chính quyền các phường còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc phải rà soát, xác minh nhiều lần nên việc hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một bộ phận đối tượng bị ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng thiếu thiện chí, không hợp tác hoặc chây ỳ khi không đồng ý nhận tiền bồi thường, nhận tiền nhưng không bàn giao mặt bằng, kiến nghị bồi thường vượt khung, vượt chính sách của dự án và quy định của Nhà nước. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương đã tích cực vào cuộc, nhất là trong tuyên truyền, giải thích, đối thoại nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn, có trường hợp kéo dài qua nhiều năm chưa được xử lí dứt điểm…

Để các tiểu dự án thuộc dự án GMS tại thành phố Đông Hà triển khai đúng tiến độ, góp phần quan trọng để trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kĩ thuật của tỉnh đạt đô thị loại II vào năm 2020, bên cạnh nỗ lực của tỉnh trong tìm kiếm, cân đối để bố trí kịp thời kinh phí phát sinh cho công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư thì các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần phải chủ động, tích cực hơn trong giải quyết vấn đề liên quan cả ở góc độ chức năng, nhiệm vụ được giao và trách nhiệm trong công tác phối hợp. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm việc tiếp tục thông tin tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích của các dự án và các quy định, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư của Nhà nước, của Ban quản lí dự án trong cộng đồng; nắm bắt đầy đủ, kịp thời tâm tư nguyện vọng của các đối tượng bị ảnh hưởng và làm tốt công tác vận động, đối thoại để giải quyết dứt điểm, có lí có tình những vấn đề còn chưa đồng thuận trong lĩnh vực này.

Mục tiêu của dự án GMS là góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi các hành lang giao thông thành hành lang kinh tế thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng năng lực tổ chức đô thị, hướng đến đưa Đông Hà trở thành một trong những đô thị năng động, hoạt động như một trung tâm phát triển kinh tế của khu vực chuyên về thương mại và đầu tư dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC). Triển khai thực hiện tốt dự án GMS không chỉ đáp ứng được mục tiêu trên mà còn là cơ hội, điều kiện thuận lợi giúp tỉnh Quảng Trị quảng bá tiềm năng, lợi thế và năng lực quản lí, điều hành phát triển kinh tế - xã hội để kêu gọi tốt hơn sự hỗ trợ, đầu tư của các tổ chức tín dụng quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của địa phương.

Huy Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143889