Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là yếu tố then chốt đối với sự phát triển của ngành du lịch. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, càng đòi hỏi sự bứt phá trong khâu đào tạo, bồi dưỡng…

Thực hành nghiệp vụ khách sạn gắn với quy trình 5K và biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nguồn: TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

Thực hành nghiệp vụ khách sạn gắn với quy trình 5K và biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nguồn: TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

Doanh nghiệp khổ vì đào tạo lại

Hiện trong 1,3 triệu lao động ngành du lịch của cả nước, chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy. ThS Vũ Thành Long, Khoa Tài chính Ngân hàng (Trường đại học Kinh tế-Kỹ thuật công nghiệp), nhìn nhận: kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học; khả năng sáng tạo, lãnh đạo, quản lý, quản trị và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ nhân lực ngành du lịch hiện còn rất hạn chế. Đặc biệt, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao ở một số vị trí như cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, chuyên gia hoạch định chính sách, nghiên cứu chiến lược phát triển ngành, nghiệp vụ du lịch quốc tế. Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết thêm, các công ty lữ hành khi tuyển dụng lao động thường phải đào tạo lại từ sáu đến 12 tháng.

Ngay như TP Hồ Chí Minh, một trong những trung tâm du lịch của cả nước, cũng có tới hơn 60 đơn vị đào tạo các ngành nghề về du lịch nhưng số sinh viên, học viên tốt nghiệp vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 60% so nhu cầu. Thành phố có 1.018 doanh nghiệp, trong đó có 759 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 163 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 76 đại lý lữ hành và 20 văn phòng đại diện doanh nghiệp lữ hành nước ngoài. Về nhân lực, có 7.200 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ, trong đó hướng dẫn viên quốc tế chiếm tỷ lệ 46,86% với 3.374 người và hướng dẫn viên du lịch nội địa là 3.826 người.

Ông Thái Doãn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Thanh Thanh chia sẻ: Trong những năm gần đây, dù tình hình đã được cải thiện, nhưng số lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ cao. Điều này tác động đến chất lượng dịch vụ du lịch và khả năng cạnh tranh nguồn lao động với các nước, nhất là trong bối cảnh "hậu Covid-19".

Tăng cường liên kết

Xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực, ngày 20/10/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4929/BGDĐT-GDĐH về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo triển khai xây dựng Đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch trình độ đại học. Theo PGS, TS Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Huế, cơ chế đặc thù trong đào tạo đã tạo cơ hội rất lớn cho các cơ sở đào tạo và học viên. Việc học viên có thêm thời gian thực tập tại doanh nghiệp, được doanh nghiệp trực tiếp giảng dạy, giúp cho nhiều em có công việc ngay từ khi đang học tại trường.

PGS,TS Huỳnh Văn Chương cũng kiến nghị thêm: Cam kết của nhà trường và doanh nghiệp phải mang tính lâu dài, toàn diện. Đồng thời, cần chia sẻ lợi ích của cả doanh nghiệp và nhà trường, hướng đến sinh viên ra trường có tay nghề tốt, có việc làm ngay. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có nguồn tuyển chủ động và giải pháp mang tính chiến lược.

Việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch là rất khả thi, nhưng không phải cơ sở nào cũng có cơ hội tiếp cận chính sách. Bởi thế, nhiều cơ sở đào tạo phải "tự bơi". Hiện nay, mô hình đào tạo của Trường đại học Hạ Long được ghi nhận là hiệu quả. Nhà trường đã ký kết hợp tác với hơn 20 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, mời gọi doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo… TS Vũ Văn Viện, Trưởng khoa Du lịch (Trường đại học Hạ Long) cho rằng, các hãng lữ hành, công ty du lịch cần liên kết với cơ sở đào tạo có uy tín đào tạo đại học và sau đại học để đào tạo các lớp bồi dưỡng cho cán bộ theo đặt hàng. Thêm nữa, lực lượng lao động ngành du lịch không chỉ cần bảo đảm về mặt kiến thức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với hệ đại học), của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (đối với hệ cao đẳng) mà còn tăng cường đào tạo ngoại ngữ (có đề án tiếng Anh tăng cường). Cơ sở đào tạo cũng cần điều chỉnh thời gian thực hành, thực tập theo mùa vụ của ngành du lịch tại địa phương; bổ sung các môn học mang tính đặc thù của địa phương...

Nhiều chuyên gia kiến nghị, lúc này cần rà soát thực trạng nguồn nhân lực du lịch, đánh giá hiện trạng chuyển đổi công việc trong bối cảnh Covid-19. Từ đó, lập kế hoạch tuyển dụng, đào tạo; các doanh nghiệp du lịch, các địa phương có các tiêu chí riêng cần chủ động đặt hàng với các cơ sở đào tạo du lịch theo chương trình đào tạo; quan tâm đến việc đào tạo nghề du lịch cho học sinh trung học phổ thông, học sinh ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường dân tộc nội trú để có nguồn tuyển dụng ổn định; cần chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cho những lao động có tay nghề cao, giảng viên vì họ sẽ là những "máy cái" trong việc đào tạo.

ThS Bùi Mai Hoàng Lâm (Trường đại học Văn Hiến) kiến nghị: Chúng ta cần tổ chức nhiều hoạt động liên kết, phối hợp giữa các đơn vị là cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội nghề nghiệp như Tổ chức Du lịch thế giới, Hiệp hội Du lịch ASEAN, Hội đồng Du lịch quốc tế… tổ chức các diễn đàn, hội thảo, đối thoại giữa doanh nghiệp, chuyên gia; tổ chức các hoạt động thường kỳ nhằm chia sẻ những kiến thức, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm, ngành du lịch cần thêm gần 40 nghìn lao động nhưng lượng sinh viên, học viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15 nghìn người/năm. Trong đó, chỉ hơn 12% số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/gi%E1%BA%A3i-nhanh-b%C3%A0i-to%C3%A1n-ngu%E1%BB%93n-nh%C3%A2n-l%E1%BB%B1c