Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Nhiều năm qua, huyện Tân Uyên triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Nhờ đó, từng bước nâng cao đời sống cho Nhân dân trên địa bàn, góp phần giữ cho những cánh rừng của huyện thêm xanh.

Trao đổi với anh Đỗ Hữu Phong - Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện Tân Uyên, chúng tôi được biết: Trong năm 2020, Ban QLRPH đã chi trả hơn 33 tỷ đồng tiền DVMTR cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư ở các bản. Để thực hiện chính sách chi trả DVMTR đạt kết quả cao, Ban QLRPH huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn, kiểm lâm địa bàn triển khai sâu rộng mục đích, ý nghĩa của chính sách giúp người dân nắm rõ.

Đồng thời, tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy rừng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, đa số các xã, bản xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng. Hiện nay, tất cả các bản trên địa bàn huyện thành lập các tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng. Các tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy ước, hương ước về bảo vệ rừng, tận thu, tận dụng lâm sản, củi dưới tán rừng. Vận động các hộ gia đình nhận khoán diện tích rừng thường xuyên đi kiểm tra nếu phát hiện rừng bị tác động trái phép hoặc bị đốt phá… có trách nhiệm báo cáo kịp thời với kiểm lâm địa bàn, cơ quan có thẩm quyền để giải quyết kịp thời. Vì vậy, tính hết năm 2021, tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 42,77%.

Thành viên Tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng bản Nậm Bon (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) chăm sóc rừng.

Thành viên Tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng bản Nậm Bon (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) chăm sóc rừng.

Ngoài ra, để đảm bảo việc chi trả DVMTR đúng, đủ tới các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng, vào tháng 12 hàng năm Ban QLRPH huyện Tân Uyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn, kiểm lâm cắm địa bàn tiến hành rà soát, nghiệm thu để đánh giá, thống kê diện tích rừng được giao khoán làm căn cứ cho việc chi trả tiền DVMTR năm tiếp theo. Việc chi trả sẽ được Nhân dân họp lấy ý kiến, khi người dân đồng thuận sẽ tiến hành chi trả theo quy định.

Với diện tích 4.095,65ha rừng được chi trả tiền DVMTR, những năm qua, người dân xã Nậm Cần tích cực chăm sóc, giữ gìn cho rừng thêm xanh. Lợi ích từ chính sách chi trả DVMTR mang lại đã và đang là yếu tố để bà con Nậm Cần có trách nhiệm với rừng hơn. Nhờ đó, mấy năm gần đây, trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng nào cũng như không có vụ vi phạm về bảo vệ rừng. Nhiều hộ đã sử dụng tiền chi trả DVMTR để tái sản xuất như: mua cây, con giống phát triển kinh tế gia đình.

Điển hình như gia đình anh Lò Văn Chiến (ở bản Phiêng Áng). Được hưởng 7 triệu đồng mỗi năm từ chính sách chi trả DVMTR, gia đình anh Chiến đầu tư trồng và chăm sóc chè. Ngoài ra, gia đình anh còn mua giống trồng ngô bán ngập, sửa thuyền để đánh bắt thủy sản trên sông Nậm Mu, nuôi trâu, trồng 2ha quế. Đến nay, gia đình anh có thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Anh Chiến tâm sự: “Chính sách chi trả DVMTR vừa tạo việc làm mà còn giúp bà con thêm gắn bó với rừng. Giờ đây, ý thức bảo vệ rừng được nâng cao, không còn tình trạng xâm hại đến diện tích rừng hay chặt phá, khai thác rừng bừa bãi. Cũng nhờ số tiền chi trả từ DVMTR không chỉ giúp gia đình tôi mà nhiều hộ trong bản có vốn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.

Được biết, trên địa bàn xã Phúc Khoa hiện có 5.846,94ha đất có rừng, trong đó diện tích cung ứng được chi trả DVMTR là 5.800,90ha, tổng số tiền được chi trả mỗi năm gần chục tỷ đồng. Theo anh Lò Văn Lục - Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững xã Phúc Khoa, được hưởng chính sách chi trả DVMTR người dân trong xã rất phấn khởi. Đây là động lực để bà con nâng cao trách nhiệm chăm sóc bảo vệ rừng mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống.

Được biết, để giữ diện tích rừng luôn phát triển tốt, hàng năm cấp ủy, chính quyền xã Phúc Khoa phối hợp với cán bộ kiểm lâm cắm địa bàn, Ban QLRPH huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp xã, tu sửa 3 chốt bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại các cửa rừng.

Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững xã còn vận động các bản xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng để gắn trách nhiệm giữ rừng cho bà con. Do đó, nhiều năm nay xã không có vụ cháy rừng, cháy thảm thực vật xảy ra, tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt 71,8% (năm 2021).

Thực hiện chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp bà con trên địa bàn huyện Tân Uyên có thêm thu nhập mà còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ, giữ gìn những cánh rừng thêm xanh. Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm, Ban QLRPH huyện tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến các nhóm hộ, cộng đồng dân cư về Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/l%E1%BB%A3i-%C3%ADch-t%E1%BB%AB-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-chi-tr%E1%BA%A3-d%E1%BB%8Bch-v%E1%BB%A5-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-r%E1%BB%ABng