Xã mới, niềm vui và hy vọng

Cán bộ, nhân dân ở các địa phương thực hiện sáp nhập trong tỉnh đều tin tưởng chủ trương trên sẽ tạo động lực để kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.

Cán bộ thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) tập trung giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, không để công việc bị gián đoạn trong thời gian chuyển giao

Cán bộ thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) tập trung giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, không để công việc bị gián đoạn trong thời gian chuyển giao

Những ngày này, cán bộ, nhân dân ở các địa phương thực hiện sáp nhập trong tỉnh đang khẩn trương hoàn tất những phần việc cuối cùng để thành lập các xã, thị trấn mới. Dù có nhiều tâm tư, nguyện vọng khác nhau nhưng người dân và chính quyền đều tin tưởng chủ trương trên sẽ tạo động lực để kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.

Đồng thuận cao

Cán bộ, nhân dân xã Vĩnh Tuy (Bình Giang) rất đồng thuận với chủ trương sáp nhập hai xã Vĩnh Tuy, Hưng Thịnh thành xã Vĩnh Hưng. Hiện nay, nền kinh tế giữa 2 xã có những khác biệt, Vĩnh Tuy là xã thuần nông, Hưng Thịnh lại phát triển thủ công nghiệp, thương nghiệp, nhất là nghề mộc nên khi sáp nhập người dân kỳ vọng kinh tế xã mới sẽ có bước phát triển mới.

Ông Trần Hữu Luân, đảng viên 40 tuổi Đảng, ở thôn Mòi, xã Vĩnh Tuy bày tỏ: “Chúng tôi nhất trí cao với chủ trương sáp nhập này. Tôi mong đội ngũ lãnh đạo xã mới sẽ đoàn kết, thống nhất lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội".

Tại thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), chính quyền địa phương cũng đang khẩn trương tiến hành các thủ tục chuẩn bị cho việc sáp nhập với xã Tráng Liệt. Hồ sơ, tài liệu đã được chốt, đợi bàn giao. Thị trấn trang trí một cổng chào và một số tuyến phố để chào mừng sự kiện này.

Thị trấn Kẻ Sặt và xã Tráng Liệt đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, bố trí cán bộ phù hợp để bảo đảm việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân 2 đơn vị không bị gián đoạn trong thời gian chuyển giao. Vì có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử nên việc thực hiện sáp nhập hai nơi có nhiều thuận lợi.

Ông Lê Thọ Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt cho biết: “Chúng tôi tự tin thực hiện các bước sáp nhập đơn vị hành chính vì ngay từ đầu chủ trương sáp nhập đã được nhân dân đồng thuận. Việc sáp nhập sẽ mở ra không gian phát triển, tạo đòn bẩy để địa phương bảo đảm các yêu cầu về diện tích, dân số, phù hợp với định hướng phát triển đô thị Kẻ Sặt trong tương lai”.

Huyện Ninh Giang có nhiều xã phải sáp nhập nhất tỉnh với 14 xã sáp nhập thành lập 6 xã mới. Tuy nhiên, việc thực hiện sáp nhập tại đây không gặp nhiều khó khăn do cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận cao.

Tại các xã Ứng Hòe, Quyết Thắng và Ninh Hòa, hầu hết người dân ủng hộ chủ trương sáp nhập 3 xã thành xã Ứng Hòe. Qua lấy ý kiến cử tri, trong 3 xã chỉ có 6 người dân không nhất trí sáp nhập.

Cũng như nhiều người dân địa phương, bà Đỗ Thị Gấm ở thôn Đồng Hy, xã Ninh Hòa rất phấn khởi khi sắp thành công dân xã Ứng Hòe mới. Việc sáp nhập sẽ tạo động lực để kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.

“Trước đây, chúng tôi muốn sang xã Ứng Hòe chủ yếu phải đi qua đường cánh đồng, còn đi đường chính thì xa thêm vài cây số. Vì vậy, người dân ở đây rất vui khi biết tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ làm con đường từ xã Ninh Hòa đến xã Ứng Hòe đẹp hơn. Mong rằng việc làm đường sẽ được đẩy nhanh tiến độ để người dân đi lại, buôn bán thuận lợi hơn”, bà Gấm nói.

Kỳ vọng đổi thay

Huyện Cẩm Giàng có 4 đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập gồm Cẩm Sơn, Cẩm Định, Kim Giang và thị trấn Cẩm Giàng. Cũng như các địa phương trong tỉnh, trước ngày thành công dân đơn vị hành chính mới, cùng với tất bật chuẩn bị các công việc cho sự kiện trọng đại, mỗi cán bộ, nhân dân ở các xã thuộc diện sáp nhập của huyện Cẩm Giàng đều đầy ắp tâm tư tình cảm.

Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Cẩm Giàng, ông Trần Quang Thông, một cán bộ hưu trí của thị trấn cho biết người dân rất phấn khởi khi thị trấn sáp nhập với xã Kim Giang thành thị trấn Cẩm Giang. Bởi đây là xu thế tất yếu, cơ hội tốt để thị trấn mở rộng địa giới đô thị và phát triển. Tuy có luyến tiếc một chút xưa cũ song ông Thông vẫn thấy niềm vui nhiều hơn.

“Vui bởi từ trước đến nay xã Kim Giang và thị trấn Cẩm Giàng quá gần gũi, gắn bó. Thị trấn Cẩm Giàng cũng được tách từ đất Kim Giang xưa. Việc sáp nhập là cuộc hội ngộ sau hơn 60 năm chia tách. Tên mới Cẩm Giang vừa là tên ghép của thị trấn Cẩm Giàng và xã Kim Giang, vừa là tên cổ xưa của vùng đất giàu truyền thống lịch sử khoa bảng này”, ông Thông chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Đường, Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Giàng cho biết: “Trước ngày sáp nhập tôi cũng như các cán bộ, nhân dân thị trấn rất vui vì với địa giới được mở rộng gấp mấy lần, thị trấn sẽ có điều kiện vươn mình phát triển. Bâng khuâng bởi tên thị trấn Cẩm Giàng từng đi vào lịch sử, văn học... sẽ không còn nữa. Nguyện vọng của đông đảo nhân dân thị trấn là sau khi sáp nhập đường phố sẽ vẫn mang tên cũ để tránh bị thay đổi nhiều”.

Bà Phạm Thị Mai ở thôn La Tiến, xã Ninh Thành (Ninh Giang) cũng có chút tiếc nuối khi tới đây, xã Ninh Thành sẽ sáp nhập với xã Tân Hương thành xã Tân Hương.

Bà Mai chia sẻ: "Cảnh quan, không gian không có gì đổi khác nhưng tên gọi xã Ninh Thành sẽ không được nhắc nhiều nữa. Tôi cũng như nhiều người dân trong xã có chút tiếc nuối về điều này vì cái tên Ninh Thành gắn bó với chúng tôi, nhiều sự kiện, kỷ niệm đáng nhớ. Tôi mong chính quyền địa phương và các cơ quan của huyện, tỉnh hỗ trợ người dân điều chỉnh thông tin địa chỉ một cách nhanh nhất, tránh phiền hà”.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/xa-moi-niem-vui-va-hy-vong-122245