Xã Ân Nghĩa huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Chúng tôi về thăm xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) vào thời điểm bà con hân hoan đón Tết Độc lập. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng của vùng đất chiến khu xưa, cán bộ và nhân dân trong xã luôn đoàn kết; cấp ủy, chính quyền đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Chúng tôi về thăm xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) vào thời điểm bà con hân hoan đón Tết Độc lập. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng của vùng đất chiến khu xưa, cán bộ và nhân dân trong xã luôn đoàn kết; cấp ủy, chính quyền đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Khai thác lợi thế đường 12B, nhiều hộ ở xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) đã đầu tư kinh doanh dịch vụ để phát triển kinh tế gia đình.

Khai thác lợi thế đường 12B, nhiều hộ ở xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) đã đầu tư kinh doanh dịch vụ để phát triển kinh tế gia đình.

Đồng chí Bùi Văn Lích, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa cho biết: Trên địa bàn xã triển khai, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với sự huy động từ các chương trình, dự án và sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân đã phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Toàn xã có 2.003 hộ với trên 9.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mường, sinh sống ở 18 xóm, phố, trong đó có 2 xóm Bái, Chẹ thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, xã tranh thủ các nguồn lực đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất. Năm 2018, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nay phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xã tập trung chỉ đạo người dân thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã chuyển đổi một số diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng mía tím, bí xanh, dưa hấu. Diện tích trồng cây có múi đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao với tổng diện tích 87,5 ha; xây dựng được mô hình sản xuất rượu cần Mường Khói sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Trên địa bàn xuất hiện các mô hình phát triển sản xuất tiêu biểu như xóm Búm, Đội 5 đã cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả có múi. Đến nay, toàn xã có trên 47 ha vườn tạp được cải tạo, chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Về chăn nuôi, xã duy trì và phát triển trên 4.700 con trâu, bò, gần 29.000 con gia cầm các loại.

Năm 2023, từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ 4,5 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 3 tỷ đồng xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung, téc nước cho 2 xóm Bái, Chẹ; xây dựng công trình nhà văn hóa xóm Chẹ, tổng kinh phí 900 triệu đồng và một số nội dung hỗ trợ thiết thực khác. Năm 2024, theo kế hoạch, chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ hỗ trợ 950 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò sinh sản cho 34 hộ và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo thuộc 2 xóm. Đồng chí Bùi Thị Thương, công chức LĐ-TB&XH xã Ân Nghĩa cho biết: Xã đang thực hiện các bước để triển khai hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ, dự kiến sẽ bàn giao trong tháng 10.

Cùng với đó, phát huy lợi thế là xã trung tâm vùng Đại Đồng, có quốc lộ 12B chạy qua là điều kiện thuận lợi để Ân Nghĩa phát triển KT-XH. Xã được quy hoạch trở thành thị trấn Mường Khói - đô thị loại V giai đoạn 2025 - 2035. Được xác định là vùng động lực của huyện, xã đang là điểm đến thu hút các nhà đầu tư. Một số doanh nghiệp đã đầu tư và đi vào hoạt động trên địa bàn như Công ty TNHH Thiên Diệu, Nhà máy sản xuất viên gỗ nén và các sản phẩm khác từ gỗ... đã tuyển dụng, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương, tạo cơ hội cho người lao động đi làm ăn xa trở về làm việc gần gia đình. Các hộ dân cũng khai thác tốt lợi thế dọc quốc lộ 12 và đường Hồ Chí Minh để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ. Chợ Phố Re có vị trí thuận lợi, là nơi buôn bán, giao thương hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân trong xã và các xã vùng Đại Đồng...

Nhờ huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển đã tác động đến công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương. Theo rà soát, đầu năm 2024, xã Ân Nghĩa còn 179 hộ nghèo, chiếm 8,95%; 100 hộ cận nghèo, chiếm 5%. Xã phấn đấu thu nhập bình quân năm 2024 tăng lên 58 triệu đồng/người.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/314/193773/xa-an-nghia-huy-dong-nguon-luc-thuc-hien-muc-tieu-giam-ngheo-ben-vung.htm