Xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc nhưng khó đưa ra xét xử
Xâm hại tình dục trẻ em đang trở thành vấn đề nhức nhối trong năm 2019 khi nhiều vụ việc liên tiếp được phát hiện khiến dư luận phẫn nộ...
Những “yêu râu xanh” không thể ngờ tới
Chỉ trong Quí I năm 2019, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 300.000 cuộc gọi đến, tư vấn cho gần 6.800 ca, can thiệp hơn 200 ca. Trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm 30%. Thực tế cho thấy, số vụ hiếp dâm ngày càng cao, nhưng đến nay có rất ít vụ được lôi ra ánh sáng và thủ phạm đã nhận hình phạt chưa đủ sức răn đe.
Cụ thể, ngày 6/11, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Linh cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng phạt 18 tháng tù về tội Dâm ô đối với người dưới 16. Gần đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Tiến Dũng (cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM) về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Trước đó, nhiều bé gái tố cáo bị ông Dũng sờ, bóp ngực, đụng chạm vùng kín các bé gái và bị ông này yêu cầu làm điều ngược lại.
Tại cuộc họp chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đoàn giám sát tối cao của Quốc hội mới tổ chức ngày 6/12, bà Nguyễn Thanh Hải (Trưởng ban Dân nguyện, trưởng đoàn giám sát tại Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh) khẳng định tình trạng bé gái bị người thân xâm hại tình dục ngày càng gia tăng là rất đau xót, thể hiện sự mất nhân tính của tội phạm. Nêu ví dụ điển hình như tại Hà Nội, nửa đầu năm 2019 có 272 trẻ em bị xâm hại.
Tại TP.HCM, Giám đốc Công an thành phố Lê Đông Phong cũng cho biết, số vụ xâm hại trẻ em năm 2019 tăng 35 vụ so với năm 2018. Trong đó, tại khu vực vắng ở ngoại thành xảy ra 13 vụ; tại khách sạn, nhà trọ, phòng khám tư 67 vụ; khu công cộng như chung cư, công viên, bãi giữ xe 18 vụ (trong đó có 15 vụ các cháu đi một mình). Kết quả xử lý nhiều vụ hơn hẳn năm ngoái, đã khởi tố 52 vụ, 44 bị can.
Qua những vụ việc nói trên, có thể thấy, những đối tượng thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em là rất đa dạng. Nhiều trẻ phải mang thai, sinh con khi tuổi còn nhỏ, thậm chí một số trẻ bị tử vong. Nguy hiểm hơn, số lượng những vụ việc như trên không những không giảm mà còn có xu hướng xảy ra nhiều hơn gây bức xúc trong nhân dân. Điều này là bởi, việc đưa ra xét xử những “con yêu râu xanh” là không hề dễ dàng vì nhiều lý do khác nhau.
Khó đưa ra xét xử do luật còn nhiều bất cập
Từ thực tế các vụ việc đã tham gia bào chữa, luật sư Nguyễn Văn Hùng, trưởng Văn phòng luật sư Kết nối cho biết, từ vụ việc hiếp dâm cháu bé 9 tuổi ở Chương Mỹ, gần đây nhất là vụ hiếp dâm cháu bé 14 tuổi, sau đó vì uất ức mà cháu bé này tự tử hai lần ở Phú Thọ và vụ hiếp dâm cháu bé 16 tuổi ở Uông Bí, Quảng Ninh thấy nhiều bất cập trong luật.
Theo luật sư Hùng, để xảy ra tình trạng này có 3 nguyên nhân chính: Đầu tiên là thu thập chứng cứ và xác định sự thật khách quan. Ở đây, những hành vi dâm ô chỉ mang tính chất đụng chạm cơ thể và nó không để lại dấu vết. Chính vì vậy, nếu không có camera lưu lại toàn bộ hành vi thì chúng ta không có đầy đủ chứng cứ để xử lý hình sự. Quá trình tố tụng thủ phạm khai báo gian dối, trong khi đó, lời khai của nạn nhân lại không được xem xét.
“Cùng với đó là tâm lý e ngại của nạn nhân, vì dâm ô chỉ đụng chạm bên ngoài, nên khi xảy ra vụ việc người ta cũng không muốn đưa ra pháp luật. Bên cạnh đó, quy trình tố tụng rất dài, kéo dài vài tháng. Sau đó, nạn nhân bị CQĐT gọi lên xuống lấy lời khai, bản cung, xác minh mất rất nhiều thời gian. Tâm lý chung của bị hại lại là “tránh voi không xấu mặt nào/Được vạ thì má đã sưng” nên mọi người không muốn đưa ra giải quyết”- Luật sư Hùng nói.
Bên cạnh đó, theo vị luật sự này, điều quan trọng nhất là hiện nay pháp luật còn bỏ tội dâm ô với người trên 16 tuổi. Mặc dù các nạn nhân từ 16-18 tuổi chưa có ý thức, chưa có khả năng phòng vệ bản thân mà chúng ta bỏ chỉ xử phạt hành chính thì rõ ràng những hung thủ họ có lý do, có động cơ mục đích và họ biết không xử lý hình sự họ cứ thực hiện hành vi dâm nên. Nên theo tôi cần phải bổ sung điều luật này.
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho rằng, việc thiếu cán bộ chuyên trách làm công tác trẻ em ở các xã, vì vậy việc nắm bắt thông tin, nắm bắt điều kiện sinh sống của gia đình có trẻ nhỏ và việc thực hiện những quy định trong Luật Trẻ em đang có những trở ngại nhất định. Do vậy, việc phát hiện kịp thời những trẻ em có bị bạo lực, xâm hại rất là khó.
Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục không thông tin, báo cáo đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền mà bao che, tự tìm cách xử lý vụ việc. Đáng lo ngại là rất nhiều vụ xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục diễn ra thời gian dài mới bị phát hiện, nhiều trường hợp kéo dài 2-3 năm như vụ thầy giáo dâm ô nhiều học sinh nam ở Phú Thọ.
Ngoài ra, theo bà Minh, những khoảng trống trong pháp luật cũng đã khiến không ít vụ việc xâm hại trẻ em khó trong quá trình điều tra, thu thập bằng chứng hay tố tụng. Đơn cử hành vi dâm ô đối với trẻ dưới 16 tuổi quy định trong điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định rõ hành vi “dâm ô” là gì, “hành vi quan hệ tình dục khác” là gì? Vì thiếu sự phân hóa cụ thể từng hành vi dâm ô nên mức hình phạt cũng không tương xứng”.
Ông Nguyễn Duy Hữu - Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk - cho rằng, điều tra, xét xử tội dâm ô rất phức tạp, đặc biệt là với đối tượng trẻ em, phải làm sao để cho các em hiểu và miêu tả đúng các hành vi. Ông Hữu cũng đề xuất cần sớm có hướng dẫn các dấu hiệu của tội dâm ô để thống nhất trong cách điều tra, xét xử.
BOX:Hơn 5 năm nhưng có tới gần 8.000 trẻ em bị xâm hại. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi nhiều vụ việc chưa được phát hiện và xử lý, để lại hệ lụy vô cùng nặng nề. Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh tốc độ kinh tế xã hội phát triển nhanh chóng tạo nên áp lực mới đối với các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em thì việc Quốc hội giám sát chuyên đề về “thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" là rất cần thiết, vừa đánh giá lại các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ, phòng chống, xâm hại trẻ em, qua đó sớm giải quyết hiệu quả các vấn đề về trẻ em./.