Xa nhà gần 30 năm, cô gái mở quán ăn xứ Quảng để được ba gọi mỗi ngày

Xa gia đình hàng chục năm, thèm món ăn quê, chị Trang quyết tâm mở quán ăn Quảng Ngãi đúng vị trong một chung cư cữ ở Q.1 (TP.HCM). Ba và em gái mỗi ngày đều đóng hàng gửi xe, máy bay vào cho con gái nấu.

Nằm trên lầu 1 khu chung cư tại Q.1, TP.HCM, "Xóm Chợ Cũ" không chỉ là tên một quán ăn mà còn là một khu chợ có thật, nằm ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi – nơi mà chị Hồ Duyên Trang, 43 tuổi (chủ quán) sinh ra và lớn lên.

Tốt nghiệp THPT, chị Trang khăn gói và TP.HCM học tập và làm việc. Xa nhà gần 30 năm, chị Trang nhớ da diết các món ăn quê nhà. Mỗi lần như vậy, chị phải tốn nhiều tiền vé máy bay để về quê ăn lại các xưa gắn liền với tuổi thơ cho đỡ thèm.

Cuối năm 2022, trong một lần đến studio của người bạn thân, nằm trên lầu 1 của chung cư 35 Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM) để chụp bộ ảnh kỉ niệm tuổi mới, chị được bạn tâm sự đây là lần cuối được chụp ảnh cho nhau tại đây vì studio sắp trả mặt bằng. Tiếc nuối địa điểm đẹp, nhiều kỉ niệm giữa trung tâm, chị Trang nói chuyện với chủ nhà và bắt đầu thực hiện ước mơ có một quán ăn quê của riêng mình.

“Ngày trước khu chợ ấy bán rất nhiều món, từ mì Quảng, bánh bèo, don… Sau đó chợ cũ được rời đi chỗ khác nhưng những người bán vẫn ở đó, chợ rời đi nhưng không gian vẫn còn, mọi người quen ăn ở đấy rồi thì chợ ẩm thực bán toàn đồ ăn, và mọi người quen miệng gọi là Xóm Chợ Cũ, mình cũng mang đúng tên đó vào trong này”, chị Trang chia sẻ.

Chị Trang cố gắng bán đủ tất cả những món trong xóm chợ tại TP.HCM. Để đảm bảo đúng vị, 80% nguyên liệu chị đều vận chuyển từ Quảng Ngãi vào, từ cọng húng quế, miếng bánh đa cho đến thịt heo, gà đều chuyển từ quê.

“Em gái Trang ngày nào cũng đóng 2 thùng xốp hàng. Trong đó một thùng rau thơm, bao gồm húng quế và húng lũi - loại cây thân màu tím, lá rất thơm, mùi bạc hà. Thứ hai là hẹ cát, chỉ có ở ngoài quê mình, hẹ trồng trong cát, lá thật mảnh, không to, ăn rất ngọt. Thứ ba nữa là bắp chuối. Bắp chuối ở quê là loại bắp chuối đỏ - ăn ngọt, còn bắp chuối trong này không biết lý do gì dù cũng đỏ nhưng không ngọt bằng.

Dĩa rau mà các bạn thấy ngoài quán Trang chỉ xài rau xà lách, diếp cá, giá đỗ là trong này thôi, còn lại tất cả ở ngoài quê", chủ quán say sưa kể.

“Ngoài ra cũng có thịt heo, gà, tôm cũng mang từ ngoài đó vào. Tỏi hành không cần phải nói rồi vì nói là đồ Lý Sơn, nhìn là biết liền”, chị Trang nói tiếp.

Để món ăn sát bản gốc nhất, chị chủ "xóm Chợ Cũ" mời hẳn cô hàng xóm - là người có thâm niên nấu mì quảng hàng chục năm trong xóm vào đứng bếp.

Theo chị Trang, cô nấu mì quảng chơi thân với mẹ chị từ lâu trong xóm. Bản thân chị Trang cũng ăn mì của cô nấu từ nhỏ nên cô xem chị như con cháu trong nhà.

Khi nghe tin chị muốn mang đồ ăn ở “Chợ Cũ” vào Sài Gòn, vì tình cảm chị em với mẹ, lại không bị ràng buộc nhiều về gia đình nên cô đồng ý ngay.

Theo lời kể của chủ quán, ba chị Trang mỗi ngày tranh thủ tập thể dục từ sáng sớm đều lấy mì tươi từ một gia đình đã làm mì 3 thế hệ ở gần nhà, sau đó chuyển cho người giao hàng để kịp chuyến bay vào TP.HCM, đến trưa là quán có mì bán cho khách.

“Sáng ở chợ quê gửi đồ sớm lắm, khoảng 6 giờ sáng, vì chuyến bay mà ba Trang gửi trong này cho Trang khoảng 9-10 giờ sáng. Ba Trang phải lấy mì từ sáng sớm rồi gửi sân bay thì vô trong này khoảng 11-12 giờ bán trong ngày thì tụi Trang sẽ kịp giờ bán trong ngày”, chị nói.

Trong khi đó, em gái chị sẽ đi chợ trong ngày để kịp đóng thùng gửi cho xe trước 15 giờ chiều. Thường khoảng 8-9 giờ sáng hôm sau chị Trang sẽ nhận được.

Quán mở mỗi ngày từ 10 giờ 30 phút sáng và hết khách khoảng 21 giờ 30 phút. Thời điểm đông nhất buổi trưa từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút, chiều tối từ 18 giờ đến 20 giờ. Thực khách chủ yếu là người miền Trung xa quê, dân văn phòng, bạn trẻ xung quanh quán… rất mê mì Quảng, bún mắm nêm, chả ram thập cẩm… vì mê vị xưa và cái tình quê ấm áp mà đến. Chiều đến, quán cũng có nhiều khách nước ngoài ngồi nhâm nhi đồ ăn miền Trung ở ban công ngập cây hoa, ngắm nhìn xe cộ qua lại.

Không chỉ vậy, thực khách đến đây còn rất hay gặp nghệ sĩ Việt. “Nói về nghệ sĩ, Trang phải cảm ơn anh Thành Lộc trước vì ở đây rất gần sân khấu kịch IDECAF nên anh Thành Lộc ghé ăn đầu tiên. Sau đó anh có dẫn bạn qua ăn và dần dần mọi người biết đến quán mình khá nhiều”.

Là chị cả trong gia đình 5 người, chị Trang sớm xa nhà, xa ba mẹ để làm việc. Chị kể dù mỗi ngày đều gọi cho ba nhưng lần nào cũng chỉ biết hỏi đúng hau cầu: “Ba ơi ba làm gì đấy?” hay “ba ăn gì chưa, ba ở đâu?”.

Từ ngày có quán ăn, sáng nào chị cũng được nghe ba réo “con ơi đồ vào chưa?” hay hôm nào xe trễ ba liền cập nhật không sót chặng nào “bác tài báo trễ 15 phút, 20 phút nha con”. “Bản thân mình có được sự kết nối với người thân trong nhà, ba Trang cũng cảm thấy rất vui khi giúp được con gái”, chị chủ quán ăn xứ Quảng hạnh phúc nói.

Thiên An

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/xa-nha-gan-30-nam-co-gai-mo-quan-an-xu-quang-de-duoc-ba-goi-moi-ngay-202308280843130922.html