Xã Hội | Phòng, chống Virus Corona (2019-nCoV) TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

'Lai Châu còn rất khó khăn về nhân lực y tế trong phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên, ngành y tế luôn sẵn lòng 'chia lửa' với miền Nam. Điều đó chứng minh bằng chuyến công tác 'đặc biệt' của 50 cán bộ y tế vào tăng cường, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa xuất quân sáng 7/8 vừa qua' - đó là khẳng định của Giám đốc Sở Y tế Bùi Tiến Thanh trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Lần đầu tiên tham gia công việc tại nơi tâm dịch, nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề, nhiều rủi ro và mỗi người có những lo toan nhất định trong cuộc sống, nhưng ngay khi đơn vị triển khai, cán bộ y tế các đơn vị đã tình nguyện đăng ký tham gia. Trong đó, có cả những cán bộ là lãnh đạo cơ quan, đơn vị, phòng, khoa của bệnh viện, trung tâm y tế các trạm y tế xã… trên địa bàn tỉnh. Bởi, đội ngũ y, bác sỹ hiểu hơn ai hết, sự sẻ chia, tinh thần trách nhiệm đặt đúng nơi, đúng chỗ lúc này sẽ ý nghĩa hơn nhiều. Và, quan trọng hơn cả, điều này thể hiện trách nhiệm với Tổ quốc, với Nhân dân, với chính nghề nghiệp.

Đoàn công tác lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch Covid-19.

Đoàn công tác lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch Covid-19.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có 6 y, bác sỹ tham gia tăng cường đợt này, tuổi đời còn trẻ nhưng luôn có tinh thần xung kích và luôn sẵn lòng nhận nhiệm vụ. Cử nhân y tế công cộng Nguyễn Thị Hà là người đầu tiên xung phong đăng ký tham gia. Khi được hỏi về việc sẵn sàng đi vào vùng dịch trong khi con còn nhỏ, ánh mắt chị đầy quyết tâm: “Tôi muốn góp sức mình, chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp và thêm trách nhiệm với nghề đã lựa chọn”.

Được biết, chồng chị Hà có công việc khá bận, nhà có 2 con nhỏ. Là người phụ nữ, bản thân chị cũng phải suy nghĩ rất nhiều và chu toàn mọi việc trước khi tham gia tăng cường, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, được gia đình cảm thông cho công việc, ủng hộ và động viên, nên chị đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Còn với bác sỹ đa khoa Nguyễn Quang Minh - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đây là năm học đầu cấp tiểu học của con lớn và mầm non của con thứ 2, vậy nhưng anh vẫn tình nguyện xung phong tăng cường cho tuyến đầu chống dịch. Bởi, anh có hậu phương vững chắc cùng tinh thần “đâu cần thanh niên có”. Bác sỹ Minh chia sẻ: “Hỗ trợ đồng nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng như các tình nguyện viên trong Đoàn công tác đã trang bị cho bản thân kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, sự ủng hộ của gia đình là sự động viên, khích lệ rất quan trọng trước khi xuất phát. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ với tinh thần đồng lòng, đoàn kết cao, góp chút sức nhỏ bé sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19”.

Mặc dù là lãnh đạo đơn vị nhưng bác sỹ chuyên khoa I Đinh Xuân Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Than Uyên cũng đăng ký tình nguyện tham gia đoàn công tác. Theo đó, anh chủ động tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do Sở Y tế tổ chức; bàn giao công việc; làm công tác tư tưởng cho gia đình. Bác sỹ Thủy tâm sự: “Tôi và các đồng nghiệp tham gia tình nguyện đợt này xác định rõ tinh thần, trách nhiệm và đã chuẩn bị sẵn sàng tư trang, mong sớm được “chia lửa” với Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm nặng nề đối với Đoàn. Bởi, dịch Covid-19 rất nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong khi hầu hết chưa từng tiếp xúc hoặc lần đầu tham gia chăm sóc, điều trị cho người bệnh nhiễm Covid-19, vậy nên khâu lựa chọn, lập danh sách, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nghiệp vụ, gặp gỡ nắm tư tưởng được ngành Y tế Lai Châu đặc biệt quan tâm.

Ông Bùi Tiến Thanh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Điều kiện của Lai Châu hiện nay còn khó khăn hơn một số tỉnh, thành khác, với tinh thần tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau, Sở Y tế đã triển khai quyết định của Bộ Y tế, gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành và động viên cán bộ, y, bác sỹ tình nguyện đăng ký tham gia tăng cường, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả, ngành Y tế tỉnh đã chọn cử 50 cán bộ y tế (21 bác sỹ, 18 điều dưỡng, 8 y sỹ, 2 kỹ thuật, 1 y tế công cộng) thuộc các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện. Số cán bộ này cơ bản có nhiều kinh nghiệm cũng như được trang bị kiến thức về phòng, chống dịch, các kỹ năng cơ bản về chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, đảm bảo tinh thần thông suốt, quyết tâm đi miền Nam; được đơn vị, gia đình ủng hộ; đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19…

Theo dự kiến, Đoàn công tác của cán bộ y tế Lai Châu sẽ chia thành 2 nhóm tham gia hỗ trợ cho Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 16 (phường Phú Thuận, quận 7) và quận 8 của Thành phố Hồ Chí Minh. Đảm bảo tốt nhất các điều kiện, trước ngày lên đường, Đoàn công tác được Sở Y tế tổ chức các đợt tập huấn cùng với nghiên cứu tài liệu theo các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Theo ông Bùi Tiến Thanh, tỉnh cũng đã bố trí kinh phí đảm bảo đời sống, các điều kiện về trang phục cho Đoàn. Chuyến công tác “đặc biệt” này của cán bộ y tế Lai Châu cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm, sẻ chia của các cấp, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong tỉnh.

Tại Lễ ra quân được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh tổ chức vào 4 giờ sáng 6/8 với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, đoàn viên, thanh niên, nhân viên y tế và người nhà cán bộ tham gia tình nguyện… thể hiện tình cảm, sự quan tâm, động viên kịp thời, tiếp thêm động lực cho các thành viên.

Trong bài phát biểu động viên, chia sẻ tại buổi lễ, đồng chí Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã khẳng định: Chúng ta đang là vùng xanh, việc hỗ trợ nguồn lực y tế tuy khiêm tốn của tỉnh miền núi biên giới nhưng thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, đồng cam cộng khổ cùng vượt qua khó khăn. Đây cũng là dịp để tri ân tấm lòng của cả nước đã giúp Lai Châu khi gặp khó khăn, khi gặp thiên tai, lũ lụt thời gian qua. Do đó, Đoàn công tác cần thực hiện nghiêm những công việc được phân công, tuyệt đối tuân thủ những quy định, quy trình chuyên môn, kỹ thuật về công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế và các phương án phòng, chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh. Các thành viên yêu thương, chăm lo sức khỏe, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Thông qua đợt hỗ trợ lần này, chúng tôi mong muốn các đồng chí học hỏi được nhiều kinh nghiệm để khi trở về giúp cho tỉnh phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả nhất…

Nam tiến “chia lửa” phòng, chống dịch Covid-19 không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế Lai Châu còn là sự chia sẻ, chung tay, góp sức cùng thành phố mang tên Bác nhanh chóng kiểm soát, dập dịch. Trước giờ khởi hành, với tâm thế sẵn sàng, những cánh tay đồng loạt giơ cao đầy quyết tâm, chúng tôi tin rằng các tình nguyện viên sẽ không phụ niềm tin, sự kỳ vọng đó.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/chia-l%E1%BB%ADa-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch-covid-19