WHO kêu gọi không nên dỡ bỏ các biện pháp chống dịch quá sớm
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 1/4/2020 - Nguồn: THX/TTXVN
Ngày 7/4, người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Christian Lindmeier kêu gọi các nước và vùng lãnh thổ không nên dỡ bỏ các biện pháp chống dịch COVID-19 quá sớm.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, bà Lindmeier nêu rõ: "Một trong những phần quan trọng nhất là không nên dỡ bỏ các biện pháp (chống dịch) quá sớm, để tránh dịch bệnh tái bùng phát”.
Cùng ngày, đại diện WHO tại Trung Quốc, bác sĩ Gauden Galea cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới đang gia tăng nhanh chóng và chưa đến đỉnh điểm. Phát biểu tại họp báo, bác sĩ Galea nhận định cách duy nhất để vượt qua đại dịch là mọi người dân đều được miễn dịch.
Trong một diễn biến liên quan, chuyên gia cố vấn cho Trung tâm Phát minh Michigan-China, ông Tom Watkins kêu gọi Mỹ và Trung Quốc phối hợp chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Watkins nhấn mạnh: "Chúng ta đang cùng sống trong một thế giới và sẽ chỉ có thể cùng nhau vượt qua và thịnh vượng”. Ông nhấn mạnh thế giới cần Mỹ và Trung Quốc tăng cường chia sẻ thông tin y tế và khoa học, và nghiên cứu tìm ra một vắcxin phòng SARS-CoV-2.
Theo trang thống kê worldometers.info tính đến 17 giờ 25 ngày 7/4 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới hiện có 1.358.950 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra và 75.897 trường hợp đã tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 293.452 người. Trên thế giới vẫn còn tới 47.539 bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nặng.
Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 367.650 ca mắc và 10.943 ca tử vong do COVID-19. Thứ hai là Tây Ban Nha với 140.510 ca mắc và 13.798 ca tử vong. Ý tiếp tục xếp vị trí thứ 3 với 132.547 ca mắc và 16.523 ca tử vong. Đứng thứ tư là Đức với 103.375 ca mắc và 1.810 ca tử vong.
Tân Hoa xã đưa tin trong cuộc họp báo ngày 7/4, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc Gauden Galea nhấn mạnh, Trung Quốc đã giảm thành công tỉ lệ tử vong do dịch COVID-19. Ông Galea viện dẫn Vũ Hán - tâm dịch COVID-19 ở Trung Quốc - đã tìm cách giảm tỉ lệ tử vong xuống khoảng 4% trong khi số liệu này ở các khu vực khác của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 1%.
Theo ông, việc có tỉ lệ tử vong cao khi bùng phát lây nhiễm lan là điều bình thường do số lượng ca nhiễm vượt quá năng lực của cơ quan y tế trong việc cung cấp điều trị tập chung.
Reuters đưa tin Cơ quan y tế công cộng của Thụy Sĩ ngày 7/4 cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng lên thành 22.242 người, so với con số 21.652 người một ngày trước đó. Theo cơ quan này, tổng số trường hợp tử vong do mắc COVID-19 ở Thụy Sĩ hiện là 641 người. Chính phủ Thụy Sĩ sẽ tiếp tục cập nhật tình hình đại dịch COVID-19 vào tối cùng ngày.
Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, Cục Dịch tễ và sức khỏe, thuộc Bộ Y tế Lào ra thông báo yêu cầu chấm dứt sử dụng buồng khử trùng di động bằng chlorine đang được các bệnh viện sử dụng, do kết quả nghiên cứu được thực hiện mới ở Trung Quốc cho thấy thiết bị này không hiệu quả, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chiều 7/4, bộ trên thông báo nước này đã có thêm 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại Lào lên 14 ca.
Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết nước này ngày 7/4 đã ghi nhận thêm 247 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc lên thành 2.738 người.
Ông Yurianto cũng cho hay Indonesia đã có thêm 12 người tử vong do mắc COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 221 người, trong khi có 204 bệnh nhân được chữa khỏi. Nước này cũng đã tiến hành hơn 14.300 ca xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Reuters đưa tin Bộ Y tế Phiippines ngày 7/4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 14 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người tử vong trên cả nước lên thành 177 người. Số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng tăng thêm 104 ca lên thành 3.764 người.
Trước đó trong ngày, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra lệnh gia hạn các biện pháp cách ly và hạn chế hoạt động đang được áp dụng đối với hơn 50% dân số nước này đến ngày 30/4 để ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 7/4 tại Cung Hòa Bình ở thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo rằng chỉ có 0,1% khả năng Campuchia ban bố tình trạng khẩn cấp. Ông Hun Sen nhấn mạnh: "Campuchia nhiều khả năng không tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chỉ có 0,1% khả năng là chúng tôi thực hiện điều này. Tình trạng khẩn cấp chỉ xảy ra khi tình hình vượt ngoài sự kiểm soát của chúng tôi”.
Cơ quan y tế Malaysia ngày 7/4 thông báo nước này đã nghi nhận thêm 170 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 , nâng tổng số ca nhiễm lên thành 3.963 người trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 Đông Nam Á phải gồng mình đối phó với tỉ lệ lây nhiễm cao nhất trong khu vực. Số liệu mới nhất cho thấy, thêm 1 trường hợp tử vong do COVID-19 ở Malaysia, nâng tổng số ca tử vong ở đây lên thành 63.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)