Xâm hại tình dục ở nước ngoài có thể bị xử theo luật Việt Nam?
Mới đây thông tin về hai nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam được cho là đã có hành vi xâm hại tình dục một cô gái trẻ tại Tây Ban Nha khiến dư luận xôn xao. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng của nước sở tại chưa chính thức lên tiếng.
Trao đổi với PV PNVN về thông tin 2 nghệ sĩ Việt được cho là có hành vi phạm tội ở Tây Ban Nha, Tiến sĩ – luật sư Đặng Văn Cường (trưởng VP luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) nói rằng: "Hành vi vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài không phải là chuyện hiếm gặp. Cũng không ít trường hợp công dân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam.
Thế nhưng, đây mới chỉ là những thông tin ban đầu, do đó cần phải có thông tin, cụ thể chính xác từ các cơ quan chức năng của nước sở tại. Vụ việc sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra xác minh của cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật".
Luật sư Cường cũng cho biết: Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hiếp dâm là hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn do sử dụng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân. Người thực hiện hành vi hiếp dâm là vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu chế tài hình sự.
Bởi vậy trong trường hợp hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của Tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và hành vi phạm tội xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì vẫn có thể xử lý theo pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 6 BLHS 2015, công dân Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà BLHS quy định là tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.
Mức phạt đối với tội hiếp dâm theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay là rất nghiêm khắc: nếu phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Mức phạt cao nhất đối với tội danh này có thể lên đến tù chung thân nếu thuộc một trong các trường hợp: gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
1. Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.
Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam…
Bên cạnh đó, việc xử lý tội phạm diễn ra tại nước ngoài còn cần đến sự hỗ trợ của nước bạn thông qua các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước sở tại. Theo đó, việc dẫn độ tội phạm giữa hai nước phải bảo đảm phù hợp với những điều khoản đã ghi trong Hiệp định tương trợ tư pháp, nước ký kết này sẽ dẫn độ công dân của nước ký kết kia đang ở trên lãnh thổ của nước mình cho nước kia để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành bản án, quyết định hình sự.
Đặc biệt, việc dẫn độ phải đáp ứng điều kiện dẫn độ và không thuộc các trường hợp từ chối dẫn độ cũng thường được quy định trong Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc theo quy định của nước sở tại. Dẫn độ tội phạm chỉ được thực hiện nếu theo luật của hai quốc gia hữu quan đều khẳng định hành vi của cá nhân bị dẫn độ là hành vi tội phạm hình sự và mức hình phạt cần là hình thức tù giam, với thời hạn được xác định.
Trong trường hợp không có hiệp định tương trợ tư pháp việc tương trợ trong việc dẫn độ, hỗ trợ điều tra … sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của các quốc gia trên nguyên tắc có đi có lại trong từng trường hợp cụ thể. Nếu nước bạn không dẫn độ người phạm tội, thì người này có thể bị xử lý theo quy định và trình tự tố tụng tại nước sở tại.
Khi đó, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ.
Hiện nay Việt Nam và Tây Ban Nha có ký hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, theo đó Hiệp định nêu: Thông qua Cơ quan trung ương, các Bên có thể chuyển giao việc truy cứu trách nhiệm hình sự cho các cơ quan tư pháp của Bên kia khi xét thấy Bên đó có điều kiện thuận lợi hơn để tiến hành việc điều tra, truy tố và xét xử tội phạm. Bên được yêu cầu phải thông báo cho Bên yêu cầu thủ tục tố tụng áp dụng đối với vụ án được chuyển giao và, nếu thấy phù hợp, gửi cho Bên yêu cầu bản sao quyết định được ban hành.
Theo dự luật mới ở Tây Ban Nha đã được Hạ viện thông qua tháng 5/2022, quan hệ tình dục không đồng thuận có thể bị coi là tội hiếp dâm và phải chịu án tù lên đến 15 năm. Dự luật yêu cầu phải có sự đồng thuận rõ ràng đối với các hành vi tình dục. Theo đó, đồng ý là sự thể hiện rõ ràng ý chí của một người, sự im lặng hoặc thụ động không phải là sự đồng ý. Vì vậy, quan hệ tình dục không đồng thuận có thể bị coi là hiếp dâm và phải chịu án tù lên đến 15 năm.
Với vụ việc này cần chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan tố tụng trên cơ sở các căn cứ pháp lý và tiến trình thực hiện thủ tục tố tụng tại nước sở tại. Theo đó, nếu có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan chức năng sẽ cần tiến hành các cuộc điều tra, xác minh làm rõ hành vi của các cá nhân có liên quan để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết, pháp luật Việt Nam quy định người từ 16 tuổi trở lên có quyền tự do về tình dục. Hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn hoặc người đã thành niên mà quan hệ tình dục với người chưa đủ 16 tuổi hoặc hành vi mua bán dâm mới là hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu quan hệ tình dục với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà có trả tiền thì bị xử lý về tội mua dâm người dưới 18 tuổi. Còn hình với hành vi quan hệ tình dục tự nguyện với người từ đủ 16 tuổi trở lên thì không vi phạm pháp luật.
Trường hợp có tố cáo về hành vi hiếp dâm thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ có hành vi quan hệ tình dục hay không và hành vi quan hệ tình dục có trái ý muốn hay không.
Biểu hiện của hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn là nạn nhân thường sẽ phản kháng trở lại khi bị xâm hại tình dục như: kêu cứu, cao cấu, cắn xé, la hét, bỏ chạy... tâm lý hoảng loạn, sợ hãi.. sau khi sự việc xảy ra. Khi quan hệ tình dục trái ý muốn thì kết luận giám định pháp y về tình dục thường sẽ thể hiện nạn nhân bị trầy xước, sung huyết, tụ máu ở bộ phận sinh dục (âm đạo), bị rách màng trinh, có dấu vết vật lộn trên hiện trường, trên cơ thể có thể để lại những vết cào, cấu, bầm tụ.
Ở các quốc gia châu Âu, pháp luật thường quy định đề cao sự tự nguyện trong quan hệ tình dục. Tuy nhiên pháp luật các quốc gia này cũng quy định các chế tài xử lý rất nghiêm khắc đối với những hành vi xâm hại tình dục.
Bởi vậy trong trường hợp cảnh sát nước sở tại xác định có hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn xảy ra trên lãnh thổ quốc gia của họ thì cảnh sát sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật nước sở tại và điều ước quốc tế nếu có đối với các quốc gia có người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ của họ.
"Trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ của một quốc gia châu Âu thì có thể sẽ giải quyết theo pháp luật của nước sở tại hoặc sẽ trục xuất để xử lý theo pháp luật của quốc gia có công dân vi phạm tùy vào điều ước quốc tế và hiệp định tương trợ tư pháp giữa các bên (nếu có)", Luật sư Đặng Văn Cường nói.