Vượt kế hoạch sau 9 tháng, Thiên Long (TLG) chuẩn bị chia cổ tức 20% bằng tiền và cổ phiếu
Chủ thương hiệu huyền thoại bút bi Thiên Long được biết tới là doanh nghiệp có truyền thống chia cổ tức từ năm 2009.
Tiếp tục truyền thống cổ tức
Ngày 15/11 tới đây, CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã ck: TLG) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chia cổ tức 2023 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và tạm ứng cổ tức tiền mặt 2024 với tỷ lệ 10%.
Theo đó, Thiên Long dự kiến phát hành thêm gần 7,9 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2023 từ nguồn lãi sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023. Tỷ lệ thực hiện quyền 10:1 (sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới). Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ TLG sẽ tăng lên 864,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thiên Long sẽ chi gần 79 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức 2024 tỷ lệ 10% bằng tiền (1.000 đồng/cổ phiếu). Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 29/11/2024, sau 2 tuần chốt danh sách.
Cổ đông lớn nhất tại Thiên Long là CTCP Đầu Tư Thiên Long An Thịnh sẽ nhận về hơn 3,7 triệu cổ phiếu mới và hơn 37 tỷ đồng cổ tức đợt này nhờ nắm giữ 47,52% vốn.
Chủ thương hiệu huyền thoại bút bi Thiên Long được biết tới là doanh nghiệp có truyền thống chia cổ tức từ năm 2009. Giai đoạn 2019-2021, cổ tức duy trì mức 2.000 đồng/cổ phiếu trước khi tăng lên mức kỷ lục 3.500 đồng/cổ phiếu năm 2022.
Năm 2023, Thiên Long đã hoàn tất chia 2 đợt cổ tức tiền mặt tỷ lệ 25% và chuẩn bị trả 10% bằng cổ phiếu, đồng nghĩa tổng tỷ lệ cổ tức là 35%, hoàn thành kế hoạch ĐHĐCĐ giao. Năm 2024, Thiên Long dự kiến giữ nguyên tỷ lệ 35%, tuy nhiên chưa công bố hình thức và tỷ lệ chia từng đợt.
Vượt kế hoạch sau 9 tháng
Về kết quả kinh doanh quý 3/2024, Thiên Long ghi nhận doanh thu thuần đạt 896 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty trong quý này đạt 384,6 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đã bị thu hẹp còn hơn 43%.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng gấp đôi, lên mức 6,5 tỷ đồng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của Thiên Long cũng tăng mạnh từ 3,5 tỷ đồng ở cũng kỳ năm trước lên mức hơn 10 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm nhẹ so với cùng kỳ, lần lượt ở mức gần 191 tỷ đồng và 78 tỷ đồng.
Kết quả, Thiên Long lãi sau thuế 91,4 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2023. Theo giải trình, sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận này đến từ sự phục hồi sức mua trong nước, cùng với đó là doanh thu xuất khẩu ổn định. Những yếu tố này đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện kết quả kinh doanh của công ty so với năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Thiên Long ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.912 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 421 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ 2023.
Năm 2024, Thiên Long đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 380 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau 9 tháng, Thiên Long đã thực hiện được gần 77% chỉ tiêu doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đã đề ra cho cả năm 2024.
Tại thời điểm cuối quý 3/2024, tổng tài sản của Tập đoàn Thiên Long đạt 3.302 tỷ đồng, tăng gần 18% so với thời điểm hồi đầu năm. Đáng chú ý, lượng tiền và các khoản tương đương tiền đã tăng mạnh, đạt 339 tỷ đồng, so với mức 243 tỷ đồng vào đầu năm, tương đương mức tăng 40%. Ngoài ra, tiền gửi ngắn hạn của công ty cũng tăng đáng kể, từ 447,3 tỷ đồng lên 695 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, cơ cấu vốn chủ sở hữu của Thiên Long vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2.392 tỷ đồng, tương đương 72% tổng nguồn vốn. Đáng chú ý, nợ vay ngắn hạn của công ty ở mức 437 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, trong khi nợ vay dài hạn ở mức 8,4 tỷ đồng, tăng 24%.