Xã Bản Lầu thực hiện mục tiêu kép

Dịch Covid-19 kéo dài khiến cho việc xuất khẩu hai mặt hàng Chuối và dứa của xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, do hạn chế giao thương biên mậu. Chính quyền địa phương đã phối hợp với Đồn biên phòng thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch trên tuyến biên giới, vừa nỗ lực vượt khó để tìm hướng tiêu thụ hàng chục nghìn tấn nông sản cho bà con.

Đồng bào dân tộc H’Mông ở xã biên giới Bản Lầu thu hoạch dứa.

Đồng bào dân tộc H’Mông ở xã biên giới Bản Lầu thu hoạch dứa.

Dịch Covid-19 kéo dài khiến cho việc xuất khẩu hai mặt hàng Chuối và dứa của xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, do hạn chế giao thương biên mậu. Chính quyền địa phương đã phối hợp với Đồn biên phòng thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch trên tuyến biên giới, vừa nỗ lực vượt khó để tìm hướng tiêu thụ hàng chục nghìn tấn nông sản cho bà con.

Căng mình chống dịch tại vùng biên

Xã Bản Lầu có gần 20 km đường biên giới, với bảy thôn giáp biên là Ðồi Gianh, Bãi Chuối, Pạc Bo, Na Lốc 1, Na Lốc 2, Na Lốc 3 và Cốc Phương; chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống. Do đường biên giới “liền đất, liền suối”, chỉ cách một con suối nhỏ, mùa nước cạn có thể lội qua dễ dàng cho nên nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 rất cao, nếu không quản lý tốt các lối mòn, lối mở, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của cư dân hai bên. Chủ tịch UBND xã Bản Lầu Hoàng Văn Kiên cho biết, xã đã thành lập đội phòng, chống dịch Covid-19, thường xuyên tuyên truyền về tác hại và cách phòng, chống dịch; vận động đồng bào không qua lại lối mòn, lối mở biên giới, hạn chế tụ tập đông người, thực hiện đeo khẩu trang khi tiếp xúc đông người và vệ sinh nhà cửa, môi trường sạch sẽ. Bên cạnh đó, cử lực lượng dân quân phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra, chốt chặn tại bốn điểm biên giới. Theo Trung tá Dương Trọng Nghĩa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Lầu, đơn vị đã tăng cường quân số, kết hợp với dân quân địa phương, lập các tổ công tác “cắm chốt” tại các lối mòn, lối mở, nơi có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 cao trên phạm vi đường biên giới đơn vị được giao quản lý, đó là các điểm mốc 107, mốc 109, mốc 112. Tại đây, các chiến sĩ biên phòng hạ trại dã chiến, túc trực cả ngày, lẫn đêm 24/24 giờ, thường xuyên tuần tra, kiểm soát để phòng, chống dịch. Nhờ vậy, tuy là địa bàn giáp biên, nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhưng đến nay xã Bản Lầu không có người bị nghi lây nhiễm, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân địa phương và cộng đồng.

Tìm hướng tiêu thụ cho chuối và dứa

Bảy thôn giáp biên giới được coi là “thủ phủ” chuối và dứa xuất khẩu của xã Bản Lầu. 100% số hộ dân ở đây trồng chuối, dứa, với hàng nghìn héc-ta, hằng năm xuất ra thị trường hàng chục nghìn tấn chuối và dứa, trong đó hơn 80% là xuất khẩu sang Trung Quốc. Riêng dứa là hơn 700 ha, với tổng sản lượng khoảng 16 nghìn tấn, hằng năm đem lại nguồn thu hơn 56 tỷ đồng cho người dân địa phương. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Kiên cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịp trước và sau Tết Nguyên đán, việc tiêu thụ chuối, dứa bị đình đốn, chậm lại, khiến nhiều hộ gia đình lao đao. Chuối, dứa đến kỳ thu hoạch mà không có người mua dẫn đến thối, hỏng”. Theo thống kê sơ bộ của xã Bản Lầu, bà con vùng trồng chuối và dứa ở các thôn giáp biên bị thiệt hại hàng tỷ đồng, do sản phẩm bị ùn ứ, giá xuống thấp. Để giúp bà con ổn định sản xuất và đời sống, chính quyền xã và Đồn biên phòng Bản Lầu tích cực tìm hướng tiêu thụ chuối, dứa ở địa phương. Theo đó, Đồn Biên phòng giúp bà con linh hoạt các điểm thu hoạch và giao nhận nông sản, tạo thuận lợi cho ô-tô tải vào các điểm bốc xếp trên biên giới theo quy định. Chính quyền xã Bản Lầu giới thiệu các doanh nghiệp, công ty chế biến nông sản từ các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng, tư thương chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) đến ký kết hợp đồng thu mua dứa quả tươi cho bà con nông dân.

Có mặt ở thôn Đồi Gianh, chúng tôi chứng kiến quang cảnh đồng bào dân tộc H’Mông thu hoạch dứa chính vụ thật nhộn nhịp. Phụ nữ và người trung tuổi thì lên nương bẻ quả dứa, cắt bỏ lá ngọn theo kích cỡ, rồi xếp đầy các lù-cở (cái địu trên lưng đan bằng tre), còn thanh niên thì “cõng” lù-cở trên lưng, vận chuyển bằng xe máy trên những con đường bê-tông xuống điểm tập kết để cân hàng, bốc đổ lên xe ô-tô cho thương lái. Vụ dứa năm nay, anh Sùng Seo Chư, dân tộc H’Mông, trồng 30 nghìn gốc dứa, dự tính thu hoạch hơn 130 tấn quả, bán với giá 3.800 đồng/kg, thu về khoảng hơn 500 triệu đồng, trừ hết chí phí cũng còn được hơn 200 triệu đồng. “Năm ngoái, nhà mình cũng trồng như thế, nhưng thương lái bên Trung Quốc mua giá thấp hơn, chỉ thu về được hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí còn được lãi hơn 40 triệu đồng thôi. Năm nay, mình bán dứa cho thương lái trong nước, được giá cao hơn, cho nên vui lắm”, anh Chư chia sẻ. Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Kiên, từ đầu vụ đến nay, thương lái từ các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Dương đến Bản Lầu mua dứa nhiều hơn, với sản lượng lớn, nhờ vậy bà con bán được giá ổn định. Tính từ Tết Nguyên đán đến nay, đồng bào dân tộc H’Mông, Dao, Giáy ở bảy thôn biên giới của xã Bản Lầu đã bán được khoảng tám nghìn tấn dứa quả, thu về hơn 30 tỷ đồng. Việc tiêu thụ dứa ở đây vẫn đang diễn ra suôn sẻ, dự tính đến hết tháng 5 thì kết thúc một vụ dứa thuận lợi.

Riêng đối với chuối quả, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hai bên Việt Nam và Trung Quốc siết chặt lối mòn, lối mở, hạn chế xuất khẩu nông sản theo diện biên mậu, tiểu ngạch, chính vì vậy, chính quyền xã Bản Lầu vận động bà con tăng xuất khẩu chính ngạch. Các doanh nghiệp xuất khẩu liên kết với nông dân từ khâu thu hoạch cắt buồng đến xẻ nải chuối, đóng thùng, dán nhãn xuất xứ để đưa lên xe ô-tô xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu đường bộ Kim Thành. Xuất khẩu chính ngạch tuy khó làm hơn, do đòi hỏi cao hơn nhưng giá cả và việc tiêu thụ bảo đảm ổn định, số lượng lớn, giúp bà con tháo gỡ khó khăn để “bán dóc” chuối, ổn định sản xuất.

Thời điểm này, dứa đang vào vụ thu hoạch chính với sản lượng hàng chục nghìn tấn, còn sản lượng chuối ít hơn do không chính vụ, chính quyền địa phương và bà con nông dân xã Bản Lầu vừa thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, vừa tích cực đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, bảo đảm sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân vùng biên giới.

Bài và ảnh: QUỐC HỒNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/43478502-xa-ban-lau-thuc-hien-muc-tieu-kep.html