Xác Lộc Hầu Phùng Đức Nhuận kiến công tích đức cho mai hậu
Hoàng Ngũ Phúc - sinh năm 1713 vốn là học trò giỏi của Quận công Dương Quốc Cơ, sau được phong tước Việp Quận công - một trong những võ tướng nổi danh trong lịch sử Việt Nam.
Cuộc đời làm quan của ông Nam chinh Bắc chiến, lập nhiều chiến công cho vua Lê chúa Trịnh. Khi ông ngoài sáu mươi tuổi được phong làm Quốc lão cho về nghỉ. Nhưng phương Nam binh biến, quần hùng cát cứ, đặc biệt là sự nổi dậy của ba anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, chúa Trịnh Sâm đã phải vời đến lão tướng họ Hoàng dẫn đầu ba quân vào yên ổn phương Nam. Ba anh em họ Nguyễn nổi tiếng quyền mưu cũng đã nhiều lần thần phục oai danh của Hoàng Ngũ Phúc. Đích thân Nguyễn Nhạc đã nhiều lần dâng voi, ngựa, vàng bạc, ngọc lụa cho vị chủ tướng họ Hoàng.
Tại sao một người xuất thân hoạn quan như Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc lại có thể khiến các đời chúa Trịnh vô cùng tin dùng đến vậy? Trong bối cảnh đặc biệt lúc bấy giờ, nhận được sự tín nhiệm thống suất binh quyền của nhà Chúa phải là người vừa có tài văn võ vừa có sự trung thành tuyệt đối với họ Trịnh. Về tài năng, Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: “Tháng 2 (1743), cho Tả Thiếu giám Hoàng Ngũ Phúc làm đốc lĩnh đạo Kỳ binh. Hoàng Ngũ Phúc dâng lên mười hai điều về binh pháp được chúa Trịnh Doanh chấp thuận sai đưa ra thi hành. Nhân đem binh pháp ấy hiểu thị cho thống tướng đạo Chính binh là Hoàng Công Kỳ”.
Với đặc thù việc dụng binh của chúa Trịnh luôn cử đại tướng thân tín giữ Chính binh còn Kỳ binh chỉ là hư chiêu để phục vụ Chính binh tác chiến. Việc đem mười hai điều binh pháp của chủ tướng Kỳ binh ra làm mệnh lệnh để toàn quân đạo Chính binh phải thực hiện chứng tỏ chúa Trịnh Doanh rất hài lòng và tín phục binh pháp của Hoàng Ngũ Phúc. Chính điều này tạo nền tảng căn cốt để Thái giám họ Hoàng từng bước quản lĩnh quân đội lập nhiều chiến công.
Người thứ ba chính là Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận mà phần đầu bài viết chúng tôi đã đề cập đến. Từ các cứ liệu lịch sử, gia phả, thần phả, đặc biệt là văn bia trên hai tấm bia ở chùa Phúc Nghiêm, trong đó có đoạn viết: “Nay ở thôn Chiền thuộc Kẻ Mang có vị quan Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu Thị Nội Gián Tư Lễ Gián Đồng Tri Giám Sự Xác Lộc Hầu. Ông là người họ Phùng thôn Chiền, được vâng mệnh hầu hạ trong cung cấm, lòng luôn nghĩ đến làm việc thiện. Ông đã đem tiền của phúc lộc được ban giúp đỡ mọi người. Kinh dịch có câu rằng: Chăm lo bồi đức làm việc phúc thiện há chẳng phải để gương cho muôn đời sau noi theo hay sao. Ông phát gia tài mời thợ giỏi về sửa chữa điện thờ, hành lang, nhà chùa thêm phần quy mô, luân chuyển từ gỗ sang đá, trong ngoài phép tắc đều được lập định rõ ràng. Đến nay chùa tháp tầng tầng lớp lớp mọc thật nguy nga. Nhìn vào đó lòng người ai ai đều cung kính”.
Từ văn bia chùa Phúc Nghiêm với các tư liệu khác, chúng ta có thể khẳng định Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận không chỉ là vị quan thái giám có uy vọng lớn trong triều đình vua Lê chúa Trịnh mà còn là người luôn đau đáu hướng về quê hương, nơi đã sinh thành ra mình. Ngay khi còn tại chức, toàn bộ bổng lộc triều đình ban cho, Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận đều cho chuyển về tôn tạo đình chùa nơi quê hương. Với vị trí Tổng Thái giám mà ông đảm đương, lại được các đời vua Lê, chúa Trịnh hết sức tin dùng, các quan lại trong triều ngoài nội tín phục đã cho ông không chỉ vị thế đặc biệt mà còn là điểm tựa để mọi người ở quê hương hướng về. Chính Giám ban mà chúa Trịnh đặt ra nhằm cân bằng quyền lực giữa hai ban Văn -Võ đã vô hình chung tạo dựng vị trí vai trò quan trọng để Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận thể hiện tài năng tâm huyết trong quyền hạn tham dự triều chính.
Từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy, chắc chắn có sự liên hệ mật thiết giữa Tổng Thái giám Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận với Việp Quận công Tả Thiếu giám Hoàng Ngũ Phúc sau này bởi hai ông không chỉ cùng được sinh ra trên vùng đất Yên Dũng địa linh nhân kiệt mà chí hướng, tài năng và sự trung thành nhất mực đều được các đời vua Lê chúa Trịnh hết sức ngợi khen.
Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận khi đảm đương các cương vị trong Giám ban đến khi được phong chức Tổng Thái giám đứng đầu Giám ban đã có nhiều công lao được triều đình ghi nhận. Theo quy định có từ đời Lê Dụ Tông (1720-1729), Giám ban được trực tiếp tham gia chính sự, Tổng Thái giám (Tòng Nhị phẩm) chỉ kém Thượng thư một bậc, nhưng thực chất, với sự tiếp cận thường xuyên, trực tiếp với đương kim hoàng thượng và đương kim chúa thượng đã mặc nhiên đặt vào cương vị ấy những trọng trách lớn lao, có tính tác động bước ngoặt tới các công việc quan trọng của triều đình.
Có được đặc quyền lớn nhưng việc sử dụng đặc quyền đó như thế nào lại là vấn đề khác. Lịch sử phong kiến Trung Quốc đã chứng kiến rất nhiều quan thái giám khuynh đảo triều chính, thậm chí soán vị cướp ngôi với thủ đoạn vô cùng hiểm độc bị người đời sau phỉ nhổ. Đại Việt ta khác biệt nhiều với Trung Quốc và chính điều này đã không để phương Bắc có thể đồng hóa được chúng ta đó chính là sự trung quân ái quốc, tận trung với vua, tận hiếu với dân, sống nhân văn nhường nhịn, biết đặt cái lớn lao của quốc gia lên trên tư vị cá nhân.
Chắc chắn Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận hơn ai hết đã thấm thía rất sâu đạo lý trên nên trong suốt cuộc đời làm quan của mình, từ chức vị nhỏ khi mới vào cung đến cương vị Tổng Thái giám đứng đầu Giám ban quyền lực cực lớn song ông đều biết tự giữ mình, giữ nghiêm phép nước, phép vua, mệnh chúa, điều hòa cân bằng mọi mặt nên trong suốt thời gian dài tại vị đã được vua Lê chúa Trịnh nể vì phong tước, các vị đồng liêu trong triều trọng thị quả là hiếm lắm thay.
Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận luôn là người tu nhân tích đức để dành cho mai hậu. Chính quê hương đã cho ông trí tuệ và niềm tin lớn để tạo dựng những hành xử chuẩn mực không chỉ trong cung cấm khó lường, chốn quan trường hiểm hóc mà bằng vào tâm đức của mình, ông đã bình tĩnh ứng xử qua nhiều đời vua chúa, được phong quan tước, được bình an lá rụng về cội nơi mảnh đất Kẻ Mang đã sinh thành ra ông. Đó cũng chính là sự cao cường của Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận mà hậu thế cảm nhận được từ chính cuộc đời ông.
Câu hỏi tại sao Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho quê hương mà biểu hiện cao nhất là việc xây dựng, tôn tạo hệ thống đình đền chùa miếu ở Kẻ Mang đã được ghi vào bia bảng truyền cho hậu thế, một tấm lòng ưu ái sâu sắc với quê hương như vậy còn chưa đủ làm bằng chứng để hậu nhân học tập hay sao? Có lẽ nào thông điệp của vị Tổng Thái giám họ Phùng trải mấy đời vua Lê chúa Trịnh không chỉ giữ được mình, góp phần yên ổn trong triều ngoài nội, hiếu kính mẹ cha dòng tộc, vun vén gốc nước gốc làng đã ăn sâu bám dễ vào dân gian, vào sử sách còn chưa nói lên đủ đầy trọn vẹn tấm lòng ông hay sao?
Như dòng sông Kẻ Mang kia, như dãy núi Nham Biền kia suốt ngàn năm còn đứng đó, còn tươi tốt mạch nguồn, ấm áp tới cao xanh, bình dị trong mỗi người dân cần lao đang mạnh mẽ tiến về phía trước, thông điệp của vị quan Tổng Thái giám Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận chính là thông điệp hướng tới sự thái bình thịnh trị, hướng tới việc cố kết nhân tâm, hướng tới việc con cháu đùm đậu kết đoàn làm việc nghĩa, hướng tới những răn dạy gia phong của tôn tộc họ Phùng trong dòng chảy lớn các dòng tộc Việt Nam.
Tưởng nhớ tri ân những bậc tiền nhân có công với nước, các triều đại kế tiếp nhau luôn đánh giá đúng mức bằng các sắc phong khẳng định công tích của quan Xác Lộc hầu nơi vùng đất Nội Hoàng. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, huyện Yên Dũng đã có các quyết định, văn bản xác định phần đất Lăng mộ, chỉ giới đường vào thể hiện qua sơ đồ địa giới hành chính. Con cháu hậu duệ họ Phùng ở Nội Hoàng đều có tâm nguyện từng bước tôn tạo khu Lăng mộ với nhiều hiện vật bằng đá quý giá để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trên quê hương. Đây cũng là tấm lòng của hậu nhân với tiền nhân mong chính quyền xã Nội Hoàng vừa thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên vừa coi đây là việc làm hữu ích, làm khang trang một địa chỉ văn hóa ngay ở quê hương.