WHO: Thông tin sai lệch khiến đại dịch COVID-19 kéo dài
Ngày 25/8, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tình trạng lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 và vaccine phòng bệnh thời gian qua diễn ra nghiêm trọng hơn và khiến cho người dân trở nên do dự với quyết định đi tiêm phòng, làm tăng số ca mắc mới.
Ngày 25/8, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tình trạng lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 và vaccine phòng bệnh thời gian qua diễn ra nghiêm trọng hơn và khiến cho người dân trở nên do dự với quyết định đi tiêm phòng, làm tăng số ca mắc mới.
Phát biểu tại phiên hỏi đáp trực tuyến của WHO, trưởng ban chỉ đạo kỹ thuật của WHO Maria Van Kerkhove khẳng định trong khoảng 4 tuần qua, lượng thông tin sai lệch dường như gia tăng đáng kể và gây hoang mang cho công chúng. Theo bà, thông tin sai lệch chính là một yếu tố nguy cơ giúp virus tiếp tục lây lan và gây hại.
Trong khi đó, giới chức y tế cộng đồng đều cho rằng chính những thông tin sai lệch đã làm gia tăng tâm lý hoài nghi về vaccine trên toàn thế giới. Hồi tháng 7, Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy cũng gọi việc đưa tin sai sự thật về dịch COVID-19 là một hiểm họa cộng đồng nghiêm trọng. Theo Quỹ gia đình Kaiser, hầu hết những người Mỹ chưa tiêm phòng đều nghĩ rằng việc tiêm vaccine COVID-19 còn gây nguy cơ đe dọa tính mạng cao hơn chính việc bị mắc căn bệnh này.
Các quan chức y tế Mỹ đều cho rằng thông tin sai lệch thời gian qua đã trở thành một vấn đề ngày càng lớn trong đại dịch, làm gia tăng tâm lý do dự đi tiêm phòng trong dân chúng. Họ hy vọng việc cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ cho vaccine của Pfizer sẽ góp phần xua tan tâm lý lo lắng của người dân, khuyến khích mọi người đi tiêm. Theo Quỹ gia đình Kaiser, khoảng 30% người dân Mỹ chưa được tiêm khẳng định sẽ đi tiêm khi có vaccine được cấp phép đầy đủ.
Theo Tiến sĩ Peter Marks, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đánh giá sinh học của FDA, những thông tin sai lệch về vaccine là một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng. Những thuyết âm mưu về vaccine hay các thông tin đồn thổi về nguy cơ của vaccine đã xuất hiện rất nhiều và được lan truyền dù đều là những thông tin sai sự thực.
Không chỉ thông tin về vaccine, thông tin về thuốc điều trị COVID-19 cũng không ít tin sai lệch. Cuối tuần qua FDA và Cơ quan Y tế bang Mississippi đã phải đưa ra những khuyến cáo với người dân không làm theo những lời đồn về việc sử dụng thuốc Invermectin để điều trị COVID-19. Giám đốc chi nhánh WHO ở Mỹ Latinh, Tổ chức Y tế liên Mỹ, đã đưa kêu gọi người dân các nước Carribe "tỉnh táo”, tránh mù quáng hành động theo những thông tin sai lệch dẫn đến quyết định không đi tiêm phòng.
Thông tin sai lệch len lỏi cả vào các cuộc họp của ban phụ huynh và ban giám hiệu các nhà trường tại Mỹ khi năm học mới sắp đến, cản trở kế hoạch ban hành yêu cầu bắt buộc đeo khẩu tranh hoặc tiêm phòng cho trẻ em và các nhân viên trường học. Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn dịch bệnh hàng đầu tại Mỹ, việc tiêm phòng có thể giúp kiểm soát dịch bệnh ở Mỹ vào mùa Xuân tới. Ông đã kêu gọi người dân Mỹ chưa được tiêm phòng hãy nắm lấy cơ hội để chính mình có thể góp phần rút ngắn thời gian đẩy lùi đại dịch bằng cách đi tiêm phòng.