Xã Hội | Giáo dục TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Mỗi buổi tối, hình ảnh từng tốp người già, người trẻ ở các bản từ vùng thấp đến vùng cao biên giới cầm theo đèn pin rảo bước đến nhà văn hóa, điểm trường để tham gia lớp xóa mù chữ (XMC) tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp. Tiếng 'ê a' đánh vần học bài tưởng như của con trẻ nhưng thật ra họ có độ tuổi nhiều gấp 2 đến 3 lần giáo viên đứng lớp. Ai cũng mong được biết chữ, biết đọc để sau này tiếp thu những kiến thức, truyền dạy văn hóa của dân tộc, vận dụng làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những lớp học như thời bình dân học vụ

Ngược vùng núi xã Tà Mung, huyện Than Uyên, chúng tôi lên thăm các lớp học buổi tối của đồng bào người Thái, người Mông ở bản Lun, Tu San, Đán Tọ, Nậm Mở của thầy Vì Văn Phúc, Thào A Rủa giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tà Mung. Lớp học tiếng phổ thông đặc biệt với sự tham gia của người lớn cũng ngót gần 60 tuổi, nhỏ 20 tuổi. Điểm chung của tất cả học viên tại lớp xóa mù chữ đều là những lao động chính trong gia đình, ban ngày họ phải tham gia lao động sản xuất, khi tối muộn về cùng nhau tranh thủ đến lớp để học chữ. Đồng bào vùng cao nơi đây được giáo viên dạy cách ghép chữ, đánh vần, ghép âm và đọc thành tiếng Việt. Giáo viên sử dụng song song ngôn ngữ là tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số; dùng cách ghép âm đánh vần đơn giản để bà con dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ. Ngoài ra, các học sinh lớn tuổi cũng được dạy cách cầm bút, viết chữ và viết những từ đơn giản nhất như: viết họ tên mình.

Ngày nào cũng vậy, dù trời lạnh hay sương mù, cụ bà Sùng Thị Chư, dân tộc Mông, bản Tu San, xã Tà Mung cũng tham gia lớp XMC. Bà Chư tâm sự: “Cả đời ở cái tuổi gần 60 rồi mới biết cầm quyển sách để đọc, biết viết tên mình. Giáo viên dạy tận tâm lắm, chỉ bảo từng tí một, rồi lại cầm tay uốn nắn từng nét chữ. Từ nào khó hiểu, âm nào phát ra chưa đúng thì giáo viên dùng tiếng dân tộc Mông để giải thích cho dễ hiểu. Sau khi tham gia lớp học XMC giờ đã đọc thông viết thạo, vui cái bụng lắm”.

Lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Mông bản Tu San, xã Tà Mung (huyện Than Uyên).

Lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Mông bản Tu San, xã Tà Mung (huyện Than Uyên).

Là người đứng nhiều lớp XMC ở vùng cao nơi đây và hiểu rõ văn hóa đồng bào dân tộc Mông, thầy giáo Thào A Rủa cho hay: Đa số học viên tôi dạy đều là người đã lớn tuổi mới được tiếp cận tiếng phổ thông nên khi truyền đạt rất khó khăn trong phát âm, cách viết. Với phần viết chữ, viết số, người trẻ tuổi dễ tiếp thu hơn nhưng với các ông, các bà lớn tuổi, tôi phải chỉ cách cầm bút, cầm tay dạy viết từng nét, từng chữ. Sau khi bà con biết đọc, biết viết chữ rồi, chúng tôi dạy môn toán, tiếng Việt, tự nhiên, xã hội từ lớp 1 đến lớp 3. Còn nhớ, ngày mới đi học, hầu hết ai cũng nhút nhát, không dám phát biểu, tay ai cũng cứng đơ tưởng không viết được. Nhưng sau vài buổi học nhờ tinh thần ham học hỏi, cần cù, chịu khó các học viên đã tự tin, mạnh dạn, xung phong lên bảng. Nhiều người đã biết đọc sách, viết tên mình và người thân trong gia đình.

Chia tay bà con vùng cao nơi đây, chúng tôi xuôi về Nậm Cuổi xã thuộc vùng thấp huyện Sìn Hồ để tận mắt chứng kiến các thầy cô giáo nơi đây đang truyền dạy con chữ cho đồng bào. Mới tờ mờ tối, ánh đèn pin, đèn flash điện thoại, tiếng nói chuyện râm ran của những người đi học khiến cả khoảng không gian tĩnh lặng bỗng trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn. Lớp học có 22 học viên có độ tuổi từ 30 đến 60, họ là những lao động chất phác trong gia đình. Ban ngày những bàn tay chai sần dùng để trồng trọt, chăn nuôi thì tối đến lại cầm bút nắn nót từng con chữ. Một số người dân từ lâu luôn khao khát được biết viết, biết đọc tiếng phổ thông để tìm hiểu tài liệu qua sách báo, internet vận dụng cách làm ăn phát triển kinh tế. Một số khác thì muốn tự mình viết ra những câu chuyện, lời thơ, phong tục, bài hát, bài khấn… để gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.

Như lời bộc bạch, tâm sự của ông Lò Văn Yên, 55 tuổi, bản Nậm Coóng, xã Nậm Cuổi (huyện Sìn Hồ): Ngày còn nhỏ do nhà nghèo nên phải đi làm thuê, lớn lên xây dựng gia đình rồi cũng không theo học. Biết có lớp XMC mở, tôi đăng ký học. Lúc đầu rất khó khăn nhưng rồi thành quen và đến khi biết đánh vần, biết viết thì vui, phấn khởi lắm, nhất là đọc được tin nhắn, biết đặt tên người thân trong danh bạ điện thoại. Giờ có thể đọc báo, xem bản tin trên tivi dạy cách trồng trọt, chăn nuôi để từ đó áp dụng vào làm.

Vùng cao biên giới huyện Phong Thổ những ngày này trời đang se lạnh, nhưng không vì thế làm nản lòng những bước chân và sự ham học của người dân nơi đây. Để đến được với lớp XMC, chống tái mù chữ tại điểm trường Phố Vây, xã Sì Lờ Lầu của Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 (Đội 1) thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, chúng tôi phải vượt gần một giờ đồng hồ qua những cung đường uốn lượn, dốc đứng. Trong khoảng không gian tĩnh lặng của đêm tối, tiếng bà con đồng thanh đang phát âm đọc, đánh vần “o, ô, a” làm vang vọng cả dải núi rừng biên cương.

Bên trong lớp học, học viên có đủ lứa tuổi, người trẻ tuổi có, người già, thanh niên hay bà mẹ địu con trên lưng cũng đang say sưa đọc theo hiệu lệnh của giáo viên. Thầy giáo nơi đây không ai khác chính là những người lính cụ Hồ đang hướng dẫn, cầm tay, nắn nót từng viên phấn, luyện đọc, đánh vần từng con chữ. Được biết, lớp học có khoảng 30 học viên dân tộc Dao của 2 bản: Thà Giàng và Phố Vây (xã Sì Lở Lầu). Bao năm qua, bà con nơi đây không thạo tiếng phổ thông, không biết chữ, mọi xác nhận thủ tục hành chính chỉ dùng ngón tay điểm chỉ.

Chị Tẩn Lở Mẩy Su (bản Phố Vây, xã Sì Lờ Lầu) chia sẻ: “Năm nay tôi 49 tuổi rồi nhưng không biết chữ. Khi biết bộ đội mở lớp XMC, tôi đăng ký tham gia học. Tôi thấy đi học vui lắm, giờ biết đọc, biết chữ để giao tiếp, hiểu được các chính sách pháp luật, tích cực chăn nuôi, trồng trọt để cuộc sống đỡ khổ”.

Chung tay xóa mù chữ

Không chỉ hiểu biết các chính sách pháp luật, người dân sau khi được XMC đã biết đọc, biết viết nên tìm đọc các cuốn sách, tài liệu, hay xem qua điện thoại kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc lúa, chè, chanh leo, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm để áp dụng vào thực tiễn. Nói như anh Sùng Chờ Dê (bản Đán Tọ, xã Tà Mung, huyện Than Uyên): Nhờ có lớp XMC, tôi đã thạo tiếng phổ thông, dễ dàng hơn trong việc học chữ và phát âm tiếng Việt; được biết nhiều cách làm ăn phát triển kinh tế từ sách báo; biết sử dụng liều lượng thuốc, tỷ lệ phân bón cho trồng trọt và đọc hướng dẫn phòng bệnh cho chăn nuôi. Biết viết, biết đọc hữu ích cho cuộc sống lắm; tôi sẽ vận động bà con chưa biết chữ để đi học.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, hiện tỷ lệ XMC toàn tỉnh trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi là 255.962/283.185 người đạt 90,4%. Có được thành quả này chính là nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng vũ trang trong việc chung tay xóa nạn mù chữ. Tỉnh cũng xác định công tác XMC cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, bền bỉ, do đó, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, địa phương, ngành Giáo dục tích cực phối hợp để mang “cái chữ”, tri thức đến với bà con. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con tham gia các lớp xóa mù chứ, tái mù chữ từng bước nâng cao trình độ dân trí.

Đồng bào người Dao ở bản Thà Giàng, Phố Vây (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) tham gia lớp học xóa mù chữ do Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 (thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356) tổ chức.

Đồng bào người Dao ở bản Thà Giàng, Phố Vây (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) tham gia lớp học xóa mù chữ do Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 (thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356) tổ chức.

Trao đổi với chúng tôi, bà Mai Hồng Sim – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện tỷ lệ người trong độ tuổi 15 đến 25 biết chữ đạt 98,9%; 15 đến 35 tuổi biết chữ 97,1%; 15 đến 60 tuổi biết chữ 92,4%. Số xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn XMC mức độ 1 là 14/17 xã đạt 82,4%; mức độ 2 là 3/17 xã. Huyện tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động bà con tham gia các lớp XMC, tái mù chữ. Xã hội hóa hỗ trợ đồ dùng học tập cho lớp XMC; đưa giáo viên có kinh nghiệm, khả năng giao tiếp tiếng dân tộc địa phương để tham gia giảng dạy.

Trong lời chia sẻ của ông Trịnh Ngọc Hải – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, từ năm 2016 đến nay, huyện đã mở 49 lớp với 906 học viên, để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, XMC, thời gian tới huyện tăng cường công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân về công tác phổ cập giáo dục, XMC nhất là vận động người dân không biết chữ tham gia các lớp học XMC. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng, thiết bị dạy học. Tham mưu cho UBND huyện về kinh phí để mở các lớp XMC, chống tái mù cho bà con. Chỉ đạo nhà trường phân công những thầy cô giáo là người địa phương, có kinh nghiệm giảng dạy để tham gia giảng dạy các lớp XMC mở tại địa phương mình.

Rời các bản làng trong ánh đèn pin lấp loáng, tiếng gọi nhau í ới đi học, tiếng đánh vần “ê, a” của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trong tôi dâng trào niềm xúc động về sự ham học, tin tưởng một ngày không xa người dân sẽ được XMC. Qua đó, nâng cao trình độ dân trí nhất là trong giao tiếp; góp phần thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực thi đua lao động sản xuất để cải thiện đời sống.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/th%E1%BA%AFp-%C3%A1nh-s%C3%A1ng-tri-th%E1%BB%A9c-t%E1%BB%AB-l%E1%BB%9Bp-h%E1%BB%8Dc-x%C3%B3a-m%C3%B9-ch%E1%BB%AF