Xác định giá bán lẻ điện để đảm bảo tính công bằng, minh bạch

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị bổ sung tiêu chí xác định giá bán lẻ điện để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong thị trường điện cạnh tranh…

Chiều 21/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Luật Điện lực 2004 chưa đáp ứng được thực tiễn

Theo Tờ trình, sau gần 20 năm thi hành Luật Điện lực 2004, vẫn còn tồn tại một số vấn đề, chưa đáp ứng được thực tiễn và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, cũng như đảm bảo đồng bộ các luật liên quan.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình Quốc hội Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình Quốc hội Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Một trong những điểm mới tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là đề cập tới phát triển điện hạt nhân. Theo đó, Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, do đây là dự án quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia. Việc đầu tư xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động, cũng như đảm bảo an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử, các quy định liên quan.

Dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng nhằm đảm bảo an toàn cao nhất. Bên cạn đó, tùy thuộc tình hình kinh tế, xã hội từng thời kỳ, dự thảo luật quy định Thủ tướng sẽ quy định cơ chế đặc thù, để triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân. Quy hoạch loại nguồn điện này là một phần gắn liền, đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, để đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện.

Ngoài nguồn điện này, Nhà nước cũng giữ độc quyền về đầu tư nhà máy thủy điện đa mục tiêu và các dự án nguồn, lưới điện từ cấp điện áp 220 kV trở lên, nguồn và lưới điện khẩn cấp; vận hành lưới truyền tải (trừ lưới do tư nhân đầu tư xây dựng) và điều độ hệ thống điện.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Làm rõ hoạt động mua bán điện

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay, chính sách phát triển điện hạt nhân là vấn đề mới được nêu tại Dự thảo Luật. Do đó, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định quy định nội dung này và mức độ quy định trong dự thảo Luật với phát triển điện hạt nhân.

Có ý kiến cho rằng cần rà soát, làm rõ quy định liên quan các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư. Theo đó, chỉ quy định những nội dung thực sự cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng, tạo cơ chế thu hút xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nhà đầu tư, giảm đầu tư công, tăng tính khả thi và quản lý nhà nước hiệu quả hơn, báo cáo thẩm tra phản ánh.

Về hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu bổ sung thông tin trong hợp đồng mua, bán điện phục vụ sinh hoạt và làm rõ nội dung các hoạt động mua, bán điện. Cùng với đó, Ủy ban cũng đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc xác định giá và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng dịch vụ điện; bổ sung tiêu chí xác định giá bán lẻ điện để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong thị trường điện cạnh tranh.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Về thời điểm thông qua Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay, đa số thành viên Ủy ban và một số Ủy ban của Quốc hội thấy rằng nếu trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp vào Kỳ họp thứ 8 theo đề nghị của Chính phủ là mục tiêu rất thách thức. Phạm vi sửa đổi tổng thể, toàn diện bao gồm 6 nhóm chính sách, thể hiện trong 130 điều, nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, phạm vi tác động rộng khắp, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đề nghị thông qua Luật tại 2 kỳ họp. Theo đó, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Trong trường hợp phạm vi sửa đổi chỉ tập trung vào những vấn đề cấp thiết, đã chín, đã rõ; chỉ luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời, Dự thảo Luật được chuẩn bị tốt, giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan; quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban kiến nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) kế thừa và sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện; mua, bán điện, giá điện; quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện...

Dự thảo được xây dựng theo hướng phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước (Trung ương và địa phương) trong việc xây dựng chính sách, quản lý ngành điện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xac-dinh-gia-ban-le-dien-de-dam-bao-tinh-cong-bang-minh-bach.html