Xác định rõ trách nhiệm trong phát triển năng lượng

Xác định rõ trách nhiệm quản lý của Bộ với một số dự án cụ thể cũng như tồn tại đã chỉ ra trong lĩnh vực phát triển năng lượng là một trong những yêu cầu Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giao đoạn 2016 - 2021' nêu ra tại cuộc làm việc với Bộ Công Thương về chuyên đề giám sát này.

Trách nhiệm của Bộ Công thương đến đâu?

Qua phân tích nội dung báo cáo của Bộ Công thương và thực tế làm việc với một số doanh nghiệp, địa phương thời gian qua, Đoàn giám sát nhận thấy, trong giai đoạn 2016 - 2021, ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng đã có những bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ giữa các lĩnh vực, bám sát định hướng, đạt được nhiều mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2007, của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11.2.2020, của Bộ Chính trị khóa XII “về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ngành năng lượng đã cung cấp đủ cơ bản điện nói riêng và năng lượng nói chung cho nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, giai đoạn 2016-2021, công tác cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí tăng cao, hình thành được một số cơ sở lọc hóa dầu quy mô lớn. Đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn; sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao.

Ghi nhận kết quả của ngành năng lượng đạt được, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải nêu rõ, tại Nghị quyết 55-NQ/TW, Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu phải có cơ chế khuyến khích, thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia; thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ về năng lượng bao gồm cả hệ thống điện truyền tải quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công thương chậm trễ trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Từ khi ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW đến nay, qua gần 4 năm, một số quy định và văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa chủ trương rất quan trọng này của Đảng ta chưa có và còn chậm, dẫn đến hệ thống hạ tầng năng lượng của nước ta đang rất khó khăn. Nói cách khác, chúng ta thiếu cơ chế để thể chế hóa chủ trương của Đảng trong việc thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư cho hệ thống truyền tải điện và cơ sở vật chất về năng lượng…

Vậy nên, nhìn chung hạ tầng năng lượng hiện đang gặp nhiều khó khăn, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức. Chỉ rõ thực tế này, Ủy viên Thường trực Trần Văn Khải đề nghị, Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân của sự chậm trễ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng? Trách nhiệm của Bộ Công thương đến đâu, thuộc cá nhân, tổ chức nào? Đến bao giờ có quy định cụ thể để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng về cơ chế thu hút vốn ngoài Nhà nước và xã hội hóa tối đa đầu tư cơ sở vật chất liên quan đến hạ tầng năng lượng?

Cũng từ thực tế giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhận thấy, những vướng mắc trong khung pháp lý điều tiết điện lực chưa hoàn thiện, chính sách thu hút đầu tư cũng chưa hoàn thiện. Thực tế, nhà đầu tư phản ánh việc không cam kết công suất tối thiểu thu mua nên họ không yên tâm đầu tư và đề nghị cơ quan chức năng phải cam kết với tổng số vốn đầu tư như vậy sẽ bảo đảm mức công suất tối thiểu mua cho nhà máy điện là bao nhiêu. Có như vậy, nhà đầu tư mới có cơ sở để xây dựng kế hoạch tài chính và cân nhắc mức đầu tư phù hợp.

Giải trình, làm rõ những vấn đề Đoàn giám sát nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, có một số dự án truyền tải, hạ tầng kho cảng… đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, không hiệu quả, ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Việc chậm triển khai các dự án đầu tư theo phản ánh của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước với Bộ Công thương và Bộ trưởng đều tập trung vào các vấn đề như: thủ tục hành chính, khó khăn về vốn, hiệu quả đầu tư, giải phóng mặt bằng… - vốn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Do vậy, Bộ trưởng mong muốn, Đoàn giám sát của UBTVQH sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời, làm rõ khi làm việc về nội dung này.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhận trách nhiệm của Bộ trước tình trạng chậm triển khai ở một số dự án hạ tầng năng lượng là do "chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra, đưa ra chế tài xử lý". Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương đã trình và được Chính phủ phê duyệt 4 quy hoạch về điện lực, năng lượng quốc gia, hạ tầng xăng dầu, khai thác và chế biến khoáng sản.

Không có dự án điện năng lượng tái tạo nào phải "đắp chiếu"

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trước phản ánh của thành viên Đoàn giám sát về hiện tượng có những dự án điện gió, điện mặt trời làm dở dang, "đắp chiếu" chờ cơ chế, gây lãng phí, hư hỏng, thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư. Và, các dự án trong tương lai cũng chưa biết cơ chế như thế nào để chuẩn bị đầu tư; hay năng lượng tái tạo đang chờ... "cơ chế".

Bộ trưởng cũng cho biết, với 85 dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp không được hưởng chính sách giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ - PV), Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3.10.2022 và Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7.1.2023 về khung giá phát điện đối với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Tuy nhiên, hiện chỉ có 66 dự án đã gửi hồ sơ và gần 20 dự án chưa gửi hồ sơ có thể do khâu hoàn thiện pháp lý. Các dự án đã gửi hồ sơ đều đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tích cực thỏa thuận với chủ đầu tư theo chỉ đạo của Bộ, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Quan tâm đến vấn đề áp dụng biểu giá FIT cho các dự án năng lượng tái tạo, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nêu vấn đề, từ năm 2022 đến nay, các dự án năng lượng tái tạo không được áp dụng biểu giá FIT, các dự án điện gió sau ngày 31.12.2021 cũng không có cơ chế áp dụng. Nêu rõ biểu giá FIT không thể áp dụng mãi, đại biểu đề nghị cơ quan quản lý ngành phải sớm chuẩn bị cho sự chuyển đổi cũng như cơ chế, chính sách để thu hút, "giữ chân" nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Khẳng định thời hạn áp dụng chính sách giá FIT với điện gió, điện mặt trời được quy định trực tiếp, rõ ràng trong Quyết định 39/2018/QĐ-TTg (ngày 10.9.2018, của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29.6.2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam - PV) và chỉ áp dụng đến 31.12.2021, Bộ trưởng nêu rõ, chính sách giá FIT chỉ có thời hạn nhất định, bởi lẽ đây là chính sách khuyến khích, không thể tiếp tục kéo dài. Những dự án không được hưởng chính sách giá FIT hay đầu tư mới đều không có vướng mắc về chính sách, pháp luật. Luật Đầu tư, Luât Điện lực, Luật Đấu thầu hay một số Thông tư của Bộ Công thương đã quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận có sự chậm trong việc ban hành cơ chế chuyển tiếp giá FIT. Nguyên nhân là do trong Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg đã quy định rõ những dự án chuyển tiếp (không được hưởng giá FIT) thì phải áp dụng giá cạnh tranh. Do vậy, dù Bộ Công thương đã nhiều lần gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, nhưng chưa ra được cơ chế giá chuyển tiếp, vì chưa thống nhất phương thức đấu thầu giá mua điện năng lượng tái tạo.

“Nếu đấu thầu giá mua điện hàng năm, thì chủ đầu tư sẽ khó yên tâm thực hiện dự án vì giá mua điện sẽ thay đổi thường xuyên. Nhưng, nếu đấu thầu mức giá áp dụng trong 20 năm sẽ tương tự như giá FIT, là một dạng giá "FIT phẩy", cũng không được, vì phi thị trường”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, vướng mắc này đã được tháo gỡ sau khi Bộ Công Thương nghiên cứu Luật Điện lực, Luật Giá và đã xây dựng văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện.

Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về chuyên đề giám sát này sẽ đi vào các giải pháp, kiến nghị cụ thể, nêu rõ trách nhiệm từng đơn vị có liên quan theo mốc thời gian thực hiện. Nhấn mạnh điều này khi kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH đề nghị, Bộ Công thương cần xác định rõ trách nhiệm quản lý của Bộ với một số dự án cũng như tồn tại đã chỉ ra trong lĩnh vực phát triển năng lượng thời gian qua. Đặc biệt, phải "cắt khúc" giai đoạn Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý với các doanh nghiệp, dự án có tồn tại, hạn chế và giai đoạn chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thực hiện, để rành mạch về trách nhiệm của Bộ và các cơ quan liên quan.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/xac-dinh-ro-trach-nhiem-trong-phat-trien-nang-luong-i337367/