WEF: Các chuyên gia kinh tế chia rẽ quan điểm về sự phục hồi kinh tế toàn cầu

Các chuyên gia WEF có quan điểm trái chiều về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ba phần tư các chuyên gia kinh tế trưởng vẫn kỳ vọng vào một sự tăng trưởng yếu hoặc rất yếu ở châu Âu.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết trong một báo cáo rằng tình trạng lạm phát cao, bất ổn tài chính và khủng hoảng chi phí sinh hoạt dự kiến sẽ tiếp diễn trên toàn cầu vào năm 2023, trong khi những lo ngại về sự quay trở lại của chính sách công nghiệp trong dài hạn đã hiển hiện.

Các chuyên gia có quan điểm trái chiều về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu nhưng với tỷ lệ ngang nhau, đều là 45% chuyên gia tin rằng suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm nay rất có thể xảy ra hoặc khó xảy ra, theo 'Báo cáo triển vọng của các nhà kinh tế trưởng năm 2023' của WEF.

Hơn 90% số người được hỏi mong đợi ít nhất là một mức tăng trưởng vừa phải ở cả Đông Á và Thái Bình Dương và Nam Á.

Hơn 90% số người được hỏi mong đợi ít nhất là một mức tăng trưởng vừa phải ở cả Đông Á và Thái Bình Dương và Nam Á.

Các chuyên gia kinh tế trưởng kỳ vọng cả động lực tăng trưởng và lạm phát sẽ khác nhau giữa các khu vực, trong khi về mặt chính sách kinh tế, 72% số người được hỏi dự đoán chính sách công nghiệp chủ động sẽ trở thành một hiện tượng ngày càng phổ biến trong ba năm tới.

Mặc dù đa số không coi sự xáo trộn gần đây trong lĩnh vực tài chính là dấu hiệu của tính dễ bị tổn thương của hệ thống, nhưng vẫn có khả năng cao là các ngân hàng sẽ đổ vỡ và bất ổn hơn nữa trong năm nay.

“Hiện tại, thị trường lao động đang chứng tỏ khả năng phục hồi, nhưng tăng trưởng vẫn chậm chạp, căng thẳng toàn cầu ngày càng sâu sắc và chi phí sinh hoạt vẫn còn cao ở nhiều quốc gia. Những kết quả này khẳng định nhu cầu cấp thiết đối với cả sự phối hợp chính sách toàn cầu ngắn hạn cũng như sự hợp tác dài hạn xung quanh một khuôn khổ mới cho tăng trưởng sẽ đưa tính ổn định, tính bền vững và khả năng phục hồi vào chính sách kinh tế,” Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi cho biết.

Hoạt động sôi nổi nhất dự kiến sẽ diễn ra ở châu Á, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại dự kiến sẽ thúc đẩy sự phục hồi đáng kể cho quốc gia này và thúc đẩy hoạt động trên khắp lục địa. Hơn 90% số người được hỏi mong đợi ít nhất một mức tăng trưởng vừa phải ở cả Đông Á, Thái Bình Dương và Nam Á.

Mặt khác, ba phần tư các chuyên gia kinh tế trưởng vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng yếu hoặc rất yếu ở châu Âu. Tại Hoa Kỳ, những người được hỏi trong tháng 3-tháng 4 lạc quan hơn so với tháng 1 nhưng vẫn chia rẽ về triển vọng tăng trưởng của Hoa Kỳ, vốn bị che mờ bởi sự không chắc chắn gia tăng về sự ổn định tài chính cũng như tốc độ và mức độ thắt chặt tiền tệ.

Về lạm phát, tỷ lệ người được hỏi ở các khu vực khác nhau kỳ vọng lạm phát cao vào năm 2023 đã tăng lên đáng kể và 76% các nhà kinh tế trưởng cho biết họ dự đoán chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia sẽ vẫn cao. Lãi suất cơ bản đã bắt đầu hạ nhiệt, nhưng lạm phát cơ bản vẫn cao hơn dự kiến. Động lực này đặc biệt rõ rệt ở Châu Âu và Hoa Kỳ, nơi phần lớn (tương ứng là 90% và 68%) kỳ vọng lạm phát cao hoặc rất cao trong năm nay. Trung Quốc vẫn là một ngoại lệ, với chỉ 14% dự đoán lạm phát cao, báo cáo lưu ý.

Trước sự sụp đổ của các ngân hàng gần đây và sự hỗn loạn của thị trường tài chính, các nhà kinh tế trưởng bày tỏ sự tin tưởng vào tính toàn vẹn có hệ thống của các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, hai phần ba nhấn mạnh khả năng ngân hàng sẽ tiếp tục đổ vỡ và gián đoạn, trong khi hơn 80% cho biết họ cho rằng các doanh nghiệp sẽ khó vay vốn ngân hàng hơn do các tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn. Họ cũng chỉ ra tác động dây chuyền của lãi suất cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, nơi 2/3 dự báo lãi suất cao sẽ gây ra sự gián đoạn đáng kể trong năm 2023-2024.

Thành An

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//the-gioi/wef-cac-chuyen-gia-kinh-te-chia-re-quan-diem-ve-su-phuc-hoi-kinh-te-toan-cau-1092325.html