Vượt mốc 13.000 ca mắc COVID-19, khối y tế điều trị TP Hồ Chí Minh đang chịu áp lực lớn
Số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đã vượt mốc 13.000 trường hợp và đang tiếp tục tăng, tạo áp lực rất lớn cho việc chuẩn bị cơ sở vật chất và khối điều trị.
Liên tục nâng số lượng giường bệnh
Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh liên tục gia tăng trên 1.000 trường hợp/ngày. Để ứng phó với tình huống xấu nhất, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị phương án 50.000 giường bệnh qua việc trưng dụng ký túc xá, chung cư tái định cư để làm bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19.
Đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã thành lập 8 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 với 29.730 giường; trong đó, ngày 11/7 đã bàn giao Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6 (5.000 giường), dự kiến trong 5 ngày nữa sẽ tiếp nhận và đưa vào sử dụng Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 5, 7, 8.
Bác sĩ Phạm Gia Thế, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, phụ trách Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 (chuyên điều trị cho F0 không có triệu chứng) cho biết, trung bình một ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân và trong vòng 4 ngày hoạt động, bệnh viện đã tiếp nhận 1.600 ca F0. "Chưa bệnh viện nào có biến động số lượng bệnh nhân lớn như vậy", bác sĩ Phạm Gia Thế cho biết.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca F0 liên tục tăng cao đã tạo nên áp lực rất lớn cho khối điều trị. Theo đó, hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị được 28.500 giường thu dung bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và dự kiến số giường sẽ tăng lên 30.000, thậm chí đã sẵn sàng cho kịch bản 50.000 giường.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, theo thống kê ban đầu, có khoảng 80% lượng người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Thành phố đã ghi nhận một số trường hợp từ không có triệu chứng đã diễn tiến nặng chỉ sau một ngày, do đó Thành phố luôn chuẩn bị sẵn sàng xe cứu thương ở các bệnh viện thu dung COVID-19 để chuyển các bệnh nhân này sang bệnh viện điều trị.
Về vấn đề thu dung và điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết, trước tình hình dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh quyết định đưa vào sử dụng thêm một bệnh viện 1.000 giường hồi sức. Theo đó, hệ thống các cơ sở chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 có 4 tầng thay vì 3 tầng như trước đây và mỗi bệnh viện sẽ đảm nhận một chức năng, tương ứng với tình trạng người bệnh.
Cụ thể, tầng thứ nhất có 30.000 giường thu dung điều trị F0 không triệu chứng, nhẹ; tầng thứ 2 sẽ có 2.500 giường dành điều trị cho F0 có triệu chứng; tầng 3 có 3.000 giường dành cho F0 có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm và tầng 4 có 1.200 giường hồi sức COVID-19 dành cho những trường hợp nặng và nguy kịch.
Như vậy, ngoài Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy được Bộ Y tế phân công là tuyến cuối về điều trị COVID-19, Thành phố còn có thêm Trung tâm Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường với sự tham gia của các y, bác sĩ chuyên khoa Hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện Nhân Dân 115, Nhân dân Gia Định và các y, bác sĩ được chuyên khoa được luân phiên đến công tác từ các bệnh viện đa khoa hạng 1 của thành phố và các tỉnh, thành do Bộ Y tế điều động.
Hiện ngành xây dựng cũng đã chuẩn bị nguồn căn hộ dự phòng tại các chung cư và khu tái định cư với dự kiến khoảng 40.000 giường điều trị để sẵn sàng điều động và hỗ trợ ngành y tế khi cần thiết.
Huy động nhân lực từ nhiều nguồn
Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, ước tính trung bình 1.000 giường bệnh sẽ cần khoảng 200 nhân lực y tế, từ đó có thể thấy nhân lực cho khối điều trị hiện nay là rất lớn; đặc biệt là sắp tới, nhiều khả năng số trường hợp mắc COVID-19 có thể tiếp tục gia tăng và số trường hợp bệnh nhân nặng cần sự hỗ trợ chuyên sâu cũng sẽ gia tăng tương ứng.
Theo đó, cùng với việc mở rộng các cơ sở điều trị, TP Hồ Chí Minh cũng lập kế hoạch để bổ sung nhân sự cho khối điều trị. Theo tính toán của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố cần khoảng 1.500 bác sĩ, 5.500 điều dưỡng và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị theo 2 đợt. Lực lượng nhân sự hỗ trợ dự kiến sẽ được bố trí tham gia công tác chăm sóc người bệnh tại các Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19.
Bên cạnh đó, lực lượng này còn tham gia công tác điều trị tại các bệnh viện hồi sức chuyên sâu cho bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch; bổ sung cho các bệnh viện gián tiếp tham gia điều trị COVID-19 (thiếu nhân sự do đã cử luân phiên tham gia điều trị tại các bệnh viện được phân công điều trị COVID-19, tham gia lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine…) đồng thời cũng sẽ tham gia "chia lửa" để giảm tải cho các lực lượng y tế tuyến đầu.
Trong thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến đầu tại TP Hồ Chí Minh cũng đã cử hàng trăm nhân viên y tế đến các Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 để tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân nặng. Chẳng hạn, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử 6 đoàn với 181 nhân viên y tế của bệnh viện, trong đó có 81 bác sĩ và 100 điều dưỡng đến Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi, Bệnh viện điều trị COVID-19 Thủ Đức, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 (tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh và sắp tới sẽ là Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại Thuận Kiều Plaza (Quận 5).
Trước đó, tại buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nêu rõ tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đang rất phức tạp và có khả năng tăng nhanh trong những ngày tới. Bộ Y tế và bộ phận thường trực đã liên tục làm việc, cũng như tăng cường hỗ trợ phòng, chống dịch và giám sát dịch tại TP Hồ Chí Minh nhằm triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại thành phố.
Đối với vấn đề nhân sự chi viện cho công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị đội ngũ gần 10.000 cán bộ, nhân viên y tế sẵn sàng chi viện cho TP Hồ Chí Minh để giúp Thành phố đáp ứng với diễn biến của dịch, đồng thời nhằm mục tiêu bố trí, thay đổi nhân lực với các biện pháp luân chuyển, "đảo quân" để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại thành phố.
"Dựa trên kế hoạch, nhu cầu nhân lực chi tiết từ TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch điều phối, hỗ trợ nhân sự phù hợp với yêu cầu từ thành phố. Với kế hoạch hỗ trợ nhân sự giai đoạn 1, Bộ Y tế cũng đã làm việc với các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực y tế của thành phố", PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh cho biết, .
Được biết, hiện nay, theo đề nghị của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã huy động 3.360 cán bộ y tế của các bệnh viện trung ương trên địa bàn và 3.500 cán bộ y tế, sinh viên của các trường y tế trên cả nước trong tuần này sẽ có mặt tại TP Hồ Chí Minh để chi viện, phối hợp với chính quyền và y tế sở tại để thực hiện nhiệm vụ.