WHO đặt tên mới cho biến thể B.1.1.529 của SARS-CoV-2 là Omicron

* ECDC cảnh báo nguy cơ biến chủng Omicron lan ra châu Âu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/11 đã đặt lại tên cho biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể đáng quan ngại.

Hình ảnh dưới kính hiển vi từ viện y tế quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được phân lập và xuất hiện trên bề mặt tế bào của một bệnh nhân. Ảnh: AFP/TTXVN

Hình ảnh dưới kính hiển vi từ viện y tế quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được phân lập và xuất hiện trên bề mặt tế bào của một bệnh nhân. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuyên bố của WHO nêu rõ: "Dựa trên những bằng chứng cho thấy có sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học về dịch COVID-19... WHO coi B.1.1.529 là biến thể đáng quan ngại và đặt tên là Omicron””. Cũng theo WHO, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện biến thể này.

Cùng ngày 26/11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo nguy cơ "từ cao tới rất cao" biến chủng Omicron sẽ lan rộng ra châu Âu. Trong báo cáo đánh giá về nguy cơ lây lan của biến chủng Omicron, ECDC nhận định: "Mức độ rủi ro tổng thể của biến chủng Omicron đối với EU/EEA (Liên minh châu Âu/Khu vực Kinh tế châu Âu) được đánh giá là cao tới rất cao, xét về khả năng các vắc xin hiện tại sẽ không có tác dụng đối với khả năng lây lan nhanh của biến chủng Omicron””.

Tuy nhiên, ECDC cũng cho biết hiện vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn về khả năng lây nhiễm, nguy cơ tái nhiễm, tác động tới hiệu quả vắc xin cũng như các đặc tính khác của biến chủng mới này.

Biến thể Omicron lần đầu được phát hiện tại Nam Phi và đến nay đã xuất hiện tại Israel, Botswana, Bỉ và Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Trước tình hình này, ECDC kêu gọi các nước tiến hành phân tích chuỗi gien và truy vết các ca nhiễm biến thể mới, đồng thời hối thúc người dân tránh du lịch tới các khu vực bị ảnh hưởng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 26/11 kêu gọi dừng tất cả liên kết không vận với các địa điểm đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mang tên B.1.1.529. Trong bối cảnh thông tin về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nam Phi làm chao đảo thị trường toàn cầu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cho biết các hãng sản xuất vắc xin buộc phải điều chỉnh mũi tiêm ngay khi các biến thể mới xuất hiện.

Bà Ursula von der Leyen nói: "Điều quan trọng hiện nay là toàn bộ châu Âu phải hành động nhanh chóng, quyết đoán và đoàn kết. Mọi liên kết không vận với các nước (đã phát hiện biến thể B.1.1.529) cần phải đình chỉ tới khi chúng ta hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của biến thể mới này””. Bà kêu gọi công dân Liên minh châu Âu (EU) tiêm chủng vắc xin và nâng cao khả năng bảo vệ với mũi tăng cường.

Nhiều nước từ Mỹ tới châu Âu và châu Á đã ban hành các lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại tới những nơi có ca nhiễm biến thể Omicron. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đã phải hoãn hội nghị bộ trưởng dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) trong tuần tới do sự xuất hiện của biến thể này.

Slovenia, quốc gia đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), ngày 26/11 thông báo các nước EU đã nhất trí tạm ngừng hoạt động đi lại tới khu vực miền nam châu Phi sau khi phát hiện biến thể Omicron.

Slovenia thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng một ủy ban các chuyên gia y tế từ 27 quốc gia EU "đã nhất trí cần kích hoạt việc ngừng khẩn cấp (hoạt động đi lại tới miền Nam châu Phi) và tạm thời áp đặt hạn chế đối với mọi hoạt động đi lại từ khu vực miền Nam châu Phi vào EU”. Một nguồn tin EU cho biết các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng với Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.

Cùng ngày, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga thông báo nước này từ ngày 28/11 sẽ hạn chế công dân từ 9 nước châu Phi và Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) nhập cảnh. Thông báo nêu rõ: “Ở Nam Phi và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện. Theo Cơ quan Giám sát và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor), điểm nổi bật của biến thể này là nó có một lượng lớn các đột biến ở gen S-protein có thể tạo ra khả năng lây nhiễm mạnh hơn và cũng tác động làm giảm hiệu quả của kháng thể””.

Chính vì vậy, kể từ ngày 28/11, công dân nước ngoài cư trú tại Nam Phi, Botswana, Lesotho, Namibia, Zimbabwe, Mozambique, Madagascar, Eswatini, Tanzania, Đặc khu Hành chính Hong Kong hoặc ở đó trong vòng 10 ngày sẽ không thể nhập cảnh vào Nga. Ban chỉ đạo cho biết đang nghiên cứu cẩn thận tình hình về sự xuất hiện của biến thể mới và còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại thị trấn Bhambayi, phía Bắc Durban, Nam Phi ngày 24/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại thị trấn Bhambayi, phía Bắc Durban, Nam Phi ngày 24/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 lưu ý rằng biến thể mới vẫn chưa được phát hiện tại Nga. Ngoài ra, Rospotrebnadzor cùng Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức xét nghiệm nhanh COVID-19 cho du khách đến từ châu Phi, cũng như Israel, Anh, Hong Kong, Trung Quốc. Nhà chức trách đã được hướng dẫn để đảm bảo kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu dịch tễ của những du khách này.

Trong diễn biến liên quan, từ ngày 27/11, Áo sẽ cấm các chuyến bay từ Nam Phi và Botswana sau khi hai nước này ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron mà Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid gọi là một mối quan ngại lớn.

Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg thông báo các chuyến bay từ Mozambique, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini cũng sẽ bị cấm hạ cánh do Áo áp dụng các biện pháp nhằm "giảm tốc độ lây lan của biến thể mới trên toàn cầu””.

Đức sẽ đưa Nam Phi vào danh sách các khu vực ghi nhận biến thể mới của SARS-CoV-2 từ ngày 27/11, qua đó chỉ cho phép công dân và người sinh sống tại Đức được nhập cảnh. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Maroc thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng nước này đã cấm nhập cảnh đối với các du khách tới từ Nam Phi do những quan ngại về sự lây lan của dịch COVID-19.

Ngày 26/11, Thủ tướng Israel đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các bộ ngành liên quan để bàn biện pháp đối phó với nguy cơ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra làn sóng dịch bệnh mới tại nước này.

Sau cuộc họp, một loạt biện pháp phòng chống mới đã được đưa ra, bao gồm: mở rộng danh sách các quốc gia trong diện “cảnh báo đỏ” ra toàn bộ châu Phi, trừ các nước Bắc Phi, người nước ngoài đến từ các quốc gia này sẽ không được nhập cảnh Israel; cơ quan nội địa của quân đội Israel rà soát toàn bộ những người đã nhập cảnh từ các quốc gia “cảnh báo đỏ” trong tuần qua để cách ly và xét nghiệm; đặt mua 10 triệu bộ xét nghiệm PCR phục vụ xét nghiệm chủng virus mới; thực hiện thí điểm lắp đặt máy lọc không khí trong trường học trên cả nước; lấy mẫu nước thải ở tất cả các địa phương để xác định nguy cơ nhiễm bệnh do biến thể mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 26/11, Chính phủ Bỉ đã đưa ra quyết định có tính bước ngoặt mới trong đời sống xã hội của nước này nhằm ngăn chặn sự gia tăng lây lan dịch COVID-19, theo đó yêu cầu các hộp đêm phải đóng cửa và khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc nhiều nhất có thể.

Phát biểu sau phiên họp của Ủy ban Tham vấn về COVID-19, Thủ tướng Alexander De Croo cho biết: “Biến thể có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, đang khiến cuộc sống của chúng ta trở nên vô cùng khó khăn”. Theo ông De Croo, nhờ tỉ lệ tiêm phòng cao nên hiện các bệnh viện chưa rơi vào tình trạng quá tải.

Theo thông báo mới nhất của Chính phủ Bỉ, các câu lạc bộ đêm sẽ lại phải đóng cửa từ cuối tuần này, trong ít nhất 3 tuần. Cũng trong ngày 26/11, Israel và Hong Kong (Trung Quốc) cũng báo cáo đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể mới.

Đã có hơn 5,2 triệu người trên thế giới chết vì COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 27/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 260.851.317 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.205.838 ca tử vong.

Tổng số ca đã khỏi bệnh là 235.654.125 ca và số bệnh nhân đang được điều trị là 19.991.354 ca, trong đó có 83.140 ca nguy kịch.

Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với 799.088 ca tử vong trong tổng số 49.044.219 ca mắc.

Tiếp theo là Ấn Độ với 467.468 ca tử vong trong số 34.555.431 ca mắc; Brazil ghi nhận 614.000 ca tử vong trong tổng số 22.067.630 ca mắc.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 561.719 ca mắc mới, 394.518 người khỏi bệnh và 6.287 ca tử vong.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/267929/who-dat-ten-moi-cho-bien-the-b-1-1-529-cua-sars-cov-2-la-omicron.html