Xã Ngọc Vân (Tân Yên): Tự hào truyền thống, vững bước trên chặng đường mới

Ngày 20/10/1954, xã Ngọc Vân (Tân Yên) chính thức được thành lập. Đây là sự kiện, dấu mốc quan trọng khẳng định bề dày lịch sử, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ngọc Vân về vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Sau 70 năm, Ngọc Vân đang vươn mình hội nhập và phát triển mạnh mẽ.

Bề dày lịch sử

Theo lịch sử Đảng bộ xã Ngọc Vân, vùng đất này từ xa xưa đã có người dân đến lập nghiệp. Tên lúc mới hình thành là xã Thúy Cầu xuất hiện khá sớm, thuộc tổng Vân Cầu, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất Ngọc Vân có nhiều tên gọi và những lần điều chỉnh địa giới hành chính khác nhau. Năm 1945, Thúy Cầu chia ra thành hai xã Thúy Cầu và Ngọc Vân. Sau đó, các xã sáp nhập thành xã Thúy Cờ. Đầu năm 1946, Thúy Cờ sáp nhập với Ngọc Cụ và Vân Cầu thành một xã mới lấy tên là Hồng Kiều.

 Lãnh đạo UBND xã trao kinh phí ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Lãnh đạo UBND xã trao kinh phí ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Tháng 10/1954, Hồng Kiều tách ra làm 3 xã: Ngọc Vân, Việt Ngọc và Song Vân. Ngày 6/11/1957, huyện Yên Thế chia tách thành 2 huyện Yên Thế và Tân Yên, trong đó Ngọc Vân và các xã vùng thấp thuộc huyện Tân Yên. Sau hai lần hợp nhất, chia tách tỉnh, Ngọc Vân vẫn thuộc địa giới hành chính của huyện Tân Yên cho đến nay. Địa phương có quá trình hình thành, tụ cư lâu dài gồm nhân dân sở tại và nhân dân nhiều địa phương khác tới định cư song trong cuộc sống sinh hoạt và sản xuất, nhân dân luôn đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Hiện nay, xã Ngọc Vân có diện tích tự nhiên là 1.080 ha và nằm ở phía Tây huyện Tân Yên; giáp các xã: Song Vân, Ngọc Thiện, Việt Ngọc (Tân Yên); Việt Tiến (thị xã Việt Yên); Lương Phong (Hiệp Hòa). Toàn xã có 18 thôn với 2.720 hộ, hơn 10,2 nghìn nhân khẩu. Đảng bộ xã có 24 chi bộ trực thuộc với 366 đảng viên. Xã có nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh như: Đình Làng Sai, chùa Làng Sai, đình Thúy Cầu Hạ, chùa Thúy Cầu Hạ và Đình Nội. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ngọc Vân đã vượt qua khó khăn, thử thách, giành nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.

Hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu nhiệm kỳ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Ngọc Vân nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 13 chỉ tiêu chủ yếu. Đến nay xã đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch 12 chỉ tiêu. Tổng giá trị sản xuất đến tháng 6/2024 ước đạt 987 tỷ đồng; vượt 42,8 % so với mục tiêu Đại hội. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Thu ngân sách hằng năm tăng bình quân 16,3 %. Sản xuất nông nghiệp đã có sự thay đổi vượt bậc theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất hàng hóa với diện tích và quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thành tích tiêu biểu

- Năm 1978, Hợp tác xã Ngọc Vân được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

- Năm 1995, nhân dân và cán bộ xã Ngọc Vân được Bộ Giao thông - Vận tải tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển giao thông nông thôn.

- Năm 2023, nhân dân và cán bộ xã Ngọc Vân được tặng Cờ thi đua của Chính phủ do hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2023 của tỉnh Bắc Giang.

- Đảng bộ xã Ngọc Vân có 12 năm liền đạt danh hiệu Đảng bộ “Trong sạch vững mạnh”, trong đó 9 năm liền (2015-2023) đạt danh hiệu Đảng bộ “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, 3 năm liền (2021-2023) đạt danh hiệu Đảng bộ “Dân vận khéo”, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen và Ban Thường vụ Huyện ủy tặng nhiều Giấy khen.

Kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư nâng cấp. Từ năm 2020 đến nay, xã đã làm hơn 70 km đường bê tông. Hiện 100% đường liên thôn, ngõ xóm được cứng hóa; 100% các thôn có đèn đường; hệ thống camera an ninh được lắp đặt tại những khu vực quan trọng.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Cả 3 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó Trường THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Công tác cải cách hành chính có nhiều đổi mới, sáng tạo. Sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được quan tâm; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã là 2,42 %, giảm 6,94 % so với năm 2020. Công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2019, với quyết tâm cao, năm 2023, Ngọc Vân đạt chuẩn NTM nâng cao, sớm hơn kế hoạch một năm. Những năm qua, xã đã huy động được hơn 300 tỷ đồng để xây dựng NTM và NTM nâng cao. Đến nay, xã có 2 thôn đạt NTM kiểu mẫu là Cầu Mới và Đồng Khanh.

Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”… được đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực hưởng ứng.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được chú trọng; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, gắn bó, tận tụy với nhân dân, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đảng bộ xã nhiều năm liền đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với những thành tích đạt được, nhân dân và cán bộ xã Ngọc Vân được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các bộ, ngành T.Ư, tỉnh, huyện.

Vững bước vươn lên

Ngọc Vân đang bước vào chặng đường mới với nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức song với quyết tâm xây dựng xã trở thành thị trấn Ngọc Vân vào cuối nhiệm kỳ 2025-2030, xã xác định một số nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ tới. Đó là tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nắm bắt tốt mọi cơ hội để phát triển toàn diện các lĩnh vực.

 Lãnh đạo xã Ngọc Vân nắm bắt tình hình sản xuất tại doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trên địa bàn.

Lãnh đạo xã Ngọc Vân nắm bắt tình hình sản xuất tại doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trên địa bàn.

Tập trung lãnh đạo phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; trong đó, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ theo tiêu chí của thị trấn; quan tâm cải cách hành chính. Tiếp tục đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội. Qua đó tạo dựng cho người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao hơn. An ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Ngọc Vân đề ra mục tiêu đến năm 2030, giá trị sản xuất đạt 1.280 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn (không tính thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất) tăng bình quân 8%/năm. Huy động vốn đầu tư phát triển xã hội giai đoạn 2025-2030 đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2030 thấp hơn mức bình quân chung của huyện. Hằng năm, tỷ lệ chi bộ trực thuộc Đảng ủy hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 90%, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 85% số đảng viên đánh giá xếp loại...

Tự hào với bề dày 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ngọc Vân quyết tâm giữ vững truyền thống cách mạng, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Thân Nhân Hoành, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/xa-ngoc-van-tan-yen-tu-hao-truyen-thong-vung-buoc-tren-chang-duong-moi-082400.bbg