WHO: Nới lỏng hạn chế không có nghĩa là Covid-19 đang đi vào hồi kết

Tới 6 giờ sáng 21-4, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là 2.475.171 ca, trong đó có 169.970 ca tử vong. Dịch bệnh đã lan rộng ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số bệnh nhân phục hồi là 645.182 ca.

Việc một số biện pháp hạn chế được nới lỏng không có nghĩa là người dân có thể chủ quan trước diễn biến của Covid-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo việc một số nước nới lỏng các hạn chế xã hội để phòng dịch không có nghĩa là Covid-19 đang đi vào hồi kết. Tổ chức này cảnh báo việc phong tỏa có thể giúp giảm căng thẳng dịch bệnh, nhưng một mình biện pháp này không thể “kết liễu” SARS-CoV-2. Trong bối cảnh đó, WHO nhấn mạnh chính phủ các nước cần “phát hiện, xét nghiệm, cách ly, chăm sóc mọi trường hợp và theo dõi mọi tiếp xúc”.

Cũng trong phát biểu của mình, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, WHO không giấu giếm bất cứ thông tin gì và mong muốn mọi quốc gia đều nhận được cùng một thông điệp giống nhau ngay lập tức.

Châu Mỹ

Mỹ hiện vẫn là tâm dịch của thế giới với 789.360 ca nhiễm (tăng tới 24.724 ca so với ngày trước đó). Trong số này, 42.301 người đã tử vong. Washington khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, với mục tiêu đạt 1 xét nghiệm/100 người dân – tức tương đương Hàn Quốc. Tuy nhiên mức này vẫn khá khiêm tốn so với một số nước, như Đức với 1 xét nghiệm/ 63 người dân.

Tình hình phức tạp khiến không chỉ Mỹ mà cả hai quốc gia láng giềng của nước này là Mexico và Canada đều quyết định gia hạn các hoạt động hạn chế đi lại không cần thiết qua biên giới chung thêm 30 ngày.

Brazil đang là quốc gia có nhiều ca mắc Covid-19 nhất tại khu vực Mỹ Latinh, với số ca nhiễm hiện nay là 40.581 ca, trong đó có 2.575 ca tử vong. Trong khi đó, các quan chức y tế Cuba dự báo đỉnh dịch của nước này sẽ rơi vào nửa đầu tháng 5. La Habana đề ra mục tiêu không để con số bệnh nhân và số ca tử vong tăng đột biến từ nay cho tới thời điểm đó. Để đạt mục tiêu này, Cuba đang đẩy mạnh việc nhập khẩu các bộ xét nghiệm sinh học phân tử (Real time PCR) và các bộ xét nghiệm nhanh cho phép chẩn đoán bệnh ở những đối tượng khác nhau; đồng thời nhấn mạnh lệnh cấm vận của Washington vẫn gây trở ngại cho các hoạt động phục vụ y tế.

Châu Âu

Tình hình dịch Covid-19 tại châu Âu có những diễn biến khả quan, khi số người tử vong mỗi ngày đang giảm dần. Tây Ban Nha chỉ ghi nhận thêm 399 ca tử vong, trong khi con số này tại Italia và Bỉ lần lượt là 433 ca và 232 ca - mức thấp nhất của một ngày trong gần 1 tháng qua. Bộ Y tế Bỉ mới đây khẳng định cuộc khủng hoảng dịch bệnh của nước này đã qua giai đoạn "đỉnh điểm". Hiện tại, Tây Ban Nha vẫn là nước có số người nhiễm cao nhất ở Lục địa già, chỉ đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ, với 200.210 ca nhiễm và 20.852 ca tử vong.

Đức đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế nhằm dần đưa cuộc sống trở lại bình thường. Berlin cũng tuyên bố sẽ chi trả toàn bộ chi phí điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 đến từ các nước láng giềng trong Liên minh châu Âu (EU) như một cử chỉ thiện chí.

Đan Mạch đã cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại, trong khi Na Uy bắt đầu nối lại hoạt động của các trường mẫu giáo. Về phần mình, Anh tuyên bố việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội tại nước này sẽ chỉ được thực hiện khi đảm bảo chắc chắn rằng điều này sẽ không dẫn tới đợt bùng phát đại dịch Covid-19 thứ hai.

Châu Á

Indonesia kéo dài thời gian làm việc tại nhà đối với công chức nhà nước đến ngày 13-5 để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nước này ghi nhận thêm 185 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 6.760 người.

Malaysia đã ghi nhận thêm 36 ca nhiễm trong 24 giờ qua, là mức tăng thấp nhất trong ngày kể từ khi chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hoạt động đi lại và thương mại. Nước này hiện ghi nhận tổng cộng 5.425 ca nhiễm.

Thái Lan đã ghi nhận thêm 27 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.792 người. Đa số các ca nhiễm mới tập trung ở thủ đô Bangkok và đây cũng là địa phương có nhiều ca mắc Covid-19 nhất nước với 1.440 bệnh nhân.

Ấn Độ là nước hiếm hoi tại châu Á đã nới lỏng một số hạn chế về hoạt động kinh tế được áp đặt như một phần của lệnh phong tỏa toàn quốc. Cùng với nước này, Sri Lanka cũng đã nới lỏng lệnh giới nghiêm được thực hiện tại một số khu vực của đất nước, trong khi thủ đô Colombo và 3 vùng khác là những khu vực "nguy cơ cao" tiếp tục duy trì lệnh giới nghiêm.

Châu Phi

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo nước này sẽ tăng điều khoản phúc lợi nhằm hỗ trợ các hộ gia đình nghèo bị ảnh hưởng do lệnh phong tỏa toàn quốc. Hiện nước này ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất tại châu Phi, với 3.300 ca (tăng 142 ca), trong đó có 54 ca đã tử vong.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/965189/who-noi-long-han-che-khong-co-nghia-la-covid-19-dang-di-vao-hoi-ket