Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Dự án kết nối đường giao thông từ thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua thành phố Lai Châu và các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên; trong đó huyện Tân Uyên có 5 xã đường đi qua với tổng chiều dài 37km. Để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đúng tiến độ, ngay sau khi được giao nhận mốc, huyện Tân Uyên đã tổ chức kiểm đếm, đo đạc và chi trả bồi thường cho các tổ chức, hộ dân bị ảnh hưởng.

Dự án Kết nối giao thông Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa phận 5 xã, thị trấn của huyện Tân Uyên gồm: Pắc Ta, Trung Đồng, Thân Thuộc, Phúc Khoa và thị trấn Tân Uyên với tổng chiều dài 37km và được chia thành 2 gói thầu số 4, 5 và 6 (gói số 4 thực hiện chung với huyện Than Uyên, gói số 6 thực hiện chung với huyện Tam Đường). Trong đó, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã giao cho huyện Tân Uyên các vị trí mốc cần GPMB để thực hiện dự án ở gói thầu số 4 đi qua địa phận xã Pắc Ta có tổng chiều dài 5,5km.

Các đơn vị tiến hành đo đạc, kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng trên địa bàn xã Pắc Ta.

Các đơn vị tiến hành đo đạc, kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng trên địa bàn xã Pắc Ta.

UBND huyện Tân Uyên đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất (PTQĐ) huyện chủ trì phối hợp với UBND các xã, thị trấn có đường nối cao tốc chạy qua thực hiện các nội dung trong công tác GPMB. Thành lập các tổ tuyên truyền, vận động phương án GPMB, phối hợp với chính quyền các xã vận động Nhân dân thực hiện dự án. Đôn đốc các đơn vị tư vấn thực hiện việc định giá đất cụ thể, đánh giá bồi thường về tài sản, vật kiến trúc, cây cối hoa màu thay thế để đẩy nhanh tiến độ tại gói thầu số 4: km78+141.71 đến km84+554. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn của huyện đã tiến hành công tác đo đạc quy chủ, xác minh diện tích, mục đích sử dụng đất thu hồi tại gói thầu với 256 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng thu hồi đất. Trung tâm PTQĐ huyện và UBND xã Phúc Khoa đã phối hợp với nhà thầu thực hiện việc chôn cọc mốc gói thầu số 6. Trung tâm PTQĐ cũng đã làm việc với chủ quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB dự án để tổ chức rà soát, thống nhất phương án di dời.

Pắc Ta là xã đầu tuyến đường chạy qua trên địa bàn huyện tiến hành thực hiện dự án với tổng chiều dài 13,5km. Ông Lê Việt Vương - Chủ tịch UBND xã cho hay, thực hiện chủ trương của Nhà nước về triển khai Dự án, xã có 10 hộ bị ảnh hưởng nhà ở và các loại đất khác, thuộc gói thầu số 4 và 5. Từ năm 2020, xã tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, Ban Quản lý Dự án (Bộ GT-VT) đến toàn thể Nhân dân dọc tuyến quốc lộ biết để hạn chế việc xây dựng cơ bản ảnh hưởng đến việc GPMB sau này trong việc mở rộng tuyến đường. Đối với các đơn vị thực hiện dự án, ngay từ khi khảo sát thiết kế đã phối hợp với chính quyền xã tổ chức họp, lấy ý kiến và phiếu thu thập thông tin về đời sống Nhân dân của bà con trên địa bàn xã để phục vụ cho quá trình làm việc sau này.

Về vấn đề kiểm soát, giám sát Nhân dân, tránh việc xây dựng trái phép để nhận đền bù GPMB, ông Phạm Ngọc Đoàn - Giám đốc Trung tâm PTQĐ huyện, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc tạo mặt bằng sạch giao cho đơn vị chủ đầu tư khẳng định với chúng tôi: Qua nhiều lần phối hợp với chính quyền các xã thuộc dự án cho thấy người dân có ý thức cao trong chấp hành mốc giới, không lấn chiếm ra ngoài. Sau khi công bố quy hoạch xây dựng dự án, các xã cũng phối hợp rất tốt với huyện quản lý chặt chẽ người dân, đến nay chưa phát hiện công trình nào xây dựng trái phép.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án cũng gặp một số khó khăn như: Các xã có tuyến đường đi qua chưa có bản đồ chính quy, hồ sơ giao đất, cấp đất chủ yếu là đo đạc thủ công nên khó khăn trong quá trình thu thập hồ sơ lập bản đồ địa chính phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB. Quá trình thực hiện công tác đo đạc quy chủ, xác minh diện tích, mục đích sử dụng đất; thống kê tài sản, vật kiến trúc cấy cối, hoa màu để lập đơn giá thay thế thực hiện trong giai đoạn mùa mưa bão đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khách quan là do tình hình dịch Covid-19 phức tạp gây khó khăn cho việc tổ chức các buổi họp dân tuyên truyền triển khai thực hiện công tác GPMB.

Nỗ lực khắc phục và vượt qua những trở ngại trên, đến nay huyện Tân Uyên đã hoàn thành việc giao mốc toàn tuyến. Bên cạnh việc thực hiện các bước để phục vụ công tác đền bù GPMB gói thầu số 4, huyện Tân Uyên tiếp tục nhận các mốc GPMB tại gói thầu số 5. Để đẩy nhanh tiến độ GPMB ngay sau khi được nhận các mốc, huyện Tân Uyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành công tác quy chủ đất, lập bản đồ địa chính; đo đạc, thống kê kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc, cây cối hoa màu trên đất, đánh giá đất và tài sản thay thế để tính tiền bồi thường.

Căn cứ theo biểu tiến độ thực hiện GPMB của dự án, Trung tâm PTQĐ huyện xác định rõ khối lượng công việc và thời gian hoàn thành. Theo đó, tính đến ngày 20/8, huyện đã hoàn thành 7/17 nhiệm vụ chính. Đối với công tác đền bù GPMB, huyện dự kiến thời gian trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đến hết tháng 10/2021, tuy nhiên Trung tâm PTQĐ huyện sẽ phấn đấu hoàn thành trước kế hoạch 2 tuần. Sau khi được phê duyệt phương án trên, việc chi trả tiền đền bù GPMB cho người dân sẽ được huyện Tân Uyên thực hiện bắt đầu từ ngày 1 đến hết tháng 11/2021. Bước tiếp theo sẽ bàn giao mặt bằng tiến hành di chuyển các công trình công cộng nằm trong phạm vi GPMB của dự án.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/gi%E1%BA%A3i-ph%C3%B3ng-m%E1%BA%B7t-b%E1%BA%B1ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-n%E1%BB%91i-cao-t%E1%BB%91c-qua-t%C3%A2n-uy%C3%AAn