Vượt qua làn ranh đỏ

Ấn Độ tuần trước đã phát động cuộc không kích vào Pakistan để đáp trả hành động khủng bố của các lực lượng phiến quân Hồi giáo ở Kashmir. Đây là lần đầu tiên sức mạnh không quân đã được sử dụng kể từ sau cuộc chiến tranh giữa hai bên năm 1971. Đó là làn ranh đỏ mà New Delhi trước đây được cho là chưa dám vượt qua.

 Máy bay của không quân Ấn Độ bị Pakistan bắn rơi.

Máy bay của không quân Ấn Độ bị Pakistan bắn rơi.

Khi nhóm phiến quân Lashkar-e-Taiba (LeT) có cơ sở ở Pakistan tiến hành vụ khủng bố vào một nhà ga xe lửa và 2 khách sạn sang trọng tại thành phố Mumbai (Ấn Độ) năm 2008, ông Narendra Modi đang là Thủ hiến bang Gujarat. Thời điểm đó, ông lập tức chạy tới khách sạn Oberoi, nơi lực lượng an ninh Ấn Độ đang chiến đấu với phiến quân.

Mặc dù người Ấn Độ kêu gọi chính quyền tiến hành tấn công quân sự nhằm vào Pakistan để trả đũa cho vụ khủng bố làm 166 người thiệt mạng, nhưng Thủ tướng lúc bấy giờ, ông Manmohan Singh đã quyết định kiềm chế. Đứng bên ngoài khách sạn Oberoi, ông Modi một mặt đả kích Pakistan, mặt khác chỉ trích Thủ tướng Singh, gọi phản ứng của ông là “đáng thất vọng”. Sau này ông Modi nhiều lần khẳng định, chính quyền tiền nhiệm đã “thiếu can đảm” khi không tiến hành tấn công trả đũa vụ tàn sát ở Mumbai.

Tuần trước, khi đương kim Thủ tướng Modi đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong vài tháng tới, ông Modi đã phát động cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ Pakistan. Mệnh lệnh được ban bố hôm thứ Ba (26-2), 12 ngày sau khi 40 lính đặc nhiệm Ấn Độ bị một kẻ đánh bom tự sát thuộc nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammad (JeM) sát hại ở Kashmir. Bằng quyết định này, Thủ tướng Modi đã chứng minh rằng, những phát ngôn trước đây của ông về chủ nghĩa khủng bố hoàn toàn không phải chỉ là sự phô trương chính trị.

Đây là lần đầu tiên Ấn Độ sử dụng sức mạnh không quân nhằm vào nước láng giềng, kể từ sau cuộc chiến tranh giữa hai bên năm 1971. Thông điệp của New Delhi đã rõ ràng: Ấn Độ từ nay sẽ không “lặng yên” nếu bị khủng bố tấn công. Tuy nhiên, thái độ quyết đoán mới của Ấn Độ, cho đến thời điểm này, chưa mang lại lợi thế chiến lược rõ ràng cho New Delhi, cũng như mang lại cho ông Modi một sự thúc đẩy chính trị rõ ràng như ông kỳ vọng.

Một ngày sau cuộc tấn công của Ấn Độ, Pakistan cũng lập tức đáp trả và trong các cuộc giao tranh trên không, một chiếc MiG-21 của Ấn Độ đã bị bắn hạ. Viên phi công chỉ huy Abhinandan Varthaman của Ấn Độ bị lính Pakistan bắt giữ và hình ảnh ông này bị thương đẫm máu, bị bịt mắt giải đi, đã được phát rộng rãi trên truyền hình.

Sau những diễn biến căng thẳng đó, nguy cơ về khả năng leo thang thù địch vượt tầm kiểm soát có giảm nhẹ đôi chút, khi Thủ tướng Pakistan thứ Sáu tuần trước trao trả viên phi công cho Ấn Độ với “cử chỉ thiện chí”. Ông Khan còn kêu gọi New Delhi đối thoại và tránh những “tính toán sai lầm” có thể dẫn đến xung đột lớn hơn.

Song động thái đó vẫn chưa đủ để làm hạ nhiệt căng thẳng. Giao tranh bằng pháo kích vẫn tiếp tục diễn ra trên biên giới. “Đây là một Ấn Độ mới, một Ấn Độ sẵn sàng đáp trả những thiệt hại do khủng bố gây ra”, Thủ tướng Modi tuyên bố với người ủng hộ tại cuộc tuần hành tranh cử cuối tuần trước.

Các nhà phân tích đang đánh giá mỗi quan hệ vốn bất hòa giữa hai quốc gia có vũ khí hạt nhân ở Nam Á sẽ phát triển ra sao trong thời gian tới, sau cuộc đối đầu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ này.

“Ấn Độ muốn nói rằng họ sẵn sàng tấn công vào lãnh thổ Pakistan để trả thù các hành động khủng bố, và điều đó rất khác so với trước đây”, Ashley Tellis, chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Washington, nói với Financial Times.

Srinath Raghavan, cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ hiện đang giảng dạy quan hệ quốc tế tại Đại học Ashoka ở Haryana, cho rằng những người ủng hộ ông Modi đều cảm thấy Ấn Độ cần ra thêm “một cú đấm nữa” trước khi dập tắt vụ việc. Theo ông Raghavan, ngay cả khi cuộc khủng hoảng hiện nay được giải quyết, nếu khủng bố vẫn tiếp diễn thì việc xử lý mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai sẽ trở nên khó khăn hơn.

Sự thù hận giữa New Delhi và Islamabad bắt nguồn từ năm 1947, khi thực dân Anh rời đi và phân chia tiểu lục địa thành Ấn Độ (đa số là người Hindu giáo) và Pakistan (đa số là người Hồi giáo). Kể từ đó, giữa Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần nổ ra chiến tranh ở khu vực Kashmir (đa số người Hồi giáo), nơi cả 2 bên đều tuyên bố chủ quyền. Năm 1971, Ấn Độ đã sử dụng quân đội của mình giúp một phe nổi loạn ở Pakistan ly khai thành nước Bangladesh độc lập, nguồn gốc của sự phẫn nộ sâu sắc ở Pakistan.

Từ những năm 1990, phiến quân Hồi giáo đã tiến hành các vụ tấn công khủng bố nhằm vào New Delhi, kể cả ở Kashmir lẫn các thành phố lớn của Ấn Độ. Những lực lượng phiến quân thường tham gia “cuộc chiến không cân sức này” là chính là LeT và JeM.

Trong hai thập kỷ, LeT và JeM công khai tuyển mộ và huấn luyện các chiến binh thánh chiến ở Pakistan và gây ra nhiều vụ khủng bố ở Ấn Độ, bao gồm cả vụ tấn công vào tòa nhà quốc hội năm 2001 và vụ thảm sát 3 địa điểm ở Mumbai năm 2008.

Những cuộc tấn công dữ dội này, cùng với việc Pakistan dọa sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong các vụ xung đột, khiến Ấn Độ lâu nay luôn tỏ ra cảnh giác và thận trọng với các hành động quân sự.

Và lần này, sau vụ tấn công nguy hiểm nhất vào quân đội Ấn Độ ở Kashmir trong nhiều thập kỷ, Thủ tướng Modi đã hành động. “Cách mà Ấn Độ nói cho thấy, nếu có các vụ việc lớn hơn xảy ra thì các cuộc tấn công trả đũa cũng sẽ mạnh hơn”, ông Raghavan nói với Financial Times.

Trong cuộc không kích vừa qua, New Delhi cho biết họ đã “tấn công phủ đầu” vào một trại huấn luyện của JeM ở thị trấn Balakot. Phía Pakistan thì khẳng định tên lửa Ấn Độ rơi xuống sườn đồi và gây ra thiệt hại nhỏ. Song các nhà phân tích cho rằng, các vụ tấn công của Ấn Độ có trúng mục tiêu hay không chưa quan trọng bằng việc Ấn Độ thể hiện sự sẵn sàng sử dụng sức mạnh không quân tấn công vào lãnh thổ Pakistan. Đó là làn ranh đỏ mà New Delhi trước đây được cho là không thể, hoặc chưa dám vượt qua.

Minh Đức

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/285934/vuot-qua-lan-ranh-do-.html