WHO khuyến cáo các nước thận trọng khi nới lỏng hạn chế

Theo Reuters và TTXVN, ngày 20-4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) T.Ghebreyesus khuyến cáo các nước cần thận trọng khi nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19.

Theo đó, chính phủ các nước cần chú trọng tuyên truyền, tiếp sức cho người dân cùng ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lại bùng phát. WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết đẩy lùi đại dịch.

* Ngày 20-4, Na Uy tuyên bố bắt đầu mở cửa các trường mẫu giáo sau một tháng đóng cửa nhằm khống chế sự lây lan của dịch. Na Uy là một trong số các quốc gia đầu tiên tại châu Âu tuyên bố dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, các sự kiện văn hóa và thể thao tiếp tục bị cấm ít nhất đến ngày 15-6 tới.

* Sau khi ra tuyên bố đã kiểm soát được đại dịch, từ ngày 20-4, Ðức cho phép mở lại các cửa hàng có diện tích không quá 800 m2.

Một số trường học cũng mở cửa trở lại. Các hoạt động tôn giáo tụ tập nhiều người tại Ðức vẫn bị cấm. Các sự kiện lớn sẽ tiếp tục bị cấm tổ chức cho tới ngày 31-8. Từ ngày 20-4, việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng là bắt buộc tại một số bang của Ðức.

* Tây Ban Nha, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 tuyên bố sẽ nới lỏng hạn chế như cho phép trẻ em được ra ngoài dù vẫn quyết định gia hạn lệnh phong tỏa trên cả nước. Thụy Sĩ, Ðan Mạch và Phần Lan đều đã mở cửa trở lại một số cửa hàng và trường học. Trong khi đó, Italy cũng đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế.

* Thủ tướng Pháp E.Philippe nhấn mạnh, Pháp vẫn đang đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ mới bắt đầu. Thủ tướng E.Philippe chưa đề cập đến thời điểm chấm dứt giãn cách xã hội và nhấn mạnh với người dân Pháp rằng cuộc sống sau ngày 11-5 sẽ chưa lập tức trở lại bình thường.

* Phó Giám đốc Cơ quan Y tế của Anh J.Harries cho biết, còn quá sớm để nói rằng Anh đã qua đỉnh dịch, song đã có những dấu hiệu cải thiện. Bộ Y tế Anh thông báo, tính đến ngày 20-4, Anh ghi nhận hơn 120.000 người mắc Covid-19 và 16.500 người chết do dịch.

* Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Ba Lan tuyên bố, nếu số ca mắc Covid-19 mới tại Ba Lan tăng mạnh, chính quyền có thể áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế. Trước đó, Chính phủ Ba Lan bắt đầu nới lỏng một số hạn chế nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường, như các công viên đã mở cửa trở lại trong ngày 20-4.

* Thủ tướng Canada J.Trudeau nhận định, Canada đã có những bước tiến trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng vẫn cẩn trọng khi cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội. Chính phủ đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau đã đạt được một thỏa thuận với đảng Dân chủ mới (NDP) và Khối Quebec về việc sớm mở cửa trở lại các hoạt động của Hạ viện.

* Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand J.Ardern thông báo, New Zealand sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc vào đầu tuần tới khi công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao. Theo đó, sẽ giảm mức phong tỏa toàn quốc từ đêm 27-4 và duy trì trong hai tuần trước khi có quyết định tiếp theo.

* Tính đến ngày 20-4, số ca mắc Covid-19 ở khu vực Mỹ latinh đã vượt quá 100.000 người với gần 5.000 người chết. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dịch bệnh có thể để lại những hậu quả rất tiêu cực đối với Mỹ la-tinh, khiến nền kinh tế khu vực này phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trầm trọng nhất trong gần 70 năm qua.

* Cùng ngày, Chính phủ Mỹ thông báo cho phép các nhà nhập khẩu chịu tác động của đại dịch chậm nộp thuế ba tháng. Tuy nhiên, chính sách này không áp dụng với những nhà nhập khẩu pin năng lượng mặt trời, thép, nhôm và nhiều hàng hóa Trung Quốc đang vướng các tranh chấp thương mại. Hiện Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc và chết vì Covid-19 với hơn 768.000 ca nhiễm và hơn 41 nghìn người chết.

* Giới chức New York tiếp tục kêu gọi Tổng thống Mỹ D.Trump hỗ trợ để bang này tiến hành xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng và mở cửa hoạt động kinh tế. Thống đốc bang New York nhận định, New York đã qua đỉnh dịch nhưng cảnh báo người dân vẫn phải hết sức thận trọng do có tới 1.300 người nhiễm Covid-19 trong một ngày.

* Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ tiếp tục giãn cách xã hội tới ngày 5-5. Biện pháp giữ khoảng cách ở nơi công cộng, khử trùng hằng ngày và đeo khẩu trang sẽ được duy trì. Tuy nhiên, nhà chức trách sẽ dỡ bỏ các mệnh lệnh hành chính đối với nhà thờ, quán rượu, phòng tập thể dục và trường học. Ngày 20-4, hơn 1,46 triệu học sinh lớp 1 và 2 tại Hàn Quốc bắt đầu khai giảng năm học mới trực tuyến.

* Tính đến ngày 20-4, Singapore ghi nhận hơn 8.000 ca mắc Covid-19. Giới chức Singapore thừa nhận số ca nhiễm sẽ còn tăng mạnh trong những ngày tới do đang triển khai xét nghiệm diện rộng. Bắt đầu từ ngày 20-4, 180.000 lao động trong ngành xây dựng sẽ cách ly tại nhà cho tới ngày 4-5.

* Giới chức Philippines cảnh báo, Philippines có nguy cơ mất khoảng 4,5 tỷ USD kiều hối trong năm 2020 từ khoảng 10 triệu người lao động Philippines ở nước ngoài do ảnh hưởng của đại dịch. Ước tính tổng lượng kiều hối mà Philippines có thể nhận được trong năm nay vào khoảng 27 tỷ USD.

* Trong khi đó, tại Bangladesh, bất chấp lệnh phong tỏa toàn quốc, gần 100.000 người đã tham dự buổi cầu nguyện trong đám tang một giáo sĩ Hồi giáo, gây lo ngại dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh tại quốc gia có 168 triệu dân này. Theo nguồn tin cảnh sát, nhiều người đến từ thủ đô Dhaka và chính quyền đã không thể ngăn cản do có quá nhiều người tụ tập.

* Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ F.Koca cho biết, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã lên đến 86.306 trường hợp. Tính đến nay Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất ngoài châu Âu và Mỹ.

* Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc đưa ra một tuyên bố thể hiện sự ủng hộ đối với WHO trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường đoàn kết trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh - kẻ thù chung của thế giới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44165202-who-khuyen-cao-cac-nuoc-than-trong-khi-noi-long-han-che.html