Xã Sơn Nguyên (Sơn Hòa): Nước nhiễm vôi, người dân cần nước sạch

Các dụng cụ chứa nước của gia đình ông Tạ Văn Hương đều bị một lớp vôi bám dày. Ảnh: ANH NGỌC

Hiện nay, hơn 400 hộ dân ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) hàng ngày phải sử dụng nước sinh hoạt từ giếng đào, giếng khoan không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe của bà con. Mặc dù đã có kết luận nguồn nước giếng này nhiễm vôi, nhưng nhiều năm qua, địa phương và các ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp cấp nước sạch cho người dân.

Hơn 400 hộ dân sử dụng nước giếng nhiễm vôi

Theo ông Tạ Văn Hương ở thôn Nguyên Trang, xã Sơn Nguyên, gia đình ông đến đây lập nghiệp từ năm 1993 đến nay. Việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng đất này rất phù hợp, nhưng nước sinh hoạt đang có vấn đề. Hầu hết các giếng đào, kể cả giếng khoan ở thôn đều nhiễm phèn, nhiễm vôi rất nặng. Các dụng cụ chứa nước sau một thời gian đều bị một lớp vôi bám dày dưới đáy, lavabo rửa mặt bằng sứ cũng bị vôi và phèn bám dày. Đặc biệt, xoong nồi, ấm nấu nước sử dụng hàng ngày thì chỉ sau khoảng một tuần là xuất hiện một lớp vôi dày ở đáy. “Cách nay khoảng 4 năm, tôi đi khám bệnh và phát hiện bị sỏi thận. Từ đó đến nay, gia đình tôi không sử dụng nước giếng để uống nữa (mặc dù đã qua đun sôi) mà chuyển sang uống nước bình. Nhưng hàng ngày gia đình tôi cũng phải sử dụng nước giếng để nấu ăn”, ông Hương nói.

Giống như gia đình ông Hương, bà Ngô Thị Nhuẫn cũng ở thôn Nguyên Trang cho biết: Trước đây, gia đình tôi sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày từ giếng đào, nhưng do lượng vôi trong nước nhiều quá nên gia đình đã khoan một giếng khác. Nước mới bơm lên rất trong, nhưng qua một đêm thì ở đáy hồ chứa nước xuất hiện một lớp vôi trắng. Các dụng cụ chứa nước phải vệ sinh hàng ngày, còn xoong nồi, ấm nấu nước nếu khoảng 5-7 ngày mà không chà rửa thì sẽ đóng một lớp vôi dày.

Ông Cao Văn Tài, Phó Trưởng thôn Nguyên Trang cho biết: Thôn Nguyên Trang hiện nay có 274 hộ dân đang sinh sống, gia đình nào cũng đào giếng hoặc khoan giếng để lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Sau khi người dân phản ánh, nhiều đoàn cán bộ ở tỉnh và huyện đã về kiểm tra, lấy mẫu nước đưa đi xét nghiệm và kết luận nước nhiễm vôi. Nhiều hộ dân đã xây hồ lọc nước, nhưng nước lọc vẫn nhiễm vôi, còn mua máy lọc nước về thì phải thay bộ phận lọc thường xuyên rất tốn kém. Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng tại thôn Nguyên Trang có rất nhiều người bị bệnh có liên quan đến nguồn nước sinh hoạt, đặc biệt là sỏi thận.

Theo UBND xã Sơn Nguyên, đa số các giếng đào trên địa bàn xã đều có chung tình trạng nước giếng nhiễm vôi. Hiện nay trên địa bàn xã còn lại 2 thôn Nguyên Trang (hơn 270 hộ) và Nguyên Hà (hơn 130 hộ) chưa có công trình nước sinh hoạt tập trung. Lâu nay không chỉ người dân thôn Nguyên Trang sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng, mà hơn 130 hộ dân ở thôn Nguyên Hà cũng đang sử dụng nguồn nước nhiễm vôi. Các ngành chức năng đã lấy mẫu nước, có kết luận nước nhiễm vôi nhưng chưa có khuyến cáo cụ thể nên đến nay người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước này.

Sớm đầu tư công trình nước sạch

Theo ông Trần Cư, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sơn Nguyên, xã Sơn Nguyên hiện có 3 công trình cấp nước tập trung do đơn vị quản lý và vận hành; trong đó công trình cấp nước tại thôn Nguyên Xuân có công suất hơn 360m3/ngày đêm, công trình cấp nước tại thôn Nguyên An có công suất 240m3/ngày đêm và công trình cấp nước tại thôn Nguyên Cam có công suất 190m3/ngày đêm. Các công trình cấp nước này đều có nguồn nước đảm bảo và xây dựng hệ thống xử lý nên nước cấp đến hộ dân đảm bảo chất lượng. Việc nước giếng bị nhiễm vôi ở 2 thôn Nguyên Trang và Nguyên Hà, ngoài kết luận của các sở, ngành ở tỉnh thì địa phương cũng đã gửi mẫu nước đến một trung tâm kiểm nghiệm ở Hà Nội để phân tích nhưng đến nay chưa có kết quả, nên chưa có khuyến cáo cụ thể cho người dân. “Kiến nghị của người dân ở 2 thôn Nguyên Trang và Nguyên Hà là cấp thiết, nhưng công suất của 3 công trình nước nói trên quá nhỏ, không đảm bảo cấp nước đến các thôn này. Để giải quyết tình trạng nước sinh hoạt ở 2 thôn Nguyên Trang và Nguyên Hà, cần phải đầu tư công trình cấp nước tập trung với công suất lớn để cấp nước cho tất cả các hộ dân trên địa bàn xã, hoặc đầu tư mỗi thôn một công trình cấp nước tập trung”, ông Cư nói.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Sở NN-PTNT đang phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa kiểm tra tình trạng nước giếng nhiễm vôi ở xã Sơn Nguyên và sẽ có đề xuất giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm đảm bảo cấp nước sạch cho dân. Hiện nay, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã đưa vào thực hiện trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và đã được UBND tỉnh phân bổ về các huyện để thực hiện. Do đó, UBND huyện Sơn Hòa cần xem xét, lựa chọn và có kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn khác để đầu tư công trình cấp nước tập trung theo nguyện vọng của người dân. Về định hướng chung trong điều chỉnh quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, theo đó có danh mục đầu tư nâng cấp 3 công trình cấp nước tập trung nói trên với công suất 450m3/ngày đêm, bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Sở NN-PTNT đề nghị UBND huyện Sơn Hòa xem xét và kêu gọi đầu tư công trình cấp nước tập trung này nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Sơn Nguyên.

Không chỉ người dân kiến nghị với chính quyền địa phương mà qua những lần tiếp xúc cử tri, người dân ở 2 thôn Nguyên Trang và Nguyên Hà đều kiến nghị liên quan đến vấn đề nước sạch ở đây. Để đảm bảo sức khỏe của người dân, đảm bảo nước sinh hoạt trong mùa nắng, UBND xã Sơn Nguyên tiếp tục kiến nghị huyện và tỉnh sớm xem xét, đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung nhằm giải quyết tình trạng người dân sử dụng nước giếng bị nhiễm vôi.

Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên Đặng Văn Thiện

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/243316/xa-son-nguyen-son-hoa---nuoc-nhiem-voi-nguoi-dan-can-nuoc-sach.html