Vượt lên số phận, thêm tin yêu cuộc sống

Con trai chưa đầy 3 tuổi, chị phát hiện mình mắc bệnh nan y. Với bản lĩnh và nghị lực, chị vừa tích cực điều trị bệnh vừa ôn thi cao học. Chưa đầy một năm sau, chị lại phát hiện mình mắc thêm một căn bệnh hiểm nghèo khác. Buông xuôi cho số phận hay phải kiên cường vượt qua? Lời giải cho câu hỏi này của Đại úy Đinh Thị Hương, giảng viên Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân (SQLQ) 2 khiến đồng đội ngưỡng mộ và nể phục…

 Lãnh đạo nhà trường và đồng đội chia sẻ, động viên Đại úy Đinh Thị Hương (thứ ba, từ trái sang) tại Liên hoan Tuyên truyền viên giỏi phụ nữ quân đội năm 2019, khu vực phía Nam.

Lãnh đạo nhà trường và đồng đội chia sẻ, động viên Đại úy Đinh Thị Hương (thứ ba, từ trái sang) tại Liên hoan Tuyên truyền viên giỏi phụ nữ quân đội năm 2019, khu vực phía Nam.

Ánh mắt tự tin, nụ cười cởi mở, dễ gần là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với Đại úy Đinh Thị Hương, giảng viên Trường SQLQ 2. Thế nhưng, ít người biết rằng, ẩn chứa đằng sau vóc dáng mảnh mai đó là bản lĩnh và sự kiên cường mạnh mẽ. Trò chuyện với chúng tôi, chị trải lòng: “Ngay từ những ngày đầu về nhận công tác tại Trường SQLQ 2, tôi luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: “Người huấn luyện phải học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình”. Vì vậy, quá trình công tác, tôi luôn thấy mình cần phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa. Đầu năm 2017, xét nguyện vọng của bản thân nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu chuyên môn, tôi đề nghị Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện cho đi học cao học”.

Thời điểm này, hai con của chị (con gái Trần Đình Hoàng Dung mới 8 tuổi, con trai Trần Đình Hoàng Duy chưa đầy 3 tuổi) đều rất cần bàn tay chăm sóc của mẹ. Để thuận lợi cho việc học, chị phải lên kế hoạch sắp xếp việc đơn vị, việc gia đình, chăm sóc con cái thật khoa học và hợp lý. Lịch ôn thi cao học vừa có trong tay, tai họa bất ngờ ập xuống: Chị phát hiện bị K tuyến giáp. Hoang mang vì bệnh tình, thương các con còn nhỏ, sự nghiệp học hành của bản thân vừa mới bắt đầu… chị tưởng mình gục ngã. Thế rồi được gia đình, bè bạn, đồng đội cận kề sớm hôm động viên, lại thêm tìm hiểu kỹ về căn bệnh, chị dần lấy lại niềm tin. Và rồi, vừa tích cực điều trị bệnh theo phác đồ, chị vừa quyết tâm ôn thi cao học. Các thầy thuốc của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh điều trị bệnh cho chị và các bệnh nhân trong khoa không khỏi nể phục ý chí, tinh thần của chị. Thời gian đầu truyền thuốc, chị phải nằm trong phòng cách ly. Mặc dù vậy, mọi người thấy chị miệt mài ôn luyện giữa những cơn đau và những đợt hóa trị, xạ trị. Bệnh đang dần ổn định cộng với kết quả thi đỗ cao học vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh đến với chị như một niềm động viên tinh thần to lớn, giúp chị thêm vững tin vào cuộc sống.

Mọi thứ đang dần đi vào quỹ đạo thì tai họa lại thêm một lần giáng xuống. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ thông báo chị lại tiếp tục mắc bệnh K. Cầm kết quả trên tay, chị chết lặng vì không tin số phận nghiệt ngã đến vậy. Lần này chị bị rơi vào tận cùng của sự thất vọng, bi quan. Trong đầu chị luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ: "Mình không may mắn, đành phải chấp nhận thôi". Thế nhưng, nhìn ánh mắt ngây thơ của con trẻ, sự quan tâm, lo lắng của người thân, đồng đội, chị lại thấy mình phải kiên cường, mạnh mẽ hơn, không thể buông xuôi, đầu hàng cho số phận...

Xốc lại tinh thần, việc đầu tiên Đại úy Đinh Thị Hương nhờ người đến Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh làm thủ tục bảo lưu kết quả học cao học. Tiếp đến, chị bắt tay vào "cuộc chiến" theo phác đồ điều trị bác sĩ chỉ định song song hai căn bệnh cùng một lúc. Trong một tháng, chị vừa xạ trị, vừa uống iot phóng xạ, vừa hóa trị. Cơ thể chị vốn đang yếu sẵn vì suốt một năm trời điều trị khống chế bệnh K tuyến giáp, nay tiếp tục “chiến đấu” chống lại căn bệnh hiểm hiểm nghèo thứ hai. Do ảnh hưởng của thuốc, hóa chất trong quá trình điều trị, có thời điểm, tóc chị rụng hết, da tái sạm, cơ thể gầy yếu, mỏng manh, thế nhưng trên gương mặt chị là sự lạc quan và ý chí mạnh mẽ.

Nhà neo người, chồng chị là kỹ sư điện tử, làm ở doanh nghiệp ngoài nhà nước nên cũng không thể nghỉ việc nhiều ngày. “Vào những lúc như thế này tôi mới cảm nhận được hết sự quan tâm, yêu thương, lo lắng của gia đình và đồng đội dành cho mình. Tất cả tiếp thêm động lực và tinh thần cho tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời”, chị Hương tâm sự. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường tạo mọi điều kiện để chị có thời gian điều trị bệnh tốt nhất. Hội Phụ nữ (HPN) luân phiên cắt cử người đến trò chuyện, động viên tinh thần chị, hỗ trợ việc cơm nước, đón đưa các cháu đi học... Trung tá Nguyễn Thị Trang, trợ lý công đoàn-phụ nữ Trường SQLQ 2, bộc bạch: "Quan tâm, động viên, chia sẻ cùng giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống là trách nhiệm và việc làm mà HPN nhà trường vẫn làm nhiều năm nay. Với trường hợp Đại úy Đinh Thị Hương, nghị lực và tinh thần lạc quan chính là sức mạnh tinh thần lớn nhất giúp chị chiến đấu và chiến thắng bệnh tật, trở lại với cuộc sống bình thường".

Khi sức khỏe có phần ổn định, chị Hương tha thiết đề xuất Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường được tiếp tục công việc và tham gia các hoạt động phong trào của HPN. Đồng chí, đồng đội lại một lần nữa thấy sự lạc quan và nụ cười thường trực trên gương mặt chị. Dịp liên hoan Tuyên truyền viên giỏi phụ nữ quân đội năm 2019, khu vực phía Nam, mọi người chứng kiến hình ảnh Đại úy Đinh Thị Hương bản lĩnh, tự tin đứng trên sân khấu cùng nụ cười lạc quan khi kể về những lần đấu tranh tư tưởng "buông xuôi cho số phận hay phải kiên cường vượt lên"... khiến nhiều người không giấu được những giọt nước mắt và sự nể phục. Mặc dù sắp đến thời gian xạ trị theo phác đồ, nhưng chị vẫn "xin" được có mặt tham gia cùng đội tuyên truyền của HPN nhà trường. Trước khi chia tay với chúng tôi, chị Hương chia sẻ: "Tôi chỉ mong có sức khỏe ổn định để tiếp tục theo đuổi con đường học tập và làm tốt nhiệm vụ của người giảng viên".

Bài và ảnh: KIM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/vuot-len-so-phan-them-tin-yeu-cuoc-song-602478