WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin ngừa COVID-19 của Sinopharm

WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin ngừa COVID-19 của Sinopharm - Nguồn: AP

Theo hãng tin Reuters của Anh, tối 7/5 (giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm trong trường hợp khẩn cấp.

Với quyết định này của WHO, vắcxin của Sinopharm trở thành vắcxin ngừa COVID-19 thứ 6 trên thế giới được WHO phê chuẩn. Đây cũng là lần đầu tiên WHO cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho một loại vắcxin do Trung Quốc phát triển và bào chế.

Danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO là xác nhận của cơ quan này về tính an toàn và hiệu quả của một loại dược phẩm. Với vắcxin phòng COVID-19, điều này có nghĩa vắcxin đó sẽ được đưa vào chương trình phân phối vắcxin toàn cầu COVAX, do WHO điều hành để cung cấp vắcxin cho các nước nghèo.

Trước đó, WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Moderna.

Trong khi đó, hai hãng dược Pfizer và BioNTech vừa đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ cho vắcxin COVID-19 do hai hãng này phối hợp sản xuất để loại bỏ những hạn chế liên quan đến việc phân phối và quảng cảo sản phẩm.

Vắcxin Pfizer/BioNTech đã được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp từ tháng 12/2020 dựa trên dữ liệu thử nghiệm lâm sàng trong vòng 2 tháng đối với 38.000 tình nguyện viên sau khi tiêm đủ 2 mũi. Có giấy phép này, vắcxin Pfizer/BioNTech được phép phân phối trong các tình huống y tế cộng đồng khẩn cấp nhưng công ty sản xuất vẫn phải hạn chế các chương trình quảng cáo hay truyền thông.

Vì thế, để loại bỏ những rào cản trên, Pfizer và BioNTech muốn FDA cấp phép đầy đủ cho vắcxin chung của họ và hy vọng tiến trình xét duyệt sẽ chỉ mất 6 tháng, thay vì 10 tháng như thông lệ trước đây.

Pfizer và BioNTech cho biết hiện hồ sơ xin cấp phép đầy đủ đã có các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng được tiến hành trong thời gian dài hơn 2 tháng đối với 46.000 tình nguyện viên và kết quả cho thấy vắcxin của hai hãng này đạt hiệu quả tới 91,3% trong 6 tháng sau khi tiêm đủ 2 liều. Mức hiệu quả này cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn chỉ 50% theo quy định.

Pfizer và BioNTech hy vọng với việc được FDA cấp giấy phép đầy đủ, hai hãng sẽ có thể tiến hành quảng bá rộng rãi hơn những lợi ích cũng như hiệu quả mà vắcxin của họ có thể đem lại, qua đó khuyến khích nhiều người tham gia tiêm chủng hơn.

Trong diễn biến khác, ngày 7/5, công ty Biological E. của Ấn Độ cho biết sẽ sớm bắt đầu tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắcxin ngừa COVID-19 và dự định từ tháng 8 tới sẽ sản xuất 75-80 triệu liều vắcxin mỗi tháng.

Công ty Biological E. phối hợp cùng với trường Đại học y dược Baylor tại TP Houston (Mỹ) và công ty Dynavax Technologies (Mỹ) phát triển vắcxin ngừa COVID-19.

Giám đốc điều hành công ty, bà Mahima Datla, tuyên bố Biological E. sẽ sớm bắt đầu cuộc thử nghiệm và sẽ xin cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với dược phẩm này. Theo bà, hoạt động sản xuất vắcxin sẽ bắt đầu từ tháng 8 tới nhưng EUA phụ thuộc vào chính phủ.

Hiện Ấn Độ đang phải “gồng mình” đối phó với số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh. Đến nay, chỉ khoảng 10% trong tổng số 1,35 tỉ dân nước này được tiêm một hoặc hai liều vắcxin.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255387/who-cap-phep-su-dung-khan-cap-vacxin-ngua-covid-19-cua-sinopharm.html