Xây dựng Bình Định thành trung tâm kinh tế biển

Với bờ biển dài trên 134 km cùng nhiều đảo ven bờ, cộng thêm nhiều cảng biển lớn, truyền thống khai thác thủy sản lâu đời, vùng nội thủy, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn… Bình Định là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh về biển và kinh tế biển, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia.

Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Bình Định

Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Bình Định

Những năm qua, kinh tế biển của tỉnh Bình Định đã có nhiều bước phát triển lớn: Khai thác thủy hải sản tăng cao liên tục trong nhiều năm cả về số lượng lẫn chất lượng; việc đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá được chú trọng, cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu được đầu tư ngày càng hiện đại; đời sống người dân các xã ven biển tăng lên đáng kể…

Tỉnh đã hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng giúp ngư dân có điều kiện cải hoán, nâng cấp tàu cũ và đóng mới tàu lớn hiện đại vươn khơi xa, bám biển dài ngày, khai thác hải sản đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hiện tỉnh có khoảng 750 tổ đội đoàn kết trên biển, với khoảng 3.000 tàu đánh bắt xa bờ. Nghiệp đoàn nghề cá tại xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) được thành lập với sự tham gia của khoảng 150 tàu câu cá ngừ đại dương.

Năm 2018, sản lượng khai thác thủy sản biển của tỉnh đạt 233.000 tấn, tăng 26% so với kế hoạch; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 10.250 tấn. 7 tháng năm 2019, sản lượng khai thác thủy sản biển đạt 148.000 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 40 triệu USD.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho TTXVN biết, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa Bình Định trở thành trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển. Mục tiêu này cũng đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 19 của tỉnh. Kinh tế biển được coi là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo "Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2035 Bình Định sẽ có 22 đô thị, trong đó TP. Quy Nhơn là đô thị loại I, là trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Quy Nhơn được quy hoạch phát triển theo định hướng dịch vụ - cảng biển - công nghiệp - du lịch, trong đó, trọng tâm là dịch vụ - cảng biển để tạo sức lan tỏa đến hệ thống đô thị toàn tỉnh Bình Định và vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Thời gian tới, Bình Định tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, hiệu quả cao.

Tỉnh đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp đến địa phương đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, nhà máy chế biến thủy sản, đầu tư mở rộng hạ tầng khu neo đậu trú tránh bão Tam Quan Bắc, tiếp tục hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ.

Bình Định cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời kiến nghị với Trung ương hỗ trợ địa phương đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng biển; mở rộng một số khu neo đậu, tránh trú bão; hỗ trợ vay vốn ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư vào ngành thủy sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá...

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/bien-viet-nam/xay-dung-binh-dinh-thanh-trung-tam-kinh-te-bien/374302.vgp