Xã hội hóa giáo dục vội vã sẽ tạo hiệu ứng ngược
Ở nhiều nơi, dù năm học mới bắt đầu được hơn tháng nhưng không ít trường bị tuýt còi do lạm thu...
Ổn định dạy học gần 1 tháng, một số trường học tại Nghệ An mới tổ chức họp phụ huynh đầu năm học 2023 - 2024. Tuy nhiên, theo nhiều phụ huynh, trong buổi họp này, nhà trường mới triển khai các khoản thu bắt buộc và đóng quỹ lớp, quỹ hội cha mẹ học sinh. Còn ở nhiều nơi khác, dù năm học mới bắt đầu được hơn tháng nhưng không ít trường bị tuýt còi do lạm thu.
Hiệu ứng… ngược
Sở GD&ĐT Hải Dương tiếp tục yêu cầu một trường học ở thị xã Kinh Môn dừng các khoản thu. Cụ thể, trong 14 khoản thu bị phụ huynh học sinh phản ánh trên mạng xã hội Facebook tại Trường Tiểu học Thượng Quận (xã Thượng Quận, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), có một số khoản đã thu, một số khoản chưa thu và số tiền qua phản ánh chênh lệch so với thực tế.
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT, nhà trường bị phản ánh kêu gọi ủng hộ cơ sở vật chất (bàn ghế) đầu vào lớp 1 là 400.000 đồng. Thực tế nhà trường vận động tài trợ lớp 1 là 700.000 đồng/học sinh (mua bàn ghế, sửa chữa nền nhà, tu sửa đường điện của các phòng). Đối với khoản thu này, nhà trường đang lấy ý kiến phụ huynh để báo cáo lãnh đạo địa phương và phòng GD&ĐT, chưa tiến hành nhận kinh phí, hiện vật.
Với nội dung kêu gọi ủng hộ 700.000 đồng/học sinh cho khoản thu cơ sở vật chất đầu vào lớp 1 bán trú. Thực tế, nhà trường chỉ kêu gọi ủng hộ khoản tiền này là 400.000 đồng/học sinh (gồm mua đệm, quạt, điều hòa và giường nằm). Đối với khoản thu này, nhà trường đang lấy ý kiến phụ huynh để báo cáo và chưa nhận kinh phí, hiện vật ủng hộ.
Với khoản thu đồ dùng học sinh, nhà trường bị phản ánh thu 350.000 đồng/học sinh. Tuy nhiên, nhà trường khẳng định phụ huynh nhờ giáo viên chủ nhiệm mua cho học sinh các dụng cụ: Bảng, bút viết bảng, đất nặn, giấy thủ công... với số tiền là 265.000 đồng/học sinh và đã thực hiện xong.
Khoản thu nước uống, nhà trường bị phản ánh thu 100.000 đồng/học sinh, nhưng thực tế chỉ thu 63.000 đồng/học sinh; vở ghi nhà trường bị phản ánh thu 157.000 đồng/học sinh, nhưng thực tế nhà trường chỉ thu 126.000 đồng/học sinh…
Tiền quỹ lớp nhà trường bị phản ánh thu 200.000 đồng/học sinh, nhưng đây là khoản thu do ban đại diện phụ huynh thực hiện, Phòng GD&ĐT thị xã Kinh Môn đã kiểm tra và yêu cầu trả lại phụ huynh.
Theo quy định, nhà trường trước khi thực hiện vận động tài trợ cần xây dựng kế hoạch xin ý kiến địa phương và phòng GD&ĐT. Sau khi được phê duyệt mới thông tin tới phụ huynh. Tuy nhiên, với quy trình ngược, phòng GD&ĐT yêu cầu Trường Tiểu học Thượng Quận dừng triển khai để xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Qua sự việc trên, Phòng GD&ĐT thị xã Kinh Môn tiếp tục chấn chỉnh các trường trên địa bàn thực hiện nghiêm túc nội dung thu, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định.
Bài học cho người quản lý
Chị Nguyễn Thu Trang có con học tại Trường THCS Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An) cho hay: “Nhà trường vừa tổ chức họp phụ huynh và thông báo các khoản thu đầu năm gồm tiền học phí học kỳ I, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó đóng tiền quỹ lớp 500 nghìn đồng. Đồng phục cũng tùy nhu cầu phụ huynh học sinh. Riêng tiền vận động tài trợ giáo dục chưa thấy nhà trường triển khai”.
Tại Trường Tiểu học Trường Thi (TP Vinh), phụ huynh 20 lớp khối 1, 2, 3 được lấy ý kiến về việc đóng góp lắp điều hòa. Do trường mới khánh thành cơ sở vật chất dãy nhà gồm 16 phòng học và chưa được lắp đặt điều hòa. Bên cạnh đó, với các lớp đầu cấp phải mua sắm thêm chăn, gối phục vụ bán trú, tủ để đồ cho học sinh, bảng biểu, rèm cửa…
Chủ trương này được hầu hết phụ huynh đồng tình, vì học sinh tiểu học ở bán trú và học 2 buổi/ngày đều có nhu cầu lắp điều hòa. Tuy nhiên, việc triển khai gặp vướng mắc liên quan đến đề xuất của nhà trường mua đồng nhất 1 loại điều hòa của 1 nhà cung ứng. Vấn đề này nhiều phụ huynh cho rằng chưa hợp lý, vì nhu cầu sử dụng, thời gian sử dụng và điều kiện kinh tế của các lớp khác nhau.
“Tôi cho rằng, nhà trường nên để phụ huynh mỗi lớp tự mua và lắp điều hòa theo nhu cầu. Ví dụ đối với lớp 1 đầu cấp có thể lắp điều hòa đắt tiền hơn vì sử dụng trong 5 năm. Nhưng với lớp chỉ còn 2 - 3 năm học tại trường, có thể lắp loại rẻ hơn từ 6 – 7 triệu đồng để đỡ kinh phí đóng góp. Nhất là vào dịp đầu năm, chi phí mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho con cái khá nhiều”, một phụ huynh chia sẻ.
Cô Hoàng Thị Hoa Lý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thi thừa nhận nhà trường có chủ trương trên. Trước năm học mới, qua rà soát, trường có 36 điều hòa của các khóa cũ để lại. Nhà trường bố trí cho 4 lớp khối 4 và 9 lớp khối 5 (mỗi lớp 2 cái). Còn 4 cái cho phòng Tin học ở cơ sở cũ.
Quá trình vận động lắp đặt điều hòa mới, nhà trường cũng bày tỏ nguyện vọng các lớp nên lắp đặt 1 loại và chọn 1 nhà cung ứng để tránh lộn xộn, dễ bảo hành. Qua khảo sát, nhà trường đã giới thiệu một số đơn vị cung ứng có mức giá phù hợp, phần lựa chọn là thuộc về các lớp. Trước việc có nhiều ý kiến phụ huynh không đồng tình về phương án này, hiệu trưởng nhà trường cho rằng đây là bài học trong công tác quản lý.
Không đi tắt, đón đầu
Trước đó, Sở GD&ĐT Nghệ An có văn bản hướng dẫn chi tiết các khoản thu trong cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, các nhà trường thực hiện khoản thu bắt buộc và tự nguyện, thu theo thỏa thuận. Trong đó, khoản thu bắt buộc thường gồm học phí, tiền bảo hiểm y tế, tiền trông xe đạp, tiền nước uống. Nhiều khoản còn lại được xem là thu tự nguyện, theo thỏa thuận với điều kiện được sự đồng ý của phụ huynh như: Tài trợ giáo dục, tiền quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh.
Theo nhiều hiệu trưởng, phát sinh khoản thu ngoài “bắt buộc” để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì trên thực tế, ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho dạy và học. Ví dụ phòng học sẽ bao gồm đồ dùng cơ bản như bàn ghế học sinh, giáo viên, bảng chống lóa, hệ thống đèn điện chiếu sáng…
Nếu muốn thêm thiết bị hiện đại, phục vụ tốt hơn cho dạy học và nhu cầu của học sinh như: Tivi thông minh, điều hòa, bảng kéo… phải vận động xã hội hóa. Nhưng nếu không công khai, minh bạch, đạt thỏa thuân sẽ dẫn đến những phản ứng “ngược” trong phụ huynh.
Cô Trần Thị Thúy Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) cho biết: Quan điểm của nhà trường là thực hiện khoản thu đúng quy định, theo văn bản hướng dẫn và tránh lạm thu.
Năm nay, trường chưa triển khai họp phụ huynh, nhưng việc vận động tài trợ giáo dục, xã hội hóa được thực hiện theo nguyên tắc: Nhà trường lập kế hoạch thông qua chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh và trình phòng GD&ĐT thị xã. Sau khi kế hoạch được phê duyệt mới triển khai các khoản thu.
“Nhà trường cũng chủ trương chỉ thu khoản cần thiết để phục vụ dạy học. Năm nay, khối lớp 6 mới vào đã có tivi do khóa trước lắp đặt và để lại. Tuy nhiên, 1 lớp chưa có do học sinh lớp 6 tăng nên chúng tôi dự kiến vận động phụ huynh toàn khối cùng đóng góp để đỡ chi phí”, cô Thúy Thanh cho hay.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn) đóng tại địa bàn xã biên giới, với hầu hết học sinh là người Mông. Theo thầy Nguyên Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường, đời sống của phụ huynh còn nhiều vất vả, vận động xã hội hóa từ phụ huynh khó khả thi.
Hằng năm, nhà trường dựa vào nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để mua sắm đồ dùng phục vụ dạy học, nhất là tivi. Bên cạnh đó huy động sự hỗ trợ của đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm. Về vận động xã hội hóa đều tự nguyện, không quy định mức tối thiểu và những năm qua, số tiền cao nhất mà phụ huynh đóng góp khoảng 300 nghìn đồng.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, quan điểm của ngành đối với các khoản thu tự nguyện là đảm bảo nguyên tắc: Minh bạch, công khai, tự nguyện, không quy định mức thu bình quân, tối thiểu... Đồng thời giãn các khoản thu, tránh tập trung vào dịp đầu năm gây áp lực cho phụ huynh.
Hiện, một số trường đã họp phụ huynh nhưng nhiều nhà trường chưa triển khai do đang xây dựng kế hoạch trình chính quyền địa phương, phòng/sở GD&ĐT phê duyệt. Điều này được xem là tín hiệu tích cực, cho thấy việc chấp hành nghiêm túc các quy định.
Tuy nhiên, qua nắm bắt thông tin, một số đơn vị có cách thức triển khai chưa hợp lý, chưa đúng trình tự, quy định theo hướng dẫn. Sở đã trực tiếp nhắc nhở và chấn chỉnh. Đồng thời lưu ý các trường khi triển khai cần có kế hoạch thu chi phù hợp, đúng quy trình, đảm bảo đúng mục đích.
“Về phía sở và các phòng GD&ĐT, trong quá trình phê duyệt kế hoạch xã hội hóa của nhà trường sẽ tính toán, rà soát, xem xét trên cơ sở thực tế và điều kiện của phụ huynh, tránh lạm thu. Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu sai, xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm quy định”, ông Nguyễn Trọng Hoàn thông tin.