Xã Sơn Thủy: Chủ động phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa bão

Xã Sơn Thủy (Mai Châu) có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, nhiều khu vực bị chia cắt bởi suối Gò Lào và suối Sạn Sộp. Theo thống kê, toàn xã có 6 ngầm tràn, cầu treo phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân địa phương. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Sơn Thủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai.

Xã Sơn Thủy (Mai Châu) có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, nhiều khu vực bị chia cắt bởi suối Gò Lào và suối Sạn Sộp. Theo thống kê, toàn xã có 6 ngầm tràn, cầu treo phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân địa phương. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Sơn Thủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai.

Khi mưa lớn, nước lũ chảy xiết, dâng qua ngầm Sạn Sộp, xã Sơn Thủy (Mai Châu), không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.

Khi mưa lớn, nước lũ chảy xiết, dâng qua ngầm Sạn Sộp, xã Sơn Thủy (Mai Châu), không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.

Toàn xã có 1.027 hộ, trên 4.300 nhân khẩu, trong đó có 243 nhân khẩu nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, sinh sống tập trung tại các xóm: Suối Nhúng, So Lo, Gò Lào, Phúc, Sạn Sộp... Do thiếu mặt bằng xây dựng nhà ở, dân cư sinh sống chủ yếu ven các sườn đồi và dọc theo bờ suối Gò Lào, Sạn Sộp.

Theo rà soát, toàn xã có 2 ngầm tràn hoạt động kém hiệu quả là ngầm Gò Lào và ngầm Sạn Sộp. Nguyên nhân chính do đã được xây dựng từ lâu, mặt ngầm thấp, cống thoát nước nhỏ nên thường xuyên bị ngập khi nước lũ đổ về. Đây là tuyến đường huyết mạch từ trung tâm huyện đi xã Sơn Thủy và xã Tân Thành. Tuy nhiên, vào thời điểm mưa lớn, nước suối đổ về tràn qua mặt ngầm cản trở phương tiện lưu thông, không đảm bảo an toàn.

Khảo sát thực tế tại xóm Sạn Sộp, khu vực có ngầm tràn Sạn Sộp, vị trí quan trọng kết nối các xóm, xã vùng trong với trung tâm huyện Mai Châu được biết, ngầm tràn có chiều dài hơn 50m, chiều cao so với mực nước khoảng 1m và 8 cống thoát nước.

Anh Hà Văn Anh, xóm Sạn Sộp chia sẻ: Cứ mưa lớn khoảng 2 - 3 giờ là nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập ngầm tràn, nước chảy xiết. Ban quản lý xóm lại phân công chốt chặn hai đầu không để người và phương tiện di chuyển qua ngầm, đảm bảo an toàn giao thông.

Cùng với khắc phục hậu quả, chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trước mùa mưa lũ năm nay, xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên bám sát địa bàn; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa đến từng hộ dân. Tham gia luyện tập, diễn tập phòng, chống bão lũ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn do xã tổ chức để nâng cao năng lực của các đoàn thể, công an, dân quân tự vệ trong việc xử lý tình huống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Bên cạnh đó, xây dựng phương án cụ thể với từng loại và tính chất, mức độ thiên tai, như: gió lốc, mưa to kéo dài, lũ quét ở từng địa bàn cụ thể để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời. Tập trung quán triệt và thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin về tình hình, diễn biến thời tiết, thông báo cho nhân dân để chủ động phòng tránh. Tuyên truyền, cảnh báo cho người dân trên loa phát thanh của xã; hướng dẫn, phổ biến người dân các kinh nghiệm phòng tránh, nâng cao cảnh giác, chủ động trong việc phòng, chống thiên tai. Cùng với đó, hàng năm, xã trích nguồn kinh phí để tu sửa, nâng cấp, sửa chữa các ngầm tràn bị hư hỏng do nước lũ tàn phá. Rà soát hộ dân sinh sống trong những điểm xung yếu, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, xây dựng kế hoạch di dời để đảm bảo tính mạng và tài sản.

Đồng chí Bùi Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết: Thời gian tới, xã mong muốn nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí để khảo sát tu sửa, nâng cấp các ngầm tràn đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn lưu thông vào mùa mưa lũ. Đồng thời, thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ”. Chủ động triển khai, xây dựng kế hoạch nhằm ứng phó với thiên tai. Huy động nhân lực, vật lực, mua trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Qua đó nhằm tuyệt đối đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trên các tuyến đường, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Mạnh Cường

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/194691/xa-son-thuy-chu-dong-phong,-chong-thien-tai,-dam-bao-an-toan-giao-thong-mua-mua-bao.htm