Xã Mỹ Hưng xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) là xã thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Sau khi về đích nông thôn mới (NTM) năm 2016, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã tiếp tục nỗ lực, quyết tâm xây dựng NTM nâng cao, coi đây là thách thức, đồng thời là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) là xã thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Sau khi về đích nông thôn mới (NTM) năm 2016, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã tiếp tục nỗ lực, quyết tâm xây dựng NTM nâng cao, coi đây là thách thức, đồng thời là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Mô hình nuôi cá Koi, cá trắm đen của gia đình anh Đặng Văn Ba, thôn 2, xã Mỹ Hưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Đặng Đình Vĩnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Triển khai xây dựng NTM nâng cao, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, nhân dân; Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã phân công thành viên phụ trách các tiêu chí. Tại các thôn xóm, thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã về xây dựng NTM nâng cao, cấp ủy chi bộ đã họp, triển khai đến toàn bộ các đồng chí đảng viên, các chi bộ, đoàn thể và nhân dân, từ đó nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tự giác thực hiện và vận động nhân dân tham gia. MTTQ và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM nâng cao bằng nhiều hoạt động thiết thực. Từ năm 2016-2021, xã đã huy động được trên 55 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 3,2 tỷ đồng; hiến 160m2 đất nông nghiệp, trên 330 ngày công lao động làm đường giao thông… Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã tập trung phát triển sản xuất, ngành nghề; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hợp lý, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất; khuyến khích mở rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo quy mô gia trại, trang trại; đầu tư cải tạo hệ thống đường nội đồng, đường điện tạo thuận lợi cho việc thu hút, mở rộng thêm các loại hình sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo quy hoạch. Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, xã tập trung xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại khu Dưới Đồng và khu đồng La (thôn 2), quy mô 30ha sản xuất lúa và 12ha nuôi thủy sản kết hợp; duy trì chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo và vùng cánh đồng lớn tại khu Dưới Đồng. Trong nuôi thủy sản, xã xây dựng được vùng sản xuất theo quy trình VietGAP chăn nuôi cá truyền thống tại khu đồng Cầu Đá quy mô 12ha; trong đó hộ ông Đặng Thế Chinh ở thôn 2 có diện tích 1,4ha đã được Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cấp ủy đảng, chính quyền xã còn tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm phát triển, đa dạng hóa các ngành nghề, hoạt động dịch vụ thương mại. Hiện trên địa bàn có 5 doanh nghiệp, 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, thu hút 2.000 lao động. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy may công nghiệp, mở rộng ngành nghề may mặc. Để tạo điều kiện phát triển sản xuất, UBND xã, các hội, đoàn thể đã tín chấp với các tổ chức tín dụng cho các hộ dân vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Phát huy lợi thế gần thành phố, lực lượng lao động chủ yếu của xã đều có việc làm ổn định tại các khu công nghiệp.

Ngoài ra, toàn xã hiện có khoảng 250 lao động đang làm việc tại nước ngoài cho thu nhập cao, là nguồn lực quan trọng để xây dựng quê hương. Năm 2021, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm của xã thường xuyên đạt 99,94%; thu nhập bình quân đầu người đạt 61,8 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội dưới 1%. Đối với việc thực hiện tiêu chí cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, UBND xã tích cực chỉ đạo, phát động ngày Chủ nhật xanh, ra quân dọn vệ sinh thường xuyên 2 lần/tháng tại tất cả các thôn xóm, đảm bảo xử lý triệt để rác thải phát sinh trên địa bàn. Hệ thống cây xanh, cây bóng mát, hoa, điện chiếu sáng được tăng cường, hoàn thiện. Hiện xã có 3 tuyến đường trong khu dân cư có hàng cây bóng mát, tổng chiều dài 2.750m; 5 tuyến đường hoa tổng chiều dài 3.850m. UBND xã đã bố trí nguồn ngân sách đầu tư hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng đường trước trụ sở UBND xã. Đồng thời, từ nguồn vận động xã hội hóa, toàn xã có 100% khu dân cư có hệ thống điện chiếu sáng. Năm 2021, UBND xã xây dựng đề án phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; xây dựng thành công mô hình mẫu tại các thôn 1, 2, 3, 6, 8 với 250 hộ tham gia, từ đó triển khai nhân rộng tại tất cả 10 thôn, xóm. Xã thành lập 10 tổ thu gom rác ở 10 thôn, đảm bảo tỷ lệ thu gom rác thải đạt trên 95%. Về văn hóa, xã có xây dựng nhà văn hóa trung tâm, khu thể thao; 10/10 thôn, xóm có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa, sân thể thao nhỏ phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92,3%. 100% số thôn, xóm đạt danh hiệu văn hóa, trong đó 9/10 xóm được công nhận danh hiệu văn hóa 5 năm liên tục. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 92,5%.

Từ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đến nay xã Mỹ Hưng đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao theo quy định. Hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã đồng bộ, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thời gian tới, xã tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong việc nâng cao các tiêu chí, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202205/xa-my-hung-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-2550943/