Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Nhiều năm qua, huyện Than Uyên thực hiện tốt các chế độ, chính sách đầu tư phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, đội ngũ này không chỉ phát triển nhanh về số lượng, chất lượng mà trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao. Nhiều cán bộ xuất thân là con em người DTTS đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng cũng như đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huyện Than Uyên hiện có 12 xã, thị trấn, với 131 tổ dân phố, bản. Toàn huyện có gần 69 nghìn nhân khẩu, hơn 14 nghìn hộ và gần 90% người DTTS, chủ yếu là dân tộc: Thái, Mông. Những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc được huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đoàn kết dân tộc trên địa bàn. Do đó, cấp ủy, chính quyền huyện luôn chú trọng, ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ DTTS bám sát các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức đối với mỗi chức danh để xây dựng các phương án quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ DTTS được thực hiện sát với quy hoạch đảm bảo tính lâu dài, ổn định, sát với yêu cầu thực tiễn.

Hàng năm, huyện Than Uyên đã cử hàng chục cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở tất cả các cấp học; tham gia các chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; bổ sung cập nhật kiến thức, kỹ năng về tin học, ngoại ngữ… Nhiều cán bộ trẻ là người DTTS được quan tâm cử tuyển đi học chuyên môn, nghề nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng để trở về xây dựng quê hương Than Uyên.

Đồng chí Vàng A Mang - Bí thư Đảng ủy xã Tà Mung (huyện Than Uyên) vận động Nhân dân trong xã phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Đồng chí Vàng A Mang - Bí thư Đảng ủy xã Tà Mung (huyện Than Uyên) vận động Nhân dân trong xã phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Về xã Tà Mung những ngày này, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp người dân ra sức thi đua lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mới. Hệ thống đường, điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh đã được người dân nơi đây sử dụng, nhiều ngôi nhà kiên cố mọc lên, trẻ em đến trường ngày một chuyên cần... Đặc biệt, xã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng NTM. Để có được kết quả đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đồng lòng chung sức của Nhân dân, phải kể đến vai trò tiên phong của người đứng đầu cấp ủy là đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Vàng A Mang (dân tộc Mông).

Dù được chuyển công tác về xã Tà Mung từ năm 2020, song anh Mang luôn chủ động lãnh, chỉ đạo tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xây kế hoạch công tác hàng tuần, tháng, quý. Đồng thời, tìm mọi biện pháp tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Anh Mang tâm sự: Muốn đưa kinh tế - xã hội của xã phát triển thì phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và đưa các chủ trương đường lối chính sách của Đảng đến với người dân. Vì vậy, anh cùng lãnh đạo xã thường xuyên đi các bản để nắm rõ thực trạng kinh tế, nắm được tâm tư nguyện vọng của bà con để giúp bà con thoát nghèo. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình kinh tế gắn với phát huy lợi thế của địa phương như: chanh leo, chè, chăn nuôi gia súc, trồng rau màu... theo hướng hàng hóa.

Đồng thời, tăng cường đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, sử dụng máy cày, máy gặt đập liên hợp, hệ thống kênh mương tưới tiêu được hoàn chỉnh cung cấp nước tưới kịp thời cho cây trồng. Nhiều tuyến đường giao thông nội đồng được cứng hóa, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển và sản xuất được nhanh chóng. Ngoài ra, để nông dân yên tâm sản xuất trên đồng đất quê hương, nâng cao năng suất cây trồng, xóa đói giảm nghèo, xã tích cực cử cán bộ chuyên môn bám nắm cơ sở, chủ động chuyển giao khoa học công nghệ, truyền đạt kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng, nâng cao tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao như: hương thơm, bắc thơm… Qua đó, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt của xã đạt 3.929,8 tấn; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 27,3% (tính hết năm 2021).

Đồng chí Vàng A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Pha Mu hướng dẫn bà con chăm sóc chanh leo.

Đồng chí Vàng A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Pha Mu hướng dẫn bà con chăm sóc chanh leo.

Hiện, trên địa bàn huyện Than Uyên có gần 900 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. Ngoài anh Mang vẫn còn có rất nhiều tấm gương người cán bộ DTTS tiêu biểu như: Vàng A Sử (dân tộc Mông) - Phó Chủ tịch UBND xã Pha Mu; Lò Quyết Thắng (dân tộc Thái) - Chủ tịch UBND xã Mường Kim; Lò Văn Tân (dân tộc Thái) - Bí thư Đảng ủy xã Khoen On... Đội ngũ này đã khẳng định được vai trò, vị trí trong hệ thống chính trị. Đồng thời, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được phân công.

Đánh giá về những đóng góp của đội ngũ cán bộ lãnh đạo là người DTTS trên địa bàn, đồng chí Hoàng Thị Vân Quỳnh - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Than Uyên cho rằng: Thực tế đã cho thấy, dù điều kiện kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở, song đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS luôn vượt khó vươn lên bằng tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đó thực sự là những tấm gương sáng, đi đầu trong các phong trào, góp phần không nhỏ trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Than Uyên phát triển bền vững.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/kh%E1%BA%B3ng-%C4%91%E1%BB%8Bnh-vai-tr%C3%B2-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1n-b%E1%BB%99-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-thi%E1%BB%83u-s%E1%BB%91