WHO phê duyệt vắc xin AstraZeneca để sử dụng khẩn cấp

Tổ chức Y tế thế giới vừa phê duyệt vắc xin COVID-19 do Đại học Oxford và nhà sản xuất thuốc AstraZeneca phát triển để sử dụng khẩn cấp, vài ngày sau khi một nhóm chuyên gia khuyến nghị sử dụng sản phẩm ở những nơi có các biến thể của virus Corona.

Bài liên quan

Nhật Bản phê duyệt vắc xin COVID-19 của Pfizer

Lô vắc xin Covid-19 đầu tiên đã đến Nhật Bản

Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được cấp phép sử dụng ở Việt Nam hiệu quả ra sao?

Một tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Hai cho biết họ đã chấp thuận loại thuốc tiêm tương đối rẻ tiền do AstraZeneca-SKBio (Hàn Quốc) và Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất.

“Hiện chúng tôi đã có sẵn tất cả các yếu tố để phân phối vắc xin nhanh chóng. Nhưng chúng tôi vẫn cần mở rộng quy mô sản xuất”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14/2.

Ông nói: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nhà phát triển vắc xin COVID-19 nộp hồ sơ cho WHO để xem xét cùng lúc với các cơ quan quản lý ở các quốc gia có thu nhập cao”.

Danh sách của WHO được đưa ra vài ngày sau khi Nhóm Cố vấn Chiến lược về Tiêm chủng đưa ra các khuyến nghị tạm thời về vắc xin tư vấn rằng, vắc xin hai liều với khoảng cách từ 8 đến 12 tuần nên được tiêm cho tất cả người lớn và có thể được sử dụng ở tất cả các quốc gia, bao gồm cả những quốc gia có biến thể mới của virus Corona lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi.

Tuần trước, Nam Phi đã tạm dừng một phần việc triển khai vắc xin AstraZeneca sau khi dữ liệu từ một thử nghiệm nhỏ cho thấy loại vắc xin này không bảo vệ khỏi bệnh nhẹ đến trung bình từ biến thể 501Y.V2.

Tuy nhiên, đánh giá của WHO cho thấy vắc xin AstraZeneca đáp ứng các tiêu chí “bắt buộc phải có” về độ an toàn và lợi ích về hiệu quả vượt trội so với rủi ro.

Vắc xin của Oxford-AstraZeneca đã được ca ngợi vì có giá rẻ hơn và có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường. Điều này giúp cho việc phân phối dễ dàng hơn so với một số đối thủ, bao gồm cả loại được phát triển bởi Pfizer và BioNTech, được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp vào cuối tháng 12.

Vắc xin của AstraZeneca giúp WHO có thêm lựa chọn trong việc triển khai sáng kiến chia sẻ vắc xin virus Corona trên toàn cầu có tên gọi COVAX.

COVAX là một dự án được xây dựng để cung cấp khả năng tiếp cận công bằng với vắc xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Hơn 330 triệu liều tiêm chủng sẽ bắt đầu được triển khai cho các nước nghèo hơn từ cuối tháng Hai.

“Các quốc gia hiện không có khả năng tiếp cận với bất kỳ loại vắc xin nào có thể bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế và các nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất của họ”, Challands, một thành viên của dự án COVAX cho biết.

“Nỗi sợ hãi với toàn bộ đại dịch COVID-19 là các quốc gia giàu nhất sẽ mua tất cả các loại vắc xin và sẽ không có đủ để cung cấp cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”.

Tính đến ngày 14/2, thế giới đã ghi nhận 109 triệu trường hợp nhiễm virus corona và hơn 2,5 triệu ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất với hơn 28 triệu ca nhiễm và gần 500.000 ca tử vong.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/who-phe-duyet-vac-xin-astrazeneca-de-su-dung-khan-cap-post119168.html