Vượt qua khó khăn, thách thức xây dựng Hà Giang phát triển toàn diện

Hà Giang là vùng đất địa đầu của Tổ quốc. Từ bao đời nay, các dân tộc hội tụ nơi đây sớm hình thành một cộng đồng đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau, một lòng xây dựng quê hương và bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc mình.

Vượt qua những khó khăn về điều kiện của một tỉnh vùng cao với những điều kiện không thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhất là về điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai, nước sinh hoạt và sản xuất, trình độ dân trí... Nhưng những năm qua, bộ mặt từ nông thôn đến thành thị ở Hà Giang có sự thay đổi đáng kể, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Hà Giang hôm nay không chỉ được biết đến như một địa danh nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam mà còn là vùng đất với nhiều tiềm năng đã và đang được đánh thức, khai thác có hiệu quả cùng cách làm bài bản, sáng tạo và ý chí quyết tâm phát triển cao. Đặc biệt, vượt qua “tư duy nhiệm kỳ” để hướng tới xây dựng một tỉnh phát triển toàn diện với nền tảng khai thác tiềm năng văn hóa, du lịch và dược liệu...

Ngay sau khi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010 - 2015) được tổ chức thành công với khẩu hiệu hành động nhiệm kỳ là “Quyết tâm không cam chịu đói nghèo, biến khó khăn thành cơ hội phát triển, vì Hà Giang phát triển hãy làm việc nhiều hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn”, tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân, đã làm cho Hà Giang - vùng đất của gian khó từng bước vươn lên. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt 8,8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 37% (giảm 2,43% so với năm 2010), công nghiệp - xây dựng chiếm 26,5% (tăng 3,66%); cơ cấu từng ngành kinh tế đổi mới tích cực theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt 17,64 triệu đồng (tăng 8,86 triệu đồng so với năm 2010).

Sự nghiệp văn hóa, giáo dục và y tế đạt được các mục tiêu đề ra. Tỉnh đã huy động và phát huy tốt nguồn lực xã hội cho giáo dục, đào tạo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mạng lưới trường, lớp tiếp tục được củng cố, trong đó tập trung vào xây dựng các trường chuẩn quốc gia và phát triển mạnh hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Các chương trình trọng tâm về phát triển văn hóa gắn với du lịch có bước tiến bộ mới. Nhiều di tích được hoàn tất hồ sơ, trình cấp có thẩm quyển xếp hạng, tôn tạo, phát huy; Các lễ hội đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn đã được sưu tầm, khôi phục... Chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, TTATXH được bảo đảm. Hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được xây dựng, củng cố vững mạnh.

Tuy nhiên, Hà Giang vẫn là một trong những tỉnh đặc biệt khó khăn của cả nước; địa hình hiểm trở, độ chia cắt mạnh, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các huyện vùng cao thường xuyên thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt; đời sống của người dân vẫn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm còn hạn chế; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh còn bất cập, chưa đủ mạnh. Chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí, cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đây là những khó khăn, thách thức mà các ngành, các cấp Hà Giang cần nỗ lực vượt qua.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế được xác định và bước đầu khai thác hiệu quả; định hướng phát triển chung của tỉnh trong những năm tiếp theo và một số chủ trương lớn đã được Ban Bí thư, Chính phủ kết luận. Cùng với những thành tựu đạt được, kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ là những tiền đề vững chắc để Hà Giang phát triển bền vững thời gian tới.

Để đạt được điều đó, năm 2015, Hà Giang tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; thực hiện tạo sự đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ; đột phá về xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách, tạo môi trường tốt để thu hút đầu tư; huy động, thu hút nguồn lực, phát huy tối đa nội lực đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tiếp tục chỉ đạo tổ chức sản xuất, mở rộng quy mô, nhân rộng các mô hình sản xuất nông-lâm nghiệp, thủ công nghiệp có thế mạnh, kinh tế biên mậu; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ các lĩnh vực GDĐT, văn hóa và du lịch, khoa học và công nghệ... hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng lãng phí, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia, an ninh chính trị, TTATXH. Tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/hangthang/kinh-te/item/25585002-vuot-qua-kho-khan-thach-thuc-xay-dung-ha-giang-phat-trien-toan-dien.html