WHO đánh giá châu Phi có thể đã vượt qua đỉnh dịch

Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Pretoria, Nam Phi - Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 25/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết châu Phi có thể đã vượt qua đỉnh của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời tổ chức này cũng cảnh báo sự nới lỏng, lơ là trong phòng chống dịch bệnh sẽ tạo điều kiện cho sự bùng phát làn sóng dịch thứ 2.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, ông Matshidiso Moeti khẳng định: "Chúng tôi nhận thấy dường như dịch bệnh COVID-19 đã đạt đến đỉnh điểm và số ca mắc mới hàng ngày đang giảm". Tuy nhiên, theo ông Matshidiso Moeti, không phải tất cả các quốc gia châu Phi đều có xu hướng giảm số ca nhiễm mới hằng ngày, nhất là Namibia, quốc gia đang ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày càng tăng mạnh.

Hiện châu Phi là châu lục ít bị ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19, sau châu Đại Dương, với gần 1,2 triệu trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và gần 28.000 ca tử vong. Trong đó, quốc gia Nam Phi chiếm gần 1/2 tổng số ca nhiễm của toàn châu lục và đứng thứ 5 trên toàn cầu. Ai Cập, Nigeria và Marốc có số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong khoảng từ 50.000 đến 100.000 ca.

Trong cuộc họp hôm 25/8, Bộ trưởng Y tế Nam Phi, ông Zweli Mkhize đã cảnh báo về khả năng xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ 2. Ông Zweli Mkhize nhấn mạnh: "Nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng tôi là đây chỉ là đợt đầu. Hiện chúng tôi đã vượt qua đỉnh dịch, nhưng hãy nhìn vào những gì đang xảy ra ở Tây Ban Nha, số ca nhiễm mới đang gia tăng sau một thời gian dài tạm lắng”. Theo ông Matshidiso Moeti, tình hình vẫn "rất nghiêm trọng" vì các quốc gia châu Phi đang mở cửa lại nền kinh tế, và tăng cường cảnh giác là điều cần thiết hiện nay.

Mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới, số liệu của WHO mới đây cho thấy tốc độ lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này có dấu hiệu chậm lại tại một số khu vực, đặc biệt là tại các nước ở châu Mỹ.

WHO cho biết ngoài khu vực Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải, tất cả những khu vực còn lại đều ghi nhận sự sụt giảm số ca nhiễm mới. Châu Mỹ tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với số ca mắc và tử vong mới được ghi nhận tại đây trong tuần qua chiếm lần lượt 50% và 62% tổng số ca mắc và tử vong trên thế giới. Tuy nhiên, khu vực này lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất về số ca mắc lẫn ca tử vong mới, với mức giảm lần lượt 11% và 17% so với tuần trước đó, một phần do tốc độ lây lan chậm lại tại Mỹ và Brazil - hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Trong khi đó, tại châu Âu, nơi số ca mắc mới liên tục tăng trong những tuần gần đây, tốc độ lây lan của dịch bệnh đã suy giảm nhẹ, giảm 1% so với tuần trước đó. Số ca tử vong mới tại châu Âu cũng tiếp tục đi xuống, giảm 12% so với tuần trước đó.

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 221.808 ca mắc COVID-19 và 5.444 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm virus vượt qua ngưỡng 24 triệu người.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 26/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trên toàn cầu là 24.024.958 ca, trong đó có 822.120 người thiệt mạng. Các nước cũng ghi nhận 16.577.153 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 61.671 và 6.625.534 ca đang điều trị tích cực.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (66.873 ca), Brazil (42.778 ca) và Mỹ (36.516 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.153 ca), tiếp theo là Brazil (1.129 ca) và Ấn Độ (1.066 ca).

Tính đến 6 giờ sáng 26/8, số người tử vong tại Mỹ vì dịch COVID-19 đã lên tới 182.258 người, trong khi tổng số ca nhiễm virus đang tiến đến mốc 6 triệu người, với 5.951.746 ca nhiễm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 25/8 đã cập nhật hướng dẫn cách ly mới trong đó dỡ bỏ khuyến cáo trực tiếp về cách ly tại nhà trong 14 ngày sau khi trở về từ các chuyến đi quốc tế hoặc tới những khu vực có số ca nhiễm virus cao. Thay vào đó, hướng dẫn mới cho rằng những người có nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 trong các chuyến đi nên ngừng đi lại trong 14 ngày kể từ lần cuối tiếp xúc. Với những người tham gia vào các hoạt động có nguy cơ cao, CDC khuyến cáo thêm họ nên ở trong nhà càng nhiều càng tốt trong 14 ngày và cân nhắc làm xét nghiệm.

Thượng nghị sĩ Flavio Bolsonaro, con trai của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, ngày 25/8 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Flavio không xuất hiện các triệu chứng và hiện đang làm việc tại nhà ở thủ đô Brasilia. CNN cho biết, con trai Tổng thống Brazil đang sử dụng thuốc điều trị hydroxychloroquine.

Trong khi đó, ông Bolsonaro tiếp tục ủng hộ loại thuốc chống sốt rét gây tranh cãi và được khoa học chứng minh là không có hiệu quả trong điều trị COVID-19. Tổng thống Brazil đã xét nghiệm dương tính với virus vào ngày 7/7. Hôm 25/7 ông thông báo qua Twitter rằng đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Brazil hiện ghi nhận 3.669.995 ca nhiễm, trong đó có 116.580 ca tử vong.

Cũng tại khu vực Mỹ Latin, Mexico hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 tại châu Mỹ với 563.705 ca mắc, trong đó có 60.800 ca tử vong, đứng thứ 6 thế giới về số ca mắc và thứ 3 thế giới về số ca tử vong. Trong ngày 24/8, Mexico đã khai giảng năm học mới 2020-2021, với hình thức học qua truyền hình nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Tuy nhiên, theo ước tính, khoảng 10,2 triệu học sinh sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận mô hình học này do kinh tế gia đình eo hẹp.

Trong khi đó, Bộ Y tế Chile thông báo ghi nhận thêm 1.903 ca mắc và 64 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong do dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này lên lần lượt 399.568 và 10.916 ca. Với số ca mắc mới có xu hướng giảm, Chính phủ Chile đã bắt đầu từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm tái khởi động nền kinh tế.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, với Ấn Độ ghi nhận tổng số ca mắc đã lên tới 3.231.754 ca, trong khi số ca tử vong là 59.612 ca.

Cùng ngày, Hàn Quốc ghi nhận thêm 280 ca, trong đó có 264 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca tại quốc gia Đông Á này lên 17.945 ca. Đặc biệt, riêng thủ đô Seoul đã ghi nhận thêm 134 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca tại thành phố này lên 3.120 ca. Kể từ khi Seoul ghi nhận 146 ca mới vào ngày 15/8, các ca nhiễm mới hầu như liên tục duy trì ở mức 3 con số mỗi ngày. Học sinh ở thủ đô Seoul và các vùng phụ cận được thông báo sẽ quay trở lại với hình thức học từ xa trong bối cảnh dịch bệnh tại nước này đang bùng phát trở lại.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/244870/who-danh-gia-chau-phi-co-the-da-vuot-qua-dinh-dich.html