WHO không khuyến cáo sử dụng thuốc lá điện tử làm phương tiện cai thuốc
Tại Hội thảo 'Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới', chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, WHO không khuyến cáo sử dụng thuốc lá điện tử làm phương tiện cai thuốc.
Theo WHO, thuốc lá điện tử là một thiết bị điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch. Thành phần chính của dung dịch này bao gồm propylene glycol, có hoặc không có glycerol và các chất tạo hương.
Theo tài liệu của WHO và Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á, thành phần dung dịch trong thuốc lá điện tử gồm có Nicotine – chất gây nghiện; Propylene Glycol – có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng; Glycerin/Glycerol gốc thực vật khi được đung nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, có thể gây kích thích đường hô hấp trên. Ngoài ra còn có kim loại, chì, bạc, thủy ngân…
Ngoài các tác hại nói trên, thuốc lá điện tử còn có các ảnh hưởng xấu khác như tăng nguy cơ nghiện nicotine với người đã từng hút và chưa bao giờ hút, tăng nguy cơ động kinh, mắc các bệnh về rang miệng, gây các vụ nổ/bỏng, chấn thương, gãy xương.
Còn thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá làm sản sinh ra sol khí chứa nicotine với hương vị thuốc lá cho người sử dụng hít vào qua đường miệng. Thuốc lá làm nóng chứa chất gây nghiện cao nicotine (trong thuốc lá) và cũng có các chất phụ gia không phải thuốc lá có hương vị. Những sản phẩm này được làm nóng ở nhiệt độ thấp hơn thuốc lá đốt cháy nhưng vẫn có những thành phần giống như thuốc lá thông thường bao gồm cả các chất gây ung thư và các chất độc gây bệnh tim mạch và hô hấp.
Bà Tan Yen Lian, Giám đốc thông tin và quản trị trí thức của Liên minh kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) cho biết, các nhà khoa học Nhật Bản gần đây đã phát hiện ra trong khí phát thải và trong thuốc lá điện tử cũng có các thành phần độc hại giống như thuốc lá thông thường. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong khí thải của thuốc lá điện tử có các chất có thể gây ung thư. Thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là chất gây nghiện mạnh và có thể gây bệnh tim mạch và các vấn đề hô hấp.
Bà Tan Yen Lian nhấn mạnh: “Các sản phẩm thuốc lá mới nổi như thuốc lá điện tử, thuốc lá nóng hay shisa hoàn toàn không an toàn và hỗ trợ cai nghiện như các nhà sản xuất tuyên bố, ngược lại đã có các bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm này độc hại, làm người dung vừa nghiện thuốc lẫn nghiện nicotine. Các công ty còn có xu hướng hướng tới nhóm khách hang là thanh niên”.
Báo cáo của CDC cho biết có ít nhất 1.604 người bị tổn thương phổi do có liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử và có đến 39 ca tử vong. Không chỉ ở Mỹ mà ở một số nước khác cũng có các bệnh nhân phải nhập viện do tổn thương phổi hay các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến thuốc lá điện tử.
Theo bà Tan Yen Lian, xu thế hiện nay là các quốc gia nên cấm các sản phẩm thuốc lá mới nổi này để bảo vệ sức khỏe người dân. Hơn 40 quốc gia trên thế giới hiện đã cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nóng.
Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo tất cả các loại thuốc lá đều độc hại, bao gồm cả thuốc lá làm nóng. Theo đó, WHO không khuyến cáo sử dụng thuốc lá điện tử làm phương thuốc cai thuốc, đồng thời khuyến cáo cấm hoặc kiểm soát thuốc lá điện tử.