Vượt lên nỗi đau da cam

Nhiều năm qua tỉnh đã dành sự quan tâm, chăm lo cho người nhiễm chất độc da cam, thể hiện sự tri ân, đồng cảm, góp phần giúp họ vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Tuổi thanh xuân, cựu chiến binh Hoàng Vân Khánh (xóm La Hóa, xã Tràng Xá, Võ Nhai) là lính đặc công, tham gia chiến đấu ở chiến trường ở Tây Nguyên và bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC). Sau khi đất nước giải phóng, ông trở về quê nhà và lập gia đình. Không chỉ bản thân bị suy giảm sức khỏe, mắc các bệnh về khớp, tim, tiểu đường… mà một trong bốn người con của ông là anh Hoàng Văn Thương cũng bị ảnh hưởng nặng bởi CĐDC.

Tương tự như vậy, cựu chiến binh, nạn nhân da cam Nguyễn Văn Tạo cũng tạm gác lại những lo âu về hai người con trai là nạn nhân da cam, khi gặp đồng đội, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin đến thăm nhà. Ông Tạo là thương binh hạng 3/4, nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại chiến trường. Năm nay 72 tuổi, bên cạnh nỗi khổ vì bệnh tật mỗi khi trái gió trở trời, ông còn trĩu nặng nỗi buồn cho hai người con trai cũng là nạn nhân da cam.

Tỉnh Thái Nguyên còn có gần 14.000 nạn nhân da cam. Trong đó, gần 9.400 trường hợp đang được hưởng chế độ của Nhà nước, bao gồm hơn 8.100 nạn nhân trực tiếp, gần 1.300 nạn nhân gián tiếp.

Những nạn nhân gián tiếp đa số không có khả năng lao động, đời sống vật chất, tinh thần khó khăn, thiếu thốn. Nhiều người bị di chứng nặng, mắc các bệnh hiểm nghèo, có người phải nằm liệt giường, chậm phát triển trí não... Trong khi đó, các thế hệ nạn nhân trực tiếp từng tham gia kháng chiến trước đây đều đã già yếu, ốm đau thường xuyên, nhiều người quanh năm phải lo chăm sóc, chạy chữa cho con, cháu là nạn nhân gián tiếp, nên cuộc sống, kinh tế gia đình rơi vào cảnh khó khăn...

Vượt lên nỗi đau của “vết thương không chảy máu”, nhiều NNCĐDC tiếp tục khẳng định được phẩm chất của người lính trong thời bình, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Theo chân lãnh đạo Hội Nạn nhân da cam huyện Phú Bình, chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Tân Kim và cũng là hội viên tiêu biểu trong làm kinh tế. Ông Lộc phát triển mô hình chăn nuôi với hơn 1 nghìn con gà thả đồi và hàng chục con lợn thịt mỗi lứa. Trung bình, mỗi năm ông có thu nhập từ 400-500 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Hay như ông Trịnh Hồng Sang, xóm Chùa 9, xã Bình Thuận (Đại Từ), sau 15 năm trong quân ngũ, do nhiễm chất độc hóa học nên sức khỏe của ông bị suy giảm nhiều. Ông thường xuyên bị các bệnh về khớp, tim, mạch vành, teo não hành hạ, nên không thể lao động nặng. Tuy nhiên, với tâm niệm được trở về sau chiến tranh đã là may mắn, ông động viên vợ, con chăm chỉ làm ruộng, chăn nuôi cá, bò, vịt.

Còn ông Hoàng Văn Khoa (77 tuổi, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) ở xóm Bản Màn, xã Tân Thịnh, Định Hóa) ngoài chăm chỉ với đồi vườn còn tự học thêm nghề thuốc gia truyền để tự chăm sóc sức khỏe cho mình và cho những người có nhu cầu.

Năm 1968, ông Khoa chiến đấu và nhiễm CĐDC tại chiến trường Quảng Ngãi, sau đó ông bị địch bắt, tù đày 5 năm ở nhà giam trên đảo Phú Quốc. May mắn còn sống sót sau chiến tranh, ông trở về quê hương với nhiều vết thương, bệnh tật. Do nhiễm CĐDC, những vết thương ngoài da thì dần lành lại nhưng những căn bệnh như suy tim, khớp, gan, đường tiêu hóa vẫn hành hạ ông hàng ngày.

Ông bà sinh hạ được 8 người con thì 4 người bị ảnh hưởng CĐDC nên không lành lặn và đã lần lượt mất đi. 4 người con còn lại tuy không khỏe mạnh như người bình thường, nhưng dưới sự chăm lo của ông bà, đến nay cũng đều trưởng thành, đủ sức vun vén cho gia đình riêng của mình.

Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều NNCĐDC khác đã tạm thời quên đi nỗi đau xuyên thế hệ, phấn đấu vươn lên chăm lo cho gia đình, đóng góp cho xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các nạn nhân, dù không thể chữa lành được những vết thương, song mỗi một hành động sẻ chia là một lần góp phần xoa dịu nỗi đau đối với những NNCĐDC. Sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng chính là động lực giúp nhiều nạn nhân trên địa bàn tỉnh có thêm điểm tựa, động lực vượt qua khó khăn và tiếp tục sống có ích cho xã hội.

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh luôn tích cực đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho NNCĐDC. Đây vừa là tình thương yêu, trách nhiệm, đồng thời tiếp thêm nghị lực để các NNCĐDC không buông bỏ, vươn lên trong cuộc sống.

Để việc giúp đỡ các nạn nhân bảo đảm đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng nhu cầu và đạt hiệu quả, hằng năm Hội đều thực hiện thu thập, khảo sát số lượng, gia cảnh, nhu cầu của nạn nhân. Qua đó phân loại mức độ khó khăn, xác định hỗ trợ gì là phù hợp nhất cho từng đối tượng để có giải pháp giúp đỡ kịp thời; tạo động lực để NNCĐDC vươn lên.

Từ cách làm này, nhiều năm qua, Hội NNCĐDC tỉnh đã huy động được nguồn lực lớn để hỗ trợ các nạn nhân. Cụ thể, các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh tham góp, phối hợp tích cực trong việc tư vấn về việc lập hồ sơ chất độc hóa học, thẩm định hồ sơ, giám định bệnh tật, tham mưu về một số chính sách đặc thù hỗ trợ NNCĐDC, phối hợp giải mã phiên hiệu đơn vị quân đội, xác minh địa chỉ tham gia, địa bàn bị phun, rải chất độc da cam...

Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cũng quan tâm hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, tạo việc làm, tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, tặng sổ tiết kiệm, tặng thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe... cho các nạn nhân.

Được thành lập ngày 17/4/2006, trải qua 3 nhiệm kỳ, Hội NNCĐDC tỉnh đã phát triển và hoàn thiện hệ thống tổ chức ở 100% đơn vị hành chính các cấp, gồm 9/9 hội huyện, thành phố, 177 hội cơ sở, với tổng số 9.328 hội viên, sinh hoạt tại 1.009 chi hội xóm, bản, tổ dân phố.

Với vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các NNCĐDC, Hội là cầu nối giữa nạn nhân với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị để chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân. Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tham mưu, đề xuất ban hành chủ trương, kế hoạch theo từng thời điểm bảo đảm trúng, đúng, kịp thời.

Các cấp hội cũng phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan trong việc chăm sóc, giúp đỡ các NNCĐDC. Qua đó vận động cộng đồng xã hội cùng chung tay ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC và thân nhân của họ.

Trong 5 năm qua, trên 42 tỷ đồng từ các nguồn hỗ trợ xã hội hóa đã được trao đến tay các NNCĐDC và thân nhân của họ dưới nhiều hình thức. Trong đó, gần 200 nạn nhân được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; trên 2 nghìn nạn nhân được phục hồi sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh hiểm nghèo; trên 12 nghìn lượt nạn nhân được tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí; 100% NNCĐDC được thăm hỏi, tặng quà thường xuyên trong các dịp lễ, tết hàng năm...

Trong “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” năm nay, từ 1/8 -31/8/2024, các cấp hội đã tổ chức vận động các nguồn lực để thăm hỏi và tặng quà cho nạn nhân, ưu tiên nạn nhân khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến thời điểm này, các cấp hội đã tặng trên 5 nghìn suất quà tổng trị giá trên 1,3 tỷ đồng cho các nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh…

Cùng với quà tặng, các cấp hội cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức 5 buổi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.500 nạn nhân da cam; tặng 3 xe lăn cho các nạn nhân khó khăn trong đi lại.

Thời gian tới, các cấp hội phấn đấu vận động ủng hộ để xây mới và sửa chữa thêm 200 căn nhà cho các hội viên da cam, 100% hội viên không còn nhà tạm, nhà dột nát; phấn đấu 100% nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết, 80% nạn nhân có nhu cầu được cấp xe lăn...

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202409/vuot-len-noi-dau-da-cam-f2f07a7/