Xã Đồng Tâm giảm nghèo bền vững

Đầu tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại xã Đồng Tâm (Lạc Thủy). Bộ mặt nông thôn nơi đây thay đổi rõ nét. Khai thác tiềm năng, lợi thế, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã lãnh đạo nhân dân tích cực lao động sản xuất, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Mô hình chăn nuôi gà Lạc Thủy của gia đình anh Lê Văn Đồng, thôn Đồng Nội, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đem lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho 3 - 5 lao động trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi gà Lạc Thủy của gia đình anh Lê Văn Đồng, thôn Đồng Nội, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đem lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho 3 - 5 lao động trên địa bàn.

Anh Lê Văn Đồng, thôn Đồng Nội, chủ mô hình nuôi gà Lạc Thủy cho biết: Từ cuối năm 2020, gia đình chăn nuôi theo mô hình hộ gia đình cá thể. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để chăn nuôi gà Lạc Thủy và trồng cây ăn quả, gia đình đã đi học hỏi kinh nghiệm và đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, có dàn phun chế phẩm sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường. Mới đầu, gia đình nuôi 3 vạn gà Lạc Thủy với tổng sản lượng trên 50 tấn, thu về hơn 4,5 tỷ đồng; giá bán từ 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về 300 triệu đồng. Từ năm 2021 - 2022, gia đình tăng tổng đàn lên 4 vạn con, bán ra gần 70 tấn gà, thu hơn 6 tỷ đồng, trừ các chi phí đã thu về 400 - 500 triệu đồng. Từ chăn nuôi có lãi, gia đình trích 1 phần đầu tư trồng cây ăn quả, vừa tạo bóng mát cho đàn vật nuôi vừa tăng thu nhập. Mô hình tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động, thu nhập bình quân từ 7,5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Năm nay, gia đình kết hợp với 4 hộ chăn nuôi thành lập HTX nông sản, xây dựng chuỗi chuồng trại và đăng ký con dấu, hợp đồng với các siêu thị, công ty để mở rộng thị trường, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ cùng chăn nuôi có điều kiện phát triển.

Đồng chí Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: Không chỉ gia đình anh Lê Văn Đồng mà nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao thu nhập. UBND xã chỉ đạo phát triển sản xuất với tổng diện tích gieo trồng 1.000 ha. Bà con tập trung chăm sóc lúa, hoa màu và các loại cây ăn quả sinh trưởng, phát triển ổn định. Triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Xã duy trì tổng đàn trâu, bò trên 1.200 con; gia cầm 122.000 con; lợn 10.500 con và đàn dê trên 1.600 con. Nổi bật là xã có mô hình trồng na, nuôi dê, trồng cam hiệu quả, tạo được phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Trong đó, na Đồng Bong đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tổng diện tích na của xã đạt 55 ha, có giá bán cao, thị trường ổn định. Cây na đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ngay sau khi về đích vào cuối năm 2015, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Tâm bắt tay triển khai xây dựng NTM nâng cao. Xã chủ động đề ra các chủ trương, phương hướng chỉ đạo, tận dụng các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn. Trong đó, tiếp tục xây dựng các tiêu chí khó thực hiện như nâng cao thu nhập, tổ chức lại sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huy động nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Cơ cấu kinh tế của xã đang chuyển đổi theo hướng tích cực. Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 20%; tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 29%; dịch vụ, du lịch và thu nhập khác 51%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 65 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,92%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Toàn xã có 1.645 hộ, 10/10 thôn đạt danh hiệu văn hóa...

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/314/180965/xa-dong-tam-giam-ngheo-ben-vung.htm